Lo cán bộ xã “làm sai” khi được phân cấp dự án đầu tư công, Bộ trưởng KH&ĐT nói gì?
Cập nhật: 29/10/2024
VOV.VN - Tại dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, cơ quan soạn thảo quy định phân cấp mạnh mẽ dự án đầu tư công đến chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp theo cấp độ dự án. Tuy nhiên, một số đại biểu bày tỏ lo ngại vấn đề phân cấp cho cán bộ cấp xã, phường nhất là các địa bàn miền núi sẽ khó khả thi, thậm chí có thể phát sinh vi phạm.
Tại thảo luận ở tổ chiều nay 29/10 về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) bày tỏ băn khoăn, tại khoản 3, Điều 28 dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm giao cho đơn vị trực thuộc là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các phòng, ban của uỷ ban nhân dân cấp dưới xây dựng báo cáo dự án tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Tại Khoản 8, Điều 18 dự Luật có quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư quy định chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C của địa phương.
Theo đại biểu Luận, các cấp ở đây được hiểu sẽ bao gồm cả cấp xã, nếu UBND cấp xã có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc xây dựng báo cáo tiền khả thi, theo ông Luận là “khó khả thi”, đặc biệt là miền núi, bởi các xã không có phòng ban chuyên môn giúp việc, do đó hết sức khó khăn.
“Cán bộ xã hiện ở miền núi có trình độ đại học nhưng kinh nghiệm hạn chế, đây là vấn đề hết sức hạn chế”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận lo ngại, đồng thời đề xuất nên quy định đến cấp tỉnh, cấp huyện để sau này không khó khăn, vướng mắc.
Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công, đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cũng chỉ ra một số quy định trong luật hiện hành chưa đáp ứng và chưa phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Trong đó, một số nội dung chưa quy định cụ thể rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chưa đồng bộ, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Vì thế, nên có sự đùn đẩy, tạo ra một cơ chế xin - cho giữa địa phương với các bộ ngành và giữa các bộ, ngành với nhau.
Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc như chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Một số dự án, chương trình đầu tư cần điều chỉnh chủ trương đầu tư thì kéo dài rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án….
Từ những vướng mắc nêu trên, đại biểu đồng ý cao với quan điểm sửa luật, các cơ chế chính sách theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) làm sao phân cấp, phân quyền mạnh từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm", còn Trung ương thì tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo rõ người rõ việc, rõ trách nhiệm.
"Trên cơ sở đó, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh việc đùn đẩy, né tránh và tránh cơ chế xin - cho", đại biểu Hải nói và kỳ vọng sửa Luật lần này sẽ tháo gỡ tất cả vướng mắc mà địa phương gặp phải, đẩy nhanh các dự án đầu tư.
Thảo luận vấn đề này ở Tổ của Quốc hội chiều nay, Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các đề xuất chính sách được đưa ra trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này đều đã qua rà soát, tổng kết, chọn lọc những vấn đề thực sự cấp bách, quan trọng nhất là đúng với tinh thần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển, kịp thời thể chế hóa các quy định, chủ trương, quyết định của Đảng, Quốc hội. Đặc biệt là đổi mới tư duy từ tư duy quản lý, sang tư duy mới là vừa quản lý vừa mở, kiến tạo, thúc đẩy phát triển.
Nhấn mạnh lo ngại của Đại biểu Luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phân cấp đến cấp xã lo ngại chưa quen, năng lực hạn chế, chưa thuộc thì trong Luật Đầu tư công sửa đổi, chúng tôi sẽ thiết kế thêm một Điều, quy định “Cấp trên một cấp có quyền quyết định có phân cấp hay không phân cấp cho cấp dưới”.
“Luật sẽ linh hoạt, nếu cấp huyện, tỉnh thấy năng lực cấp dưới không đủ thì không phân hoặc phân mà phân rồi, thấy họ không làm được thì rút về”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tinh thần phân cấp không có nghĩa cái gì cũng phân xuống cấp dưới: “Phân xuống mà không làm được thì một là làm sai, hai là nằm im ở đó thì không được”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT mong Đại biểu Quốc hội ủng hộ tinh thần là phân cấp mạnh mẽ từ Trung ương, địa phương, Chính phủ xuống địa phương, tỉnh huyện như tinh thần Hội nghị TW 10 đã đưa ra.
Trao đổi thêm về dự thảo Luật này, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án đầu tư công, để giảm thời gian “delay” của dự án và vốn, dự án chờ mặt bằng.
Ông Dũng khẳng định, đây là vấn đề vướng mắc nhất trong giải ngân vốn đầu tư công và lần sửa đổi Luật Đầu tư công, cơ quan soạn thảo tắc giải phóng mặt bằng để trở thành dự án riêng không phục thuộc hoặc liên quan đến dự án đầu tư công.
“Tại sao bao nhiêu quyết sách, nỗ lực nhưng năm 2024 lại giải ngân thấp hơn năm 2023. Nhiều nguyên nhân nhưng có cái quan trọng là giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng KH&ĐT nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, khi có quyết định đầu tư, chúng ta mới giải phóng mặt bằng, đo đạc, kiểm đếm, phương án đền bù, xây tái định cư… cứ tuần tự dự án đầu tư công mất rất nhiều thời gian. Lần này, sửa Luật Đầu tư công chúng ta chỉ căn cứ vào quy hoạch, căn cứ nguồn vốn đã được xác định, khu tái định cư đã được xác định, quyết tâm của cấp uỷ, người đứng đầu… để triển khai dự án, tách giải phóng mặt bằng riêng.
Ông Dũng khẳng định, các yếu tố này quyết định thành công dự án đầu tư công, và nếu làm được sẽ giảm được 6-8 tháng/dự án. Như vậy, khi quyết định đầu tư thì triển khai ngay, quan trọng nhất là là tách bạch 3 khâu trong quá trình dự án, trước đây chúng ta chia 2 phần dự án đầu tư công: Phần chuẩn bị và phần thực hiện. Nhưng bây giờ, chúng ta chia 3 phần: chuẩn bị đầu tư dự án, làm thủ tục và chuẩn bị thực hiện dự án (giải phóng mặt bằng) rồi đến xây lắp dự án.
“Chúng ta quy rõ trách nhiệm khâu nào, ai đơn vị nào, thì chúng ta rút ngắn thời gian và chỉ đúng vai”, ông Dũng nói.
Từ khóa: đầu tư công, đầu tư công, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, giải phóng mặt bằng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: cẩm tú/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN