Hiếm có vùng đất nào lại dày đặc di tích gắn liền với những chiến công lẫy lừng và danh nhân trong suốt chiều dài lịch sử như Côn Sơn - Kiếp Bạc. Theo sách xưa, nơi này có thế "bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình dị dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân nghìn tướng chầu về, ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời..."
Côn Sơn - Kiếp Bạc nằm giữa thung lũng trù phú, tựa lưng vào núi, kề bên Lục Đầu - nơi tụ hội của 6 con sông (Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy, Thái Bình). Đây là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ trấn giữ cửa ngõ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa. Thế kỷ 13 dưới thời Trần, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc làm nơi đặt phủ đệ và đóng quân, xây dựng phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, tạo nên những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Từ nơi này, năm 1285, quân dân Đại Việt đánh trận Vạn Kiếp, phá tan 20 vạn quân Nguyên; năm 1288 xuất quân đánh trận Bạch Đằng, tiêu diệt 30 vạn quân giặc. Sau trận chiến, Trần Hưng Đạo về ở Vạn Kiếp, viết Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, căn dặn "Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước".
Ðền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo được dựng vào đầu thế kỷ 14. Cổng đền có câu đối tựa như hào khí Đông A vang vọng: Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí/Lục Đầu vô thủy bất thu thanh (Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm/Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh).
Đền Kiếp Bạc có vị trí và cảnh quan độc đáo. Trong đền có 7 pho tượng đồng thờ Trần Hưng Ðạo, phu nhân, hai con gái, con rể Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Ðẩu và 4 bài vị thờ bốn con trai, gia tướng Yết Kiêu, Dã Tượng.
Ngày nay, đền Kiếp Bạc là điểm đến tâm linh quan trọng. Đã thành lệ, "tháng Tám giỗ cha", hội đền tổ chức vào ngày mất của Trần Hưng Đạo 20/8 Âm lịch là dịp để du khách thập phương trở về Kiếp Bạc thăm viếng, nhắc nhở các thế hệ tiếp nối ý chí quật cường của cha ông trong sự nghiệp chống giặc, xây dựng đất nước.
Nếu Kiếp Bạc gắn liền với Hưng Đạo Vương thời Trần thì Côn Sơn lại là địa danh có lịch sử vô cùng lâu đời, sở hữu bề dày văn hóa kết hợp giữa Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo thấm đẫm tinh thần Việt, nơi lưu lại dấu chân nhiều nhà tu hành, tao nhân mặc khách dưới những tán tùng bách cổ thụ.
Côn Sơn chính là một trong những trung tâm của thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thế kỷ 14. Chùa Côn Sơn nằm dưới chân núi, tương truyền đây là nơi từng diễn ra trận hỏa công dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh thế kỷ 10. Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang đã về tu và viên tịch ở chùa Côn Sơn.
Đi dưới những hàng thông trăm năm, du khách sẽ đến với Ức Trai Linh từ - đền thờ Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc kiệt xuất, Danh nhân văn hóa thế giới sống dưới thời Lê sơ thế kỷ 14-15. Côn Sơn chính là nơi Nguyễn Trãi đã dành tình cảm cháy bỏng và gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này.
Côn Sơn có khung cảnh thiên nhiên kỳ thú vô cùng nên thơ tao nhã. Những động Thanh Hư, Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc, Ngũ Nhạc linh từ đã thu hút bao thi nhân, trí giả tìm về và viết nên những áng văn thơ, kỳ bút cho muôn đời, trong đó có vua Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát... Tháng 2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn.
Quần thể khu đền được bao bọc bởi dòng suối Côn Sơn mát lành, trải qua hàng trăm năm vẫn nguyên vẹn như Côn Sơn ca Nguyễn Trãi từng viết: Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm...
Tại đây còn có đền thờ các nhân vật kiệt xuất như Quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán - ông ngoại của Nguyễn Trãi cùng cháu nội là danh tướng Trần Nguyên Hãn. Các ngôi đền hiện nay đều được trùng tu, khôi phục, kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Với những giá trị độc đáo hiếm có, trong dịp lễ hội mùa thu năm 2012, Khu Di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch bảo tồn di tích này gắn với phát triển du lịch của cả thành phố Chí Linh và tỉnh Hải Dương.
Hàng năm, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức 2 lần vào mùa xuân và mùa thu, tưởng niệm các danh nhân Huyền Quang, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Mùa xuân có lễ thí thực, tế trời đất, rước nước, mùa thu có diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu, ban ấn Đức Thánh Trần, hội hoa đăng, hầu Thánh,... Các lễ hội thu hút hàng vạn khách, khơi gợi niềm tự hào dân tộc Việt, góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống giàu ý nghĩa./.