Liệu có xảy ra cuộc chiến thương mại công nghệ Nhật–Hàn?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Những bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục căng thẳng khi phong trào tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản đang gia tăng tại Hàn Quốc.
Ngày 1/7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết sẽ áp dụng một số hạn chế xuất khẩu đối với các vật liệu chuyên dụng cần thiết để sản xuất chất bán dẫn và các loại màn hình sang Hàn Quốc, với các lý do tòa án nước này yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị buộc làm việc trong các nhà máy và hầm mỏ trong thời kỳ thuộc địa từ năm 1910 đến năm 1945, khiến nảy sinh nguy cơ thương chiến giữa hai bên.
Từ việc xem xét lại danh sách ưu tiên…
Theo giới quan sát, hồi tháng 6, Nhật Bản đã từ chối đề xuất của Hàn Quốc về một quỹ bồi thường chung để giải quyết những tranh chấp các vấn đề lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910-1945. Tokyo cho rằng, lời đề nghị trên là không phù hợp với các điều khoản của hiệp ước năm 1965.
Giới nghiên cứu lo ngại xảy ra cuộc chiến thương mại - công nghệ mới giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei. |
Hiệp ước 1965 đã giúp bình thường hóa quan hệ hai nước và tuyên bố các vấn đề bối thường đã được giải quyết dứt điểm, xong xuôi. Theo đó, Tokyo đã phải thanh toán 300 triệu USD cho phía Hàn Quốc theo phán quyết tranh chấp của trọng tài.
Phó Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura phủ nhận quốc gia này đang tìm cách trả đũa, và cho rằng các kế hoạch trên phù hợp với quy định của WTO. Từ ngày 4/7, Nhật Bản đã yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với 3 loại vật liệu cần thiết cho việc sản xuất màn hình và chất bán dẫn như: polyimide, polymer và hydro florua.
Được biết, các công ty Nhật Bản chiếm đến 90% thị trường polyimide được dùng để sản xuất màn hình. Trong khi đó, Samsung và LG thống trị thị trường màn hình OLED, điện thoại thông minh và TV. Nếu không có nguồn cung polyimide từ Nhật Bản, thì cả Samsung và LG đều không thể chế tạo màn hình OLED linh hoạt. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết Toyo có thể loại Seoul ra khỏi danh sách (ưu tiên) bên mua hàng đáng tin cậy.
Đến sự phản ứng của Hàn Quốc…
Ngay lập tức Hàn Quốc đã triệu đại sứ Nhật Bản tại Seoul để phản đối hành động này của chính quyền Shinzo Abe và cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại lên WTO. Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nói với báo giới rằng, các biện pháp của Nhật Bản là để trả đũa các phán quyết của tòa án Hàn Quốc.
Ngày 8/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cảnh báo Nhật Bản rằng, các lệnh giới hạn xuất khẩu vật liệu công nghệ cao có thể đe dọa các nhà cung cấp chip bán dẫn và màn hình điện thoại thông minh trên toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh rằng Seoul chưa đưa ra biện pháp đối phó.
Tuy nhiên, ông Moon tuyên bố: “nếu thiệt hại xảy ra đối với các công ty Hàn Quốc, chính phủ sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó”, rằng “Tôi không muốn điều này xảy ra và đề nghị Nhật Bản rút lại lệnh hạn chế xuất khẩu, cùng đàm phán chân thành với nhau. Tôi hi vọng Nhật Bản sẽ tuân thủ nguyên tắc thương mại tự do giữa hai bên”.
Trước đó, chính phủ Hàn Quốc và các doanh nghiệp hàng đầu nước này đã xúc tiến giải quyết căng thẳng. Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đã tới Nhật Bản ngày 7/7 để thảo luận về lệnh kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao với các lãnh đạo địa phương.
Ngày 10/7, Tổng thống Moon còn gặp người đứng đầu 30 tập đoàn lớn của Hàn Quốc để thảo luận về phương án đối phó với động thái của Nhật Bản. Đây được xem là nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước.
Được biết, phong trào tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản đang gia tăng tại Hàn Quốc với hơn 2.400 bài báo đăng liên quan trên mạng xã hội Instagram. Nhiều người Hàn Quốc còn chia sẻ hình ảnh hủy chuyến bay đến Nhật Bản. Liên minh Siêu thị Hàn Quốc, một tổ chức đại diện cho hơn 23.000 điểm bán lẻ, cho biết sẽ tạm ngừng bán các sản phẩm của Nhật Bản.
Hãng Samsung cũng cho biết họ đang xem xét vấn đề này, còn LG và công ty bán dẫn SK Hynix từ chối đưa ra bình luận. Công ty sản xuất màn hình của LG cho biết họ hiện không dùng polyimide được nhập từ Nhật Bản, nhưng sẽ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hạn chế nào đối với hydro florua.
Và hệ lụy khó lường
Theo giới quan sát, sự lạnh nhạt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã thể hiện rõ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vừa qua, bởi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không có tên trong danh sách các nhà lãnh đạo có cuộc gặp riêng với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Nhật Bản, trị giá 53,4 tỷ USD trong kim ngạch thương mại năm 2018. Nhật Bản chiếm khoảng 90% lượng fluorinated polyamide trên toàn cầu, khoảng 70% gas ăn mòn, 90% chất cản quang, khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay thế. Vì thế, thông tin này đã ảnh hưởng xấu đến giá trị cổ phiếu của các công ty chip và nhà sản xuất màn hình tại Hàn Quốc.
Trước đó, việc xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc đã chịu một số áp lực nhất định, giảm tới 26% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2018. Nhu cầu cho mặt hàng này đang chậm lại bởi mối lo ngại về thương chiến toàn cầu đang gia tăng, nay lại thêm nguy cơ thương chiến - công nghệ Nhật - Hàn.
Tuy nhiên, các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản có thể còn gây tác dụng ngược. Các nhà phân tích cho rằng những hạn chế đó sẽ thúc đẩy Hàn Quốc tăng tốc phát triển việc tự sản xuất, và chính phủ Nhật Bản có thể không muốn điều đó xẩy ra hoặc kéo dài.
Theo giới phân tích, các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc có thể buộc phải xây dựng kho dự trữ nguyên liệu lớn hơn vì phụ thuộc quá nhiều vào Nhật Bản. Các công ty khổng lồ về công nghệ như: Samsung, SK Hynix và LG Display (Hàn Quốc) đều có thể bị ảnh hưởng. Ngược lại, các công ty JSR, Tokyo Ohka Kogyo, Shin-Etsu Chemical, Showa Denko KK hay Kanto Denka Kogyo (Nhật Bản) cũng chịu tác động không nhỏ.
Như vậy, những căng thẳng Nhật – Hàn nêu trên không chỉ đặt ra mối lo ngại cho các công ty Hàn Quốc mà có thể ảnh hưởng với phạm vi toàn cầu. Ông Moon nói rằng, các biện pháp ngoại giao sẽ hơn là các hành động “ăn miếng trả miếng”, vốn là điều không mong muốn cho cả hai nước.
Hàn Quốc hiện đang tìm phương án trước lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ cao của Nhật Bản sang Hàn Quốc và mong muốn giải quyết bằng thỏa thuận ngoại giao. Tuy nhiên, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, cuộc chiến thương mại toàn diện Nhật – Hàn là khó xảy ra, nhưng cuộc chiến thương mại - công nghệ mới giữa hai nước và tác động khu vực Đông Bác Á là không loại trừ./.
Từ khóa: cuộc chiến thương mại, Nhật-Hàn, chiến tranh thương mại Nhật-Hàn, tẩy chay sản phẩm Nhật, Hàn Quốc tẩy chay Nhật,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN