Liên tục thay đổi thủ đoạn để lừa đảo người sử dụng mạng xã hội
Cập nhật: 25/05/2024
VOV.VN - Các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thời gian gần đây đã sử dụng những phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khiến nhiều người “sập bẫy”. Trước thực trạng đó, các lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã tăng cường nhiều giải pháp, nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.
Tháng 3 vừa qua, trong lúc sử dụng mạng xã hội Facebook, anh T.Q.H ở phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La nhận được đường link từ người bạn, nội dung là nhờ bình chọn cho người thân trong một cuộc thi.
Tin tưởng người bạn mà không biết rằng tài khoản Facebook đó đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, anh H truy cập vào đường link, đăng nhập tài khoản Facebook của mình.
Ngay sau đó, tài khoản Facebook của anh H bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt, phần lớn bạn bè trên mạng xã hội của anh đều nhận được tin nhắn vay tiền, kèm theo chủ tài khoản đúng họ tên anh H, chỉ khác số tài khoản và khác ngân hàng.
Anh T.Q.H chia sẻ: "Chỉ sau thời gian ngắn, vài giờ đồng hồ, các đối tượng lừa đảo thông qua tài khoản cá nhân của tôi đã lừa được cả trăm triệu đồng. Ngoài việc lừa đảo được số tiền lớn như vậy, còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tôi với xã hội, với bạn bè. Hiện tôi vẫn đang phải nỗ lực làm việc kiếm tiền để trả cho những người bạn vì mình mà mất tiền, vì đa phần trong số họ là những người có hoàn cảnh khó khăn."
Còn chị N.A.T ở phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, mới đây nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự nhận là Long, cán bộ Công an phường Tô Hiệu, thông báo định danh cấp độ 2 của chị sai thông tin, yêu cầu phải đến Công an thành phố để khai lại thông tin định danh.
Trong cuộc điện thoại, đối tượng dồn dập hỏi liên tiếp nhiều thứ, nhiều lần trong thời gian ngắn với mục đích khiến chị T rối trí, hoang mang, từ đó dễ “sập bẫy” đối tượng.
Chị T. cho hay: Sau khi nhận được cuộc gọi, chị lập tức đến trình báo tại Cơ quan Công an và nhận được phản hồi đây là cuộc gọi lừa đảo; hơn nữa Công an phường Tô Hiệu cũng không có cán bộ tên Long đang công tác tại đây:
Chi T. nói: "Qua đây tôi rút ra được bài học cảnh giác khi trả lời những cuộc điện thoại từ số máy lạ; bên cạnh đó cần phải kiểm tra lại các thông tin mà mình nhận được, không để đối tượng xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản."
Các chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh đã không còn xa lạ với người dùng MXH trong thời gian qua. Tuy nhiên gần đây, thủ đoạn này đang có dấu hiệu bùng phát, chủ yếu là: Mạo danh cán bộ Công an, Thuế, Bảo hiểm xã hội; nộp học phí, mua vật phẩm các Hội trại Hè; thậm chí mạo danh người có uy tín nhằm xây dựng lòng tin của nạn nhân trong việc "mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền", từ đó nạn nhân sẽ mất tiền thêm nhiều lần khác...
Thượng tá Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Sơn La cho biết: Trên thực tế, cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội.
Người dân cũng tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet; không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc...:
Thượng tá Đỗ Thị Thu Hà nói: "Lực lượng Công an tỉnh Sơn La khuyến cáo người dân cần phải tìm hiểu và tiếp cận thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; không nghe, không tin và làm theo những trao đổi qua điện thoại từ những chào mời của người lạ. Trong thời gian tới, lực lượng An ninh mạng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời nắm bắt những phương thức, thủ đoạn mới và kịp thời tuyên truyền để người dân hiểu và phòng tránh."
Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, nhưng với những chiêu trò tinh vi, liên tục thay đổi kịch bản của bọn lừa đảo thì vẫn có không ít người dân “sập bẫy”, tin và làm theo chúng dẫn đến "tiền mất, tật mang". Ngành chức năng khuyến cáo mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mật khẩu, cơ sở dữ liệu và các thông tin cá nhân để bảo vệ tài sản của mình, cũng như góp phần đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Từ khóa: Sơn La, tội phạm, công nghệ cao, Sơn La, đấu tranh, thủ đoạn
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: trấn long/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN