Liên tiếp đòi nhượng bộ, Nga “đọc vị” ông Trump, khiến Ukraine gặp khó

Cập nhật: 10/04/2025

VOV.VN - Những tuyên bố khác biệt mà Nga, Mỹ, Ukraine đưa ra trong tuần này sau các cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn tại Saudi Arabia là dấu hiệu mới nhất cho thấy việc nhanh chóng tìm giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine không hề dễ dàng như Tổng thống Trump tuyên bố. 

Ukraine cho rằng họ đã có một thỏa thuận để đình chỉ giao tranh ở Biển Đen ngay lập tức. Nhưng Nga tuyên bố các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ cần phải được dỡ bỏ trước khi thực hiện thỏa thuận này. Còn Mỹ không đưa ra thời gian cụ thể và cũng không cho biết họ có thể đáp ứng yêu cầu của Nga hay không. Washington chỉ nhắc lại đề nghị của Tổng thống Trump cho rằng, xung đột cần phải chấm dứt.

Trong khi đó, lệnh ngừng bắn vào cơ sở hạ tầng năng lượng được cho là rất mong manh khi Nga và Ukraine tiếp tục tấn công vào lãnh thổ của nhau mỗi ngày, đồng thời cáo buộc nhau không giữ vững cam kết.

Liên tiếp đòi nhượng bộ, Nga đọc vị ông Trump

Giới phân tích cho rằng, trong ván cờ này, Tổng thống Nga Putin đang giành lợi thế. Moscow đang thúc đẩy những điều kiện cứng rắn khi quân đội nước này tiếp tục giành được những bước tiến mới trên chiến trường và các cuộc đàm phán sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Chính quyền Tổng thống Trump đã đặt ra mục tiêu đảm bảo một loạt các thỏa thuận ngừng bắn có giới hạn, với lập luận rằng những thỏa thuận nhỏ này sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn quy mô lớn hơn và cuối cùng dẫn tới thỏa thuận hòa bình để chấm dứt xung đột. Nhưng Nga được cho là đã tận dụng cơ hội đó để giành được sự nhượng bộ từ Ukraine và thiện chí từ Nhà Trắng.

Hồi đầu tuần này, Moscow cho biết họ sẽ chỉ đồng ý với lệnh ngừng bắn ở Biển Đen nếu các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng nông nghiệp nhà nước Nga Rosselkhozbank và các hạn chế khác được dỡ bỏ. Các chuyên gia cho rằng nếu Washington đồng ý với các điều khoản đó và gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu làm như vậy, thì thỏa thuận Biển Đen mang lại lợi ích cho Nga nhiều hơn là Ukraine.

Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt của riêng họ đối với ngân hàng Rosselkhozbank và khôi phục giao dịch bằng đồng USD, nhưng họ không có thẩm quyền đơn phương đưa các ngân hàng Nga trở lại mạng lưới tài chính Swift - bà Scheherazade S. Rehman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên minh Châu Âu tại Đại học George Washington ở Washington, D.C. nhận định

Theo nhà phân tích này, trong nỗ lực làm trung gian hòa giải nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, chính quyền Trump đã ra tín hiệu sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán để nới lỏng một loạt lệnh trừng phạt kinh tế cho Nga, nhưng Mỹ không thể đơn phương hành động. Ngoài ra, mong muốn của Tổng thống Trump nhằm đạt được thỏa thuận nhanh chóng có thể khiến các nhà đàm phán của Mỹ dễ bị thoái lui trước các yêu cầu của Nga, và gây bất lợi cho Ukraine, bà Scheherazade S. Rehman cảnh báo.

Các cuộc đàm phán ở Biển Đen diễn ra sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào mục tiêu năng lượng do Washington làm trung gian. Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận đó cũng có lợi cho Moscow khi xét đến thiệt hại lớn mà các cuộc không kích của Ukraine gây ra cho những cơ sở dầu khí trên khắp nước Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận thiếu cơ chế thực thi rõ ràng và hai bên nhanh chóng cáo buộc nhau tiếp tục các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của đối phương.

Hồi đầu tháng 3/2025, Tổng thống Putin đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do Mỹ đề xuất. Ông Putin đã đặt ra các điều kiện, chẳng hạn như buộc Ukraine cắt giảm quy mô quân đội, dừng tiếp nhận vũ khí phương Tây, không tuyển mộ thêm binh sỹ. Điều khoản này sẽ khiến Ukraine bị bất lợi nếu hai bên tiếp tục chiến đấu.

Ông Daniel Fried – cựu nhà ngoại giao của Mỹ, hiện là thành viên của Hội đồng Đại Tây Dương tại Washington cho rằng: “Nga đang trì hoãn, kéo dài thời gian và đưa thêm nhiều điều kiện để khiến tình hình phức tạp hơn”. Đối với Nga, nếu các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra, họ có thể đưa ra một loạt yêu cầu, tuy nhiên một số yêu cầu trong số này rất khó được đáp ứng.

Ukraine không muốn chấp thuận các điều kiện của Nga

Sau khi thỏa thuận Sáng kiến ngũ cố Biển Đen sụp đổ vào năm 2023, Ukraine đã tìm cách đẩy lùi Hải quân Nga ra khỏi phía Tây Biển Đen để bảo vệ hành lang vận chuyển nông sản của họ. Giới chức Ukraine cho biết, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua đường biển đã trở lại mức gần với thời điểm trước xung đột.  Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, Ukraine không muốn chấp thuận các điều kiện của Nga liên quan đến đề xuất ngừng bắn ở Biển Đen.

Ông Fried lưu ý rằng, để thỏa thuận ngừng bắn tại Biển Đen mang tính cân bằng, nó cần phải mang lại lợi ích rõ ràng cho Kiev, chẳng hạn như việc Nga cam kết sẽ dừng các cuộc tấn công vào cảng Odessa vào các cơ sở xuất khẩu nông sản của Ukraine. Nhà Trắng không nêu rõ cam kết như vậy trong các tuyên bố hôm 26/3, mà chỉ đề cập đến loại bỏ "việc sử dụng vũ lực" ở Biển Đen.

Trong số các điều kiện mà Điện Kremlin có việc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt như một điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận dừng tấn công trên Biển Đen - một động thái mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu kiên quyết phản đối.

Khi được hỏi về các cuộc đàm phán liên quan đến Biển Đen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết khái niệm "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông Trump không nên "bắt đầu bằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước khi nhận được bất cứ điều gì". Cựu nhà ngoại giao Mỹ Fried cho rằng, Nga không đưa ra bất cứ nhượng bộ thực chất nào đủ sức thuyết phục để Mỹ có thể thực hiện bước đi như vậy.

Ông Fried lưu ý: “Nga đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, nghĩa là họ đã đưa lệnh trừng phạt vào như một phần của quá trình đàm phán ban đầu. Tại sao chúng ta nhượng bộ trong khi chúng ta chưa nhận được được động thái thiện chí tương ứng từ phía Moscow?”.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo Nga sẽ phải chịu hậu quả nếu không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng cho đến nay chính quyền của ông vẫn chưa thực hiện động thái cứng rắn nào. Thay vào đó, chính quyền ông Trump đã nhắc lại tuyên bố của ông Putin về mong muốn chấm dứt xung đột và nói về khả năng hợp tác mới với Nga.

Theo giới phân tích, ngay cả khi Nga, Ukraine và Mỹ giải quyết được những khác biệt về thỏa thuận ngừng bắn trên Biển Đen, các cuộc đàm phán để hướng tới một lệnh ngừng bắn toàn diện vẫn còn nhiều thách thức, ông Andrey Sizov, giám đốc Sovecon - công ty phân tích thị trường nông nghiệp nhận định.

"Theo tôi, điều đó cho thấy rằng tiến trình hướng tới một lệnh ngừng bắn hoàn toàn, khá hạn chế”, ông Andrey Sizov lưu ý.

Từ khóa: Nga, Nga, ukraine, Mỹ, Tổng thống Trump, lệnh ngừng bắn, thỏa thuận ngừng bắn, Nga đọc vị ông Trump, đàm phán Nga Ukraine, lệnh ngừng bắn ở Biển Đen,Mỹ nhượng bộ Nga, điều kiện của Nga,dỡ bỏ trừng phạt nga

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hồng anh/vov.vn (tổng hợp)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập