Liên minh Mỹ-Australia có dễ sụp đổ trước tham vọng của Trung Quốc?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Là đối tác quan trọng giúp Mỹ thực hiện các chiến lược tại châu Á, nhưng Australia vẫn chuẩn bị trước kịch bản một ngày nào đó bị Washington bỏ rơi.
Để tăng cường tiềm lực quân sự của Australia, thượng nghị sỹ bang Queensland, Pauline Hanson đã đề xuất mua khoảng 100 hoặc 200 chiếc tiêm kích F-35, đóng 36 tàu ngầm, tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và phát triển vũ khí hạt nhân. Đề xuất này được coi là chuẩn bị cho viễn cảnh Mỹ sẽ rời châu Á trong khoảng 20 năm nữa.
Các binh sĩ thuộc Trung đoàn 16 của Australia tập trận cùng các trực thăng tấn công Apache của Lục quân Mỹ tại khu huấn luyện vịnh Shoalwater ở Queensland, Australia. (Ảnh: EPA). |
Australia chuẩn bị trước kịch bản xấu
Đây là điều hợp lý khi các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Australia suy ngẫm về những kịch bản tiềm năng, trong đó quốc gia này phải tự đảm bảo an ninh quốc phòng cho chính mình mà không có sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên việc lên kế hoạch cho một trật tự châu Á ngày càng đa cực không đòi hỏi phải đưa ra giả thiết Mỹ từ bỏ hoàn toàn vai trò của nước này trong khu vực.
Không thể phủ nhận rằng, nghi vấn về việc từ bỏ vai trò của một quốc gia thành viên đã phủ bóng đen lên quan hệ liên minh an ninh trong suốt lịch sử các mối quan hệ quốc tế, trong đó có cả liên minh Mỹ-Australia. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, đó sẽ là sai lầm chiến lược đối với Canberra khi thay đổi hoàn toàn chiến lược quốc phòng chỉ dựa trên sự phỏng đoán mà không có bằng chức xác minh hay logic thuyết phục. Bởi trên thực tế, Mỹ không dễ từ bỏ Canberra trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Với Mỹ, từ bỏ Australia chính là từ bỏ các lợi ích, vị thế chiến lược và uy tín của nước này tại châu Á. Thật vậy, liên minh Mỹ-Australia từ lâu đã đóng vai trò thiết yếu phục vụ cho chiến lược rộng lớn của Mỹ tại châu Á, nhằm tìm cách ngăn chặn một cường quốc khác thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, duy trì hệ thống thương mại đa phương, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không.
Nền tảng duy trì quyền lực của Mỹ tại châu Á trong hơn 70 năm qua là cái gọi là kiến trúc an ninh theo kiểu “thiết lập mạng lưới xoay quanh trục trung tâm”, bao gồm các hiệp quốc phòng song phương và triển khai các lực lượng quân sự, trong đó Australia là một đối tác không thể tách rời. Chừng nào các hiệp ước an ninh của Mỹ còn hiệu lực và Mỹ còn duy trì lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương thì chừng đó Washington còn can thiệp quân sự để bảo vệ Australia trong trường hợp Canberra bị tấn công trực diện hay đối mặt với mối đe dọa về an ninh. Dù hoài nghi về độ tin cậy và quyết tâm của Mỹ, nhưng giá trị chiến lược lâu dài của liên minh Mỹ-Australia là điều mà Canberra có thể tin tưởng.
Thách thức từ Trung Quốc
Liệu có khả năng Mỹ chấm dứt các quan hệ liên minh, rút toàn bộ lực lượng và từ bỏ vị thế chiến lược của nước này để nhường chỗ cho Trung Quốc trong 20 năm tới hay không? Một kịch bản như vậy rất khó thành hiện thực. Ngay cả trong trường hợp Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập lại hòa bình, tạo tiền đề cho việc rút lực lượng của Mỹ ra khỏi Bán đảo Triều Tiên, hay Mỹ chuyển toàn bộ binh sỹ từ Okinawa (Nhật Bản) đến đảo Guam thì vẫn còn một vấn đề khác nảy sinh đó là giấc mơ mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì thế, Mỹ sẽ vẫn tìm cách duy trì các liên minh an ninh trong khu vực thông qua việc triển khai một lực lượng cố định trên lãnh thổ của Nhật Bản và các lực lượng luân chuyển tại Australia. Giải pháp khác là Mỹ chấp nhận sức ép của Trung Quốc và rút về Hawaii hoặc vùng bờ biển Tây (West Coast), nhưng không có dấu hiệu cho thấy Washington sẽ làm như vậy.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thay đổi chiến lược, sử dụng các đồng minh như Australia và Nhật Bản để thách thức tham vọng của Trung Quốc? Bởi tương quan lực lượng khác nhau giữa các bên, nên khó có đồng minh nào của Mỹ có thể chống chịu được một cuộc tấn công của Bắc Kinh, trong trường hợp xung đột xảy ra. Vì vậy Mỹ sẽ sớm phải vào cuộc để “chống lưng” cho các đồng minh. Xét cho cùng, Mỹ vẫn phải cân nhắc tầm quan trọng của châu Á đối với sự thịnh vượng và an ninh kinh tế của nước này. Washington sẽ không thể duy trì những lợi ích của mình trong khu vực nếu không bảo toàn hệ thống phòng thủ hiện có. Mặc dù nổi lên nhiều cuộc tranh cãi trong nội bộ của nước Mỹ về chính sách đối với châu Á, nhưng không có sự liên thủ mạnh mẽ nào có thể phá vỡ kiến trúc an ninh của Mỹ tại châu Á hoặc làm lung lay liên minh an ninh Mỹ-Australia.
Trong vài năm qua, khái niệm mô hình G-2 hay lý thuyết về việc Mỹ và Trung Quốc cùng “bắt tay” bảo vệ thế giới đã bị đổ vỡ. Thay vào đó là nhận thức ngày càng gia tăng trong lưỡng đảng Mỹ rằng, Bắc Kinh và Washington đã bước vào thời kỳ cạnh tranh chiến lược trên nhiều lĩnh vực như địa chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính, công nghệ có khả năng kéo dài hàng thập kỷ. Vậy có khi nào Mỹ lo sợ sức mạnh của Trung Quốc sẽ vượt trội đến mức nước này bị đẩy ra khỏi khu vực? Theo giới quan sát, điều này là không khả thi và chỉ có thể thành hiện thực khi Mỹ để nó xảy ra.
Bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong 20 năm qua, Mỹ vẫn có một thế mạnh nhất định trong cuộc chơi. Bên cạnh sức mạnh kinh tế và quân sự đáng gờm, mạng lưới đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ, cùng với các lực lượng được triển khai trong khu vực đã tạo ra cho Mỹ một số lợi thế về địa chính trị. Trước tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, có rất ít quốc gia trong khu vực yêu cầu Mỹ rút lực lượng khỏi nơi đây.
Hướng đi nào cho Australia?
Giới phân tích cho rằng, thay vì lên kế hoạch ứng phó với sự rút lui của Mỹ và sự mở rộng quyền lực của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Australia nên tìm cách củng cố mạnh mẽ hơn liên minh với Washington. Bên cạnh mối quan hệ quốc phòng đã được xây dựng nhiều thập kỷ qua, những diễn biến gần đây cho thấy Australia ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Hồi đầu tháng 7 này, Mỹ và Australia đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn Talisman Saber tại Queensland, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Australia và Mỹ. Trước đó vào tháng 5, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham gia cuộc tập trận hải quân “Pacific Vanguard” mà giới phân tích đánh giá không khác gì đòn “cảnh báo”Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, chính phủ Australia hiện nay đang lên kế hoạch xây một cảng biển thứ hai ngay bên ngoài thành phố Darwin, thuộc vùng Lãnh thổ Bắc Australia cho phép các tàu đổ bộ của Mỹ cập bến. Và cũng không có gì ngạc nhiên nếu viễn cảnh Mỹ điều động luân phiên tàu ngầm hay tàu chiến tại căn cứ hải quân căn cứ hải quânHMAS Stirlingở Tây Australia trở thành hiện thực.
Xét cho cùng sẽ khó có khả năng Mỹ lên kế hoạch rút lui khỏi châu Á và từ bỏ Australia. Vì thế nếu Canberra hành động dựa trên nỗi sợ hãi bị bỏ rơi thì đây sẽ không phải là chiến lược đúng đắn./.
Từ khóa: liên minh Mỹ Australia, tập trận, Trung Quốc, Mỹ, tiềm lực quân sự,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN