Liên Hợp Quốc cảnh báo thách thức trong nỗ lực tái thiết Gaza hậu xung đột

Cập nhật: 16/09/2024

VOV.VN - Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng cảnh báo về những thách thức trong nỗ lực tái thiết nền kinh tế trên Dải Gaza hậu xung đột. Báo cáo của Liên Hợp Quốc ghi nhận lên tới 80% doanh nghiệp ở Gaza đã bị hư hại hoặc bị phá hủy kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự trên dải đất ven biển Địa Trung Hải này.

Báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh đến quy mô tàn phá kinh tế kinh hoàng cùng sự suy giảm chưa từng có trong hoạt động kinh tế, vượt xa tác động của tất cả các cuộc đối đầu quân sự trước đây vào năm 2008, 2012, 2014 và 2021.

Áp lực lạm phát kết hợp với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập giảm mạnh đã khiến các hộ gia đình người Palestine trở nên nghèo đói nghiêm trọng. Quy mô của nền kinh tế sụt giảm mạnh xuống mức chỉ còn chưa đầy 1/6 quy mô của nền kinh tế trước khi xảy ra cuộc xung đột.

Báo cáo cũng mô tả sự suy thoái kinh tế nhanh chóng và đáng báo động ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi chứng kiến tình trạng bạo lực gia tăng kể từ xung đột xảy ra.

Ông Pedro Manuel Moreno -Phó Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD)- tác giả của báo cáo nêu rõ: “Nền kinh tế Palestine đang lao dốc không phanh. GDP của Gaza đã giảm tới 81% đáng báo động chỉ riêng trong quý cuối cùng của năm 2023. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm 22% GDP trong cả năm. Tại Gaza, 2/3 số việc làm trước chiến sự, tương đương khoảng 200.000 việc làm, đã bị mất vào tháng 1/2024. Tại Bờ Tây, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 12,9% trước cuộc xung đột lên mức đáng kinh ngạc là 32%. Báo cáo kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và đặt nền tảng cho hòa bình và phát triển lâu dài”.

Báo cáo nêu bật các yếu tố như mở rộng khu định cư, tịch thu đất đai, phá hủy các công trình của người Palestine… tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế. Những gián đoạn này cũng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác trên khắp Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, nơi thương mại, du lịch và vận tải đã phải hứng chịu tình trạng suy thoái đáng kể.

Sự lạc quan ban đầu về mức tăng trưởng GDP 4% ở Bờ Tây trong ba quý đầu năm 2023 đã đột ngột đảo ngược bởi mức giảm chưa từng có 19% trong quý cuối cùng của năm. Suy thoái mạnh dẫn đến mức giảm GDP chung hàng năm là 1,9%.

Ngoài ra, GDP bình quân đầu người giảm 4,5%, cho thấy mức sống và thu nhập hộ gia đình giảm đáng kể. Tình hình thị trường lao động ở Bờ Tây cũng xấu đi đáng kể, với 96% doanh nghiệp báo cáo hoạt động giảm và 42,1% cắt giảm lực lượng lao động. Những mất mát về vấn đề việc làm đã dẫn đến ước tính mất thu nhập lao động hàng ngày ở mức 25,5 triệu đôla, làm xói mòn nghiêm trọng khả năng phục hồi kinh tế của các hộ gia đình Palestine.

Ngoài tình trạng suy thoái kinh tế do xung đột gây ra, hoạt động viện trợ quốc tế bị cắt giảm và việc Israel kiểm soát tiền thuế thu hộ Palestine cũng làm gia tăng khó khăn cho các hoạt động kinh tế. Nỗ lực ổn định tài chính của chính quyền Palestine đang chịu áp lực rất lớn, đe dọa tới khả năng hoạt động hiệu quả cũng như cung ứng các dịch vụ thiết yếu.

Đưa ra phân tích toàn diện về những thách thức kinh tế nghiêm trọng đang nổi lên, báo cáo một lần nữa kêu gọi sự can thiệp ngay lập tức của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn sự sụt giảm kinh tế, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo cũng như đặt nền tảng cho hòa bình và phát triển lâu dài. Điều này bao gồm việc xem xét một kế hoạch phục hồi toàn diện cho vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, tăng viện trợ và hỗ trợ quốc tế cũng như dỡ bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza. 

Từ khóa: Gaza, Liên Hợp Quốc, tái thiết Gaza, hậu xung đột, doanh nghiệp ở Gaza

Thể loại: Thế giới

Tác giả: phương anh/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan