“Lịch sử Việt Nam bằng hình” - Bộ thông sử bằng hình ảnh đầu tiên

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - “Cuốn sách Lịch sử Việt Nam bằng hình được kì vọng là bộ thông sử bằng hình đầu tiên, minh họa bằng hàng trăm hiện vật khảo cổ học, tư liệu hình ảnh, bản đồ, chữ viết, các hình ảnh kiến trúc…

“Cuốn sách Lịch sử Việt Nam bằng hình được kì vọng là bộ thông sử bằng hình đầu tiên, minh họa bằng hàng trăm hiện vật khảo cổ học, tư liệu hình ảnh, bản đồ, chữ viết, các hình ảnh kiến trúc… Các hiện vật đều có niên đại, phản ánh quá trình phát triển đất nước thông qua văn hiến, văn vật”- đây là nhận định của các nhà nghiên cứu tại buổi giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam bằng hình” do Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm và Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A phối hợp xuất bản, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cuốn sách “Lịch sử Việt Nam bằng hình” 660 trang, chia thành 14 phần: Tiền sử và truyền thuyết; Chống Bắc thuộc; Nhà Ngô - Đinh - Tiền Lê; Nhà Lý; Nhà Trần; Nhà Hồ và thời thuộc Minh; Nhà Hậu Lê (thời Lê sơ); Nhà Mạc; Thời Lê Trung hưng và chính quyền chúa Nguyễn; Nhà Tây Sơn; Nhà Nguyễn (Sơ kỳ); Chống Pháp và Pháp thuộc; Độc lập, thống nhất và phát triển; Nghìn năm văn hiến. Đây là công trình phác thảo toàn cảnh về quá trình dựng nước và giữ nước, xuyên suốt từ thời xuất hiện các cư dân cổ xưa đầu tiên trên lãnh thổ cho đến khi hình thành một quốc gia hiện đại như ngày nay, được hoàn thiện sau 17 năm hình thành ý tưởng và biên soạn, hiệu đính.  Song song với phần lời ngắn gọn, dễ hiểu, phần hình ảnh cuốn sách được đánh giá là kho tư liệu phong phú, đa dạng, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử, được sưu tập từ các bảo tàng trong nước, ngoài nước và các bộ sưu tập tư nhân. Các di tích, chùa, đền, tượng đài gắn liền với tên tuổi các danh nhân lịch sử cũng hiện diện trong cuốn sách này dưới dạng ảnh chụp để minh họa cho ngôn từ thêm phần sinh động.  

Cụ thể, người đọc không chỉ được ngắm hình ảnh những ngôi đình, chùa cổ kính, các bảo vật quốc gia mà còn được xem lại những tư liệu bản đồ được vẽ lại, biên dịch từ chữ Hán, Nôm sang chữ Quốc Ngữ. Chẳng hạn, với sự giúp sức của dịch giả Châu Hải Đường và họa sĩ Tạ Huy Long, tái hiện Hồng Đức bản đồ bản chữ Quốc ngữ, giúp người đọc tiếp cận tư liệu lịch sử một cách cụ thể hơn. Cách đặt tiêu đề mang tính gợi mở, như những lát cắt lịch sử mà người đọc có thể tiếp cận bất cứ trang sách nào để tra cứu.

Anh Đỗ Quốc Đạt Nhân, người tổ chức biên soạn cho biết: “Tiêu chí chọn lựa hình ảnh của nhóm tác giả, đầu tiên là những cổ vật tương ứng với từng thời kì. Nếu không có những minh chứng sống động từ cổ vật thì chúng tôi sẽ dựa trên các di tích, tư liệu trong bảo tàng tỉnh, bảo tàng quốc gia. Với bản đồ, lược đồ, chúng tôi dựa theo các bản đồ đã được nghiên cứu minh định về tính chính xác và được xuất hiện trong sách giáo khoa. Tất cả bản đồ được chúng tôi vẽ lại theo một phong cách nhất quán. Một số bản đồ được vẽ lại theo phong cách hiện đại hơn, để truyền tải một cách tốt nhất hình ảnh minh họa cho cuốn sách”.

PGS.TS Trần Trọng Dương, Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam, Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định: Đây là cuốn lịch sử phổ thông bằng hình sinh động, trực quan, để những người không chuyên có thể hiểu và cảm về lịch sử. Những người biên soạn đã cố gắng tổng hợp tri thức của các học giả đi trước, “một tư sử theo dòng chính sử”, mang đến cái nhìn tổng quan và xuyên suốt về lịch sử Việt Nam thông qua hình ảnh”. PGS.TS Trần Trọng Dương cũng khẳng định: Thời gian biên soạn, biên tập trong 17 năm cho thấy sự công phu, kĩ lưỡng của tập thể tác giả. “Hình ảnh được đặt theo trục tuyến tính suốt nghìn năm lịch sử đúng theo mốc thời gian. Tuy nhiên, các hiện vật khảo cổ phần đa là hiện vật không lời, trong khi những chú thích mới chỉ nói được đó là cái gì: bình gốm ấy là gì, đặt ở đâu, chức năng kiến trúc là gì… Trong tương lai, có lẽ chúng ta sẽ có những cuốn sách chuyên sâu hơn, để hình và lời đi đôi với nhau. Lịch sử Việt Nam bằng hình ảnh không nên chỉ là lịch sử chính trị mà còn có thể là lịch sử văn hóa, lịch sử tín ngưỡng, lịch sử phong tục, lịch sử chữ viết, lịch sử các biểu tượng, kiến trúc, địa lý, thiên văn học…”.

Với 660 trang sách, cuốn “Lịch sử Việt Nam bằng hình” đã thể hiện có hệ thống, vắn tắt nhưng đầy đủ về lịch sử nước nhà từ xa xưa đến đương đại. PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam khẳng định: các tác giả đã cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất về lịch sử, thể hiện tính toàn diện, toàn thể với những sự kiện đã xảy ra trên mảnh đất hình chữ S. Chẳng hạn, nhóm biên soạn đã có cập nhật tư liệu, khẳng định Quốc gia Việt Nam hình thành trên cơ sở 3 nền văn minh, 3 nền văn hóa, từ 3 vương quốc cổ đại: Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, Nhà nước Chăm Pa (trên cơ sở văn hóa Sa Huỳnh) và Vương quốc Phù Nam (trên cơ sở văn hóa Óc Eo). Cách tiếp cận toàn diện đã mang đến những không gian văn hóa của các quốc gia cổ đại đầu tiên đến bạn đọc.

Không có tham vọng thực hiện một tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu, ban biên soạn chủ đích chuyển tải thông tin cơ bản về lịch sử Việt Nam bằng hình ảnh với văn phong phù hợp nhiều đối tượng bạn đọc và lứa tuổi khác nhau. Tại buổi giới thiệu sách, các nhà nghiên cứu và độc giả cũng kì vọng trong tương lai gần, “Lịch sử Việt Nam bằng hình” sẽ được dịch sang tiếng Anh và phát hành rộng rãi đến nhiều quốc gia.

Từ khóa: lịch sử việt nam, lịch sử việt nam bằng hình, thông sử, hình ảnh, cuốn sách, lịch sử việt nam

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: phương thúy/vov6

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập