Lịch sử cái đẹp - muôn hình vạn trạng của phạm trù Cái Đẹp tự cổ chí kim
Cập nhật: 08/12/2022
Bị cáo Trịnh Văn Quyết vắng mặt, hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án FLC
Công an thành phố Thủ Đức khởi tố nhiều đối tượng gây rối trật tự công cộng
(VOV5) -Bách khoa thư “Lịch sử Cái Đẹp” là công cuộc khám phá Cái Đẹp của nhà văn, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh Umberto Eco.
Trên hành trình đó, Umberto Eco đã dày công khai phá một chủ đề hiếm có khó tìm: Cái Đẹp dưới góc nhìn của phương Tây xuyên suốt từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay.
Trong cuốn bách khoa thư đồ sộ với hơn 200 bức tranh và tiểu hoạ, hơn 50 tác phẩm điêu khắc, bình gốm cùng rất nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang, độc giả còn bắt gặp một khối lượng lớn những bài luận của Eco, các trích dẫn tác phẩm văn học, nghị luận, triết học, âm nhạc và khoa học với nỗ lực kiến giải phạm trù Cái Đẹp đa diện nhất. Bản tiếng Việt do Nhã Nam ấn hành vừa ra mắt bạn đọc.
Hiếm có một cuốn sách nào có thể cắt nghĩa được phạm trù Cái Đẹp tỉ mỉ và cẩn trọng như công trình của Umberto Eco. Từ những câu chữ đầu tiên, ông đã đặt cho độc giả của mình một câu hỏi: Liệu Cái Đẹp và Cái Tốt có phải là một? Đành rằng giữa Đẹp và Tốt tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau của con người, nhưng hai khái niệm này lại không thực sự đồng nghĩa. Hay nói cách khác, Tốt là những điều chúng ta muốn có cho bản thân, trong khi Đẹp là không mang trong mình sự tư hữu đó.
Đi ngược lại những khuôn mẫu cơ bản nhất của con người cho rằng Cái Đẹp có liên quan mật thiết đến Nghệ thuật, thậm chí Nghệ thuật đại diện cho Cái Đẹp, Umberto Eco khẳng định mối quan hệ này “hoàn toàn không hiển nhiên như chúng ta nghĩ”. Dù vậy, lý do cuốn sách “Lịch sử Cái Đẹp” lại sử dụng phần lớn dẫn chứng minh họa là các tác phẩm nghệ thuật là bởi trong nhiều thế kỷ qua, chính các nghệ sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia là những người nói cho chúng ta biết cái gì được họ coi là đẹp, và họ cũng để lại dẫn chứng về chúng.
Cái Đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, mà mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và tùy quốc gia. Điều này được áp dụng không chỉ cho Cái Đẹp hình thể (của đàn ông, phụ nữ hay phong cảnh thiên nhiên), mà cả Cái Đẹp tâm linh, ý niệm, Đấng cứu thế hay thần thánh. Bởi vậy, theo dòng thời gian, cuốn bách khoa thư “Lịch sử Cái Đẹp” của Umberto Eco sẽ đưa độc giả đi từ thời Hy Lạp cổ đại tới tận ngày nay, để hé mở cánh cửa của sự Đẹp dưới quan điểm của thời đại.
Chương I và chương II tập trung vào lý tưởng thẩm mỹ thời Hy Lạp cổ đại, trong đó tác giả phác họa khái niệm sơ khởi của con người đương thời về Cái Đẹp là một thứ thường gắn liền với các môn nghệ thuật thể hiện nó và chưa có vị thế thống nhất: trong các bản tụng ca, Cái Đẹp được thể hiện bằng sự hài hòa của vũ trụ, trong thơ ca, nó được thể hiện qua kích thước tương ứng và sự đối xứng giữa các bộ phận, còn trong thuật hùng biện, nó được thể hiện qua nhịp độ phù hợp.
Chương III xem xét Cái Đẹp như là tỷ lệ và sự hài hòa, thể hiện ở các yếu tố như: cân đối về số học, hài hòa về nhịp điệu âm nhạc, hợp lý về tỷ lệ trong kiến trúc dưới góc nhìn của hình học không gian và biểu tượng học. Eco cũng đánh giá tầm quan trọng của tỷ lệ đối với thẩm mỹ ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, và đi đến kết luận rằng ở mỗi thời kỳ, tỷ lệ lý tưởng lại mang một định nghĩa khác: nếu như ở thời Hy Lạp cổ lý tưởng là tỷ lệ chính xác giữa các bộ phận thì tỷ lệ tiêu chuẩn của người Ai Cập phải liên quan tới toàn bộ kết cấu, tỷ lệ giữa các bộ phận phụ thuộc vào cử động của cơ thể, sự thay đổi của phối cảnh. Giai đoạn này cũng sinh ra những khái niệm về tỷ lệ hoàn hảo có tác dụng đến tận ngày hôm nay trong các lĩnh vực mỹ thuật cũng như thiết kế như tỷ lệ vàng hay sự tương phản giữa các mặt đối lập.
Chương IV tác giả đặc biệt bày tỏ lòng yêu thích của mình với giai đoạn Trung cổ bằng cách đi sâu vào phân tích Cái Đẹp của thời kỳ này, dưới góc độ ánh sáng và màu sắc. Mặc dù tồn tại tới tận ngày nay một định kiến phổ biến rằng Trung cổ là một thời đại “tối tăm”, “thời đại đen tối” thì người Trung cổ lại tự coi mình sống trong một môi trường đầy ánh sáng. Điều này phần nào thể hiện qua thơ qua và hội họa đương thời. Tại chương này, Eco đã sử dụng màu sắc để kể cho độc giả của mình câu chuyện về đời sống Trung cổ: màu sắc sáng rọi của Chúa, màu sắc rực rỡ và xa xỉ của người giàu (phản ánh chân thực sự thật rằng kỹ thuật nhuộm màu rực rỡ ở thời đó vô cùng đắt đỏ), sự gắn liền với màu sắc mà thiên nhiên ban tặng của những người nghèo khó, màu sắc trong thơ ca và thần bí học cùng với màu sắc trong cuộc sống thường nhật.
Các chương V-VI-VII-VIII đề cập đến nét đẹp của một đối tượng nghiên cứu cụ thể: Cái Đẹp của Cái Xấu, người phụ nữ, Vệ nữ, các quý nương và anh hùng,... Mỗi đối tượng ở vào mỗi thời kỳ lại được con người khắc họa theo một tiêu chuẩn riêng. Đến Cái Xấu cũng có nét đẹp của riêng nó. Ở đó, tác giả chỉ rõ rằng “Cái Xấu cần cho Cái Đẹp”, rằng “vũ trụ được tạo như một tổng thể thống nhất và cần phải được nhận thức giá trị một cách trọn vẹn, là nơi mà ngay cả bóng tối cũng góp phần làm cho ánh sáng trở nên rạng rỡ hơn và ngay cả cái có thể bị coi là xấu cũng có thể được coi là đẹp trong khuôn khổ của Trật tự chung”. Umberto Eco đã dành cả chương IX để khắc họa Cái Đẹp dưới thời kỳ Phục Hưng - giai đoạn lịch sử mang đậm tính cổ điển và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống trí thức Châu Âu đương thời.
Các phần còn lại của cuốn bách khoa thư được Umberto Eco dành cho ba giai đoạn quan trọng: Thế kỷ 18, thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Thế kỷ 18 đánh dấu sự đổi mới của chủ nghĩa Cổ điển và Tân cổ điển, thể hiện rõ ràng nhất trong các tác phẩm hội họa hay kiến trúc. “Kiến trúc Anh thế kỷ 18 thể hiện trước hết tính trang nhã điều độ và khiếu thẩm mỹ tốt, khẳng định bước đi tách biệt hoàn toàn khỏi các dư thừa của Baroc”. Nhắc đến Cái Đẹp của thế kỷ 19, tác giả đi sâu vào Cái Đẹp lãng mạn trong Chủ nghĩa lãng mạn, Cái Đẹp trong tôn giáo và những Cái Đẹp mới. Chuyển giao giữa thế kỷ 19 và thế kỷ 20, lịch sử ghi nhận những đối tượng đẹp mới mẻ và đột phá hơn, có thể kể đến là Cái Đẹp từ sắt và thuỷ tinh (như Tháp Eiffel ở Paris hay Toà nhà pha lê của Joseph Paxton), nghệ thuật Deco, Cái Đẹp từ kiến trúc “hữu cơ”. Umberto Eco cũng chỉ rõ một vấn đề của thời đại để độc giả của mình tự vấn: Từ thế kỷ 20, dễ nhận thấy rằng thế giới đang chuyển mình để trở thành một nơi bị chi phối hoàn toàn bởi giá trị trao đổi. Đồ vật phải “ngon-bổ-rẻ” và được sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với việc Cái Đẹp mới có thể được tái tạo dễ dàng, nhưng cũng mang tính tạm thời và dễ hư hỏng. Liệu tính chất sản xuất hàng loạt có phải là số phận của Cái Đẹp trong thời đại tái tạo kỹ thuật của nghệ thuật?
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Bách khoa thư, Lịch sử Cái Đẹp, cái đẹp, nhà văn, triết gia, nhà ký hiệu học, Umberto Eco, mỹ học, sách hay
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5