Libya không yên tiếng súng giữa mùa đại dịch Covid-19
Cập nhật: 01/06/2020
HCM City suspends popular seat of government tour for maintenance work
Vietnam Airlines among top 10 most punctual carriers in Asia Pacific: Cirium
VOV.VN - Bất chấp tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Phi, Libya tiếp tục chứng kiến làn sóng giao tranh dữ dội giữa LNA và GNA.
Sau nhiều tháng cuộc nội chiến được duy trì ở thế giằng co, những tuần qua, lực lượng của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) bắt đầu thất thủ và gánh chịu tổn thất liên tiếp trong các nỗ lực tấn công nhằm chiếm thủ đô Tripoli. Thậm chí, các lực lượng đánh thuê hậu thuẫn cho lực lượng của LNA cũng đã phải rút khỏi các chiến tuyến ở gần thủ đô Tripoli.
Tripoli. Ảnh: Daily Sahbah. |
Bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các nước châu Phi, Libya tiếp tục chứng kiến làn sóng giao tranh dữ dội giữa LNA do tướng Khalifa-Haftar chỉ huy với lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Fayez-al-Sarraj ở vùng ngoại ô thủ đô Tripoli và khu vực ở phía nam Tripoli với sự tham gia của các lực lượng quân đội, dân quân và lính đánh thuê. Tuy nhiên, những tuần qua, chính phủ GNA đã đạt được nhiều bước tiến mới quan trọng trên thực địa với sự giúp đỡ của lực lượng đánh thuê của Syria do Thổ Nhĩ Kỳ triển khai đến Libya. Chính phủ GNA đã đánh bật LNA ra khỏi các vị trí chiếm đóng ở phía nam và các khu vực khác ở phía tây bắc của Tripoli; đồng thời, tái chiếm được nhiều thị trấn từ tay của LNA. Báo chí khu vực dẫn các nguồn tin cho rằng, ngày 24/5, 7 máy bay vận tải đã vận chuyển đạn dược, vũ khí và sơ tán khoảng 1.500 lính đánh thuê ra khỏi vùng chiến tuyến ở Bani-Walid, đông nam Tripoli để đến vùng Jufra – thành trì của LNA. Khoảng 8 giờ sau khi lực lượng đánh thuê rút khỏi vùng chiến tuyến gần Tripoli, LNA đã mất đi phần lãnh thổ, vốn đã chiếm được sau 8 tháng chiến đấu ác liệt. Các nhà quan sát cho rằng việc lực lượng đánh thuê rút lui sau những thất bại của LNA trong những tuần qua đã giáng một đòn mạnh vào LNA của tướng Haftar và các đồng minh nước ngoài khác.
Trong một diễn biến quan trọng góp phần thay đổi cục diện chiến trường, ngày 18/5, chính phủ GNA đã giành lại được căn cứ không quân chiến lược al-Watiya từ tay LNA. Al-Watiya, vốn là một trong hai căn cứ hậu cần chiến lược quan trọng nhất mà LNA đã chiếm giữ ở khu vực gần thủ đô Tripoli trong 6 suốt năm qua. Tuy nhiên, LNA hiện vẫn đang chiếm giữ căn cứ chiến lược thứ hai tại thị trấn Tarhouna, phía nam Tripoli với sự giúp đỡ của một nhóm vũ trang địa phương. Các bước tiến mà chính phủ GNA vừa đạt được trên thực địa với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đã tác động lớn đến tâm lý chiến đấu của lực lượng du kích thân LNA và gây tổn thất quân sự đáng kể đối với lực lượng LNA.
Theo các nhà quan sát khu vực, kể từ cuối tháng 8/2019, chính lực lượng đánh thuê đã tạo điều kiện quan trọng để LNA duy trì các cuộc tấn công trên mặt đất, đồng thời giúp LNA đạt được những bước tiến thực sự trên thực địa. Tuần qua, truyền thông khu vực dẫn nguồn giới chức quân sự cấp cao của Mỹ đưa tin, Nga đã mở đợt chi viện mới về không lực nhằm hỗ trợ lực lượng đánh thuê của công ty an ninh tư nhân Wagner Group, vốn đang là đồng minh của LNA.
Giới chức quân sự Mỹ cũng đã đưa ra các hình ảnh vệ tinh để chứng minh rằng ít nhất 14 máy bay chiến đấu MiG-29 và máy bay ném bom Su-24 đã được lực lượng Nga điều chuyển đến Libya để tăng cường cho công ty an ninh tư nhân Wagner chiến đấu cho LNA. Giới chức quân sự Mỹ cũng tỏ ra quan ngại về các động thái mới của Nga tại chiến trường Libya. Ngày 26/5, một số quan chức của AFRICOM cho rằng Nga đang can dự sâu hơn vào nội chiến Libya thông qua việc cung cấp các loại máy bay chiến đấu như Mic và Su cho LNA, từ đó hướng tới một vị thế cạnh tranh chiến lược ở khu vực Bắc Phi thông qua các chính sách tương tự của Nga tại Syria và Ukraine.
AFRICOM cũng đã dấy lên mối lo ngại rằng Nga xem cuộc xung đột Libya là cơ hội để thiết lập hệ thống phòng thủ ở sườn phía nam của NATO. Tướng Không quân Mỹ Jeff-Harrigian - chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi - đã cảnh báo, nếu Nga chiếm giữ các căn cứ quân sự trên bờ biển Libya thì Nga sẽ "tạo ra những lo ngại về an ninh rất lớn và nguy hiểm ở sườn phía nam châu Âu". Tuy nhiên, về phần mình, Nga đã bác bỏ các cáo buộc nói trên của giới quân sự Mỹ về sự hỗ trợ quân sự của Nga đối với LNA.
Đối với chính phủ GNA, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã cung cấp lực lượng đánh thuê và trang bị quân sự như máy bay không người lái và hệ thống phòng không để giúp GNA đạt được những bước tiến lớn trên thực địa trong thời gian qua. Theo số liệu của Đài Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), số lính do Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyển và điều chuyển từ Syria đến Libya đã tăng lên 11.200, trong khi hơn 2.300 binh lính khác đã được điều từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ để trải qua các khóa huấn luyện.
Giới phân tích khu vực cho rằng, dù mức độ can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến ở Libya ngày càng tăng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mạo hiểm triển khai quân đội nước này đến Libya, thay vào đó chủ yếu sử dụng lính đánh thuê từ mặt trận Syria. Giải pháp này đối với Thổ Nhĩ Kỳ là "một mũi tên trúng hai đích", một mặt giải được bài toán nhân lực ở Libya, mặt khác có thể dần loại bỏ ảnh hưởng của lực lượng thánh chiến ở Syria.
Ai Cập và Pháp cùng ngăn chặn sự can thiệp vào Libya
Với vị trí địa chiến lược quan trọng tại khu vực Địa Trung Hải và nguồn tài nguyên dồi dào, nhất là các giếng dầu khổng lồ, Libya đã thu hút sự can dự của các nước trong và ngoài khu vực kể từ khi xảy ra bất ổn vào năm 2011. Các yếu tố bên ngoài can dự vào Libya cũng hướng tới lợi ích kinh tế thông qua các hợp đồng tái thiết đất nước trị giá hàng chục tỷ USD. Libya hiện vừa là nơi chứng kiến cuộc nội chiến kéo dài, vừa là một chiến trường ủy nhiệm của các yếu tố bên ngoài. Việc LNA và GNA được các đồng minh nước ngoài cung cấp lực lượng đánh thuê, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và công nghệ phòng không đã và đang đẩy xung đột quân sự tại Libya lên một cấp độ nguy hiểm mới.
Kể từ tháng 4/2019, các đụng độ quân sự của các bên tại Libya đã khiến hơn 1.000 dân thường thiệt mạng và nhiều hạ tầng dân sự như trường học và bệnh viện bị phá hủy; hơn 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Về kinh tế, nhất là lĩnh vực năng lượng, từ mức sản lượng 1,7 triệu thùng dầu/1 ngày, Libya hiện chỉ có thể khai thác ở mức thấp với 92.000 thùng dầu thô/1 ngày. Nền kinh tế Libya đang khủng hoảng nghiêm trọng khi nguồn thu chính từ dầu đã mất ít nhất 4 tỷ usd liên quan đến các cơ sở xuất khẩu dầu bị LNA đóng của từ tháng 1/2020 đến nay. Với vị trí địa chiến lược của Libya, những diễn biến tại Libya chắc chắn tác động trực tiếp đến sự ổn định và an ninh của cả khu vực châu Phi, Trung Đông và khối EU.
Về phản ứng, đến nay Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab, Mỹ và các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi... tiếp tục quan ngại sâu sắc về diễn biến tình hình tại Libya; đồng thời lên án các bên tham chiến tại Libya cũng như các yếu tố can dự nước ngoài, vốn khiến cho tình hình Libya trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết; nhất là khi xung đột quân sự bị đẩy lên một quy mô lớn hơn và các cuộc tấn công nhắm tới các mục tiêu dân sự.
Dư luận khu vực và quốc tế tiếp tục kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến sự ở Libya, kêu gọi các bên liên quan tham gia vào tiến trình đối thoại chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, nhất là việc tuân thủ các cam kết đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Berlin về Libya vào hồi tháng 1 năm nay. Ngày 27/5, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves le Drian đã cho rằng tình hình ở Libya rất đáng lo ngại, cảnh báo "kịch bản Syria" đang được sắp sửa xảy ra ở nước này.
Có thể khẳng định, việc cả LNA và GNA gia tăng làn sóng tấn công bạo lực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến người dân Libya phải đối mặt với “nguy cơ kép” từ bạo lực và bệnh tật, cũng như một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hơn. Các bên tham chiến cần thực thi ngay một lệnh ngừng bắn nhân đạo và tập trung nguồn lực để chống đại dịch Covid-19; thay vì đầu tư để mở rộng quy mô các dịch quân sự như hiện nay./.
Từ khóa: Covid-19, Lobya, không yên tiếng súng, nội chiến Libya
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN