Libya hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài
Cập nhật: 21/01/2020
VOV.VN-Giữa lúc Libya chìm trong bạo lực, liệu Hội nghị quốc tế ở Berlin, Đức vừa qua có thể tạo tiền đề để nước này hướng tới 1 thỏa thuận ngừng bắn lâu dài?
Sau 5 giờ họp tại Hội nghị hòa bình về Libya, nhóm lãnh đạo thế giới đã thống nhất một lệnh cấm vận vũ khí và một kế hoạch dự thảo hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng năm trời ở Libya. Tuy nhiên, việc người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận tại Libya, ông Fayez al-Sarraj và người đứng đầu lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông nước này, Tướng Khalifa Haftar đều tới tham dự hội nghị nhưng không có cuộc đối thoại trực tiếp được cho là phần nào cản trở kết quả hội nghị.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bắt tay với Tướng Haftar tại Benghazi, Libya ngày 16/1/2020. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại cuộc họp báo tối qua (19/1) sau khi kết thúc Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, tất cả các bên tham gia đã nhất trí về một giải pháp chính trị toàn diện để giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi.
Theo Thủ tướng Merkel, các bên tham gia hội nghị đã tiến hành đàm phán một cách hợp tác, nghiêm túc và kết quả đạt được tại hội nghị đã góp phần quan trọng vào nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho Libya. Nhà lãnh đạo Đức cũng nêu rõ, hội nghị tại Berlin không thể giải quyết ngay mọi vấn đề ở Libya, song đây là bước tiến đầu tiên hướng tới hòa bình cho người dân nơi đây. Bà cũng cho biết cuộc gặp ở Berlin đã tạo lập được quyết tâm của các bên nhằm hướng tới những bước đi tiếp theo, trong đó các bên đã nhất trí về một tiến trình ràng buộc với trách nhiệm của các bên liên quan trong việc hướng tới và thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện.
“Cuộc họp này phải là cơ chế thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Cuộc họp như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức trong những tuần tới và tôi hy vọng rằng các bên sẽ đạt được tiến bộ thực chất”, Thủ tướng Merkel cho biết.
Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và Đặc phái viên Ghassan Salame cũng phát biểu đánh giá cao nỗ lực "rất đáng được ghi nhận" của Thủ tướng Merkel trong việc tổ chức hội nghị.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, những thỏa thuận đã được nhất trí ở Berlin không thể giúp ích cho hòa bình Libya nếu các bên xung đột ở quốc gia Bắc Phi không hợp tác và không tạo ra các tiền đề hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Libya. Ông Heiko Maas cũng cho biết hội nghị tiếp theo về Libya sẽ đặt ra những những bước đi cần thiết để đạt được một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở nước này.
Hội nghị ở Berlin diễn ra vài ngày sau cuộc hòa đàm ở Moscow, Nga với sự tham gia của hai ông Haftar và Sarraj. Trong cuộc hòa đàm này, hai bên tham chiến ở Libya đã đồng ý sẽ cùng bàn bạc tiến đến thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn.
Trao đổi với báo chí sau khi Hội nghị hòa bình về Libya kết thúc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga ủng hộ ý tưởng mở rộng quy mô họp bàn tìm kiếm hòa bình cho Libya bao gồm cả các nước láng giềng khu vực của quốc gia Bắc Phi này.
"Tất cả các quốc gia có ảnh hưởng đến Libya đã buộc không được thực hiện bất kỳ bước đi nào có thể khiến các bên Libya tiếp tục rơi vào cuộc xung đột. Các nước này cũng sẽ thúc đẩy hòa bình tại Libya. Một ủy ban gồm đại diện của Thủ tướng Fayez al-Sarraj và chỉ huy Khalifa Haftar dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc sẽ có các biện pháp cụ thể để có thể duy trì lệnh ngừng bắn ổn định", ôngLavrov nhận định.
Dù hoan nghênh kết quả hội nghị nhưng ông Lavrov vẫn thận trọng cho rằng đây mới chỉ là một bước nhỏ hướng đến hòa bình cho Libya, khi Chính phủ Đoàn kết dân tộc và Quân đội Quốc gia Libya còn quá nhiều bất đồng.
Dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, hội nghị hòa bình Libya diễn ra tại thủ đô Berlin, Đức, với sự tham gia của 2 phe phái đối địch chính tại quốc gia Bắc Phi này, gồm Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận Fayez al-Sarrajvà Tư lệnh Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng Khalifa Haftar. Hội nghị còn có sự tham gia của 11 nước lớn, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Mỹ, cũng như các tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Trong lời mời tham dự hội nghị, nước chủ nhà Đức khẳng định mục tiêu dài hạn của họ là chủ quyền Libya và một quá trình hòa giải do nội bộ Libya dẫn dắt.
Libya chìm trong bạo lực và chia rẽ kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 4 năm ngoái khi lực lượng của Thủ tướng Sarraj ở thủ đô Tripoli bị lực lượng của tướng Haftar tấn công. Các cuộc giao tranh đã cướp đi sinh mạng của hơn 280 dân thường và 2.000 binh sĩ cho đến khi một thỏa thuận ngừng bắn mong manh được thực thi hôm 12/1, theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ./.
Các nước cam kết “không can dự” vào tình hình Libya
Từ khóa: thỏa thuận ngừng bắn, tình hình Libya, Hội nghị hòa bình Libya, tướng Haftar, chiến tranh Libya
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN