Lệnh trừng phạt của châu Âu vẫn khiến Nga trả giá dù Mỹ xuống thang hay không
Cập nhật: 16 giờ trước
Nga – Mỹ tan băng: Hòa bình cho Ukraine hay một cuộc mặc cả lớn?
Nỗ lực “lấy lòng” Greenland của ông Trump đang phản tác dụng?
VOV.VN - Nếu châu Âu không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thương mại, khả năng tiếp cận các hệ thống thanh toán cũng như đầu tư nước ngoài của Nga vẫn bị hạn chế nghiêm trọng.
Với hy vọng bình thường hóa quan hệ với Mỹ một cách nhanh chóng, Điện Kremlin đã yêu cầu các công ty Nga liệt kê những lệnh trừng phạt nào họ muốn dỡ bỏ trước. Về phần mình, Mỹ dường như chưa sẵn sàng trao đi các món quà. Tuần trước, Đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff cho biết, lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ sau khi lệnh ngừng bắn được nhất trí ở Ukraine, nói cách khác có thể là trước khi một thỏa thuận hòa bình đầy đủ được hoàn tất. Ông Witkoff kỳ vọng sẽ có đột phá "trong vài tuần nữa".
Phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Nga nhiều hơn tổng số lệnh trừng phạt của 6 quốc gia gồm Iran, Syria, Triều Tiên, Belarus, Myanmar và Venezuela. Riêng Mỹ đã áp gần 6.500 lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022.
Nhiều lệnh trừng phạt trong đó phần lớn mang tính biểu tượng, nhắm vào những người thân cận với Tổng thống Putin bằng cách đóng băng tài sản của họ ở phương Tây. Nhiều lệnh trừng phạt khác nhắm vào các ngành công nghiệp và tổ chức của Nga, liên quan đến lĩnh vực năng lượng, vũ khí và tài chính, bằng cách chặn quyền tiếp cận công nghệ của họ, cũng như các thị trường phương Tây và hệ thống thanh toán bằng đồng USD. Đây là những lệnh trừng phạt mà Điện Kremlin muốn hủy bỏ.
Mặc dù Mỹ có thể muốn nới lỏng các lệnh trừng phạt nhưng ở châu Âu, những cuộc trao đổi như vậy vẫn là điều cấm kỵ. Nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, có khả năng châu Âu sẽ quyết định giữ nguyên lệnh trừng phạt của mình. Một số chuyên gia địa chính trị cho rằng điều đó không quan trọng lắm. Họ nói rằng Nga thực sự muốn tiếp cận công nghệ, tiền tệ và mạng lưới thanh toán của Mỹ. Tuy nhiên, theo trang The Economist, điều này không chính xác. Nếu châu Âu không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thương mại, khả năng tiếp cận các hệ thống thanh toán cũng như đầu tư nước ngoài của Nga vẫn bị hạn chế nghiêm trọng.
Trước tiên, hãy xét đến thương mại. Việc chấm dứt lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khôi phục thương mại hàng hóa giữa 2 nước, vốn đã giảm 90% từ năm 2021 - 2024. Tuy nhiên, ngay cả trước xung đột, kim ngạch thương mại chỉ có giá trị tương đối ít là 35 tỷ USD. Bất kỳ sự phục hồi nào cũng chỉ ở quy mô khiêm tốn như vậy. Trái lại, kim ngạch thương mại trước xung đột giữa Nga và EU đạt 258 tỷ euro (305 tỷ USD). Nếu châu Âu tiếp tục các biện pháp trừng phạt, con số đó sẽ không quay lại.
Nga có thể hy vọng nhiều hơn từ việc chấm dứt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng, vốn là nguồn thu chính của Điện Kremlin. Mỹ ủng hộ mức giá trần của G7, theo đó cấm các công ty bảo hiểm, công ty vận chuyển và ngân hàng trong các nhóm nền kinh tế phát triển tạo điều kiện cho việc bán dầu thô của Nga, trừ khi giá đó dưới 60 USD/thùng. Trước khi rời Nhà Trắng, ông Joe Biden cũng đã đưa 155 tàu chở dầu cho Nga vào danh sách đen. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã tìm được những con tàu mới, cũng như các cảng mới với mức giá trần ít tác động hơn. Sau khi sụt giảm vào tháng 1, xuất khẩu dầu của Nga đã phục hồi lên 3,5 triệu thùng/ngày, cao hơn năm 2021. Việc dỡ bỏ trừng phạt của Washington sẽ không mang đến sự thúc đẩy doanh thu đáng kể cho Moscow.
Việc bán khí tự nhiên cũng không có nhiều thay đổi. Việc dỡ bỏ trừng phạt với Arctic LNG 2 - dự án khí tự nhiên hóa lỏng của Nga, có thể giúp chuyển hướng một số mặt hàng xuất khẩu nhưng điều này có lẽ chưa thể diễn ra trước năm 2026, thời điểm dự kiến sẽ xảy ra tình trạng dư thừa khí đốt trên toàn thế giới. Chính Tổng thống Putin là người đã khóa van đường ống lớn nhất của Nga tới châu Âu năm 2022. Mặc dù Nga có thể mở lại nhưng châu Âu sẽ quyết định có mua hay không.
Còn đối với việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ thì từ năm 2022, Nga đã tránh các hạn chế bằng cách mua hàng từ Trung Quốc hoặc chuyển hướng hàng hóa qua Trung Á. Nhiều mặt hàng có giá trị mà họ không thể tìm thấy, chẳng hạn như máy móc công nghệ cao, trước đây đến từ châu Âu. Có một số mặt hàng lưỡng dụng, dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự, chủ yếu đến từ Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu các thành phần vũ khí có thể vẫn được duy trì hay cả khi các lệnh hạn chế khác được dỡ bỏ.
Lĩnh vực thứ hai mà Nga hy vọng đạt được tiến triển là các hệ thống thanh toán quốc tế. Việc loại các ngân hàng của Nga khỏi Mastercard và Visa - các mạng lưới thẻ tín dụng lớn, SWIFT cùng mạng lưới thanh toán các giao dịch bằng đồng USD ở Mỹ đã gây ra những khó khăn cho Moscow trong các giao dịch nước ngoài. Phương Tây cũng chặn quyền tiếp cận của Nga với 274 tỷ euro tài sản do Ngân hàng Trung ương của nước này sở hữu và được lưu trữ ở phương Tây.
Nếu lệnh trừng phạt của Mỹ chấm dứt, những vấn đề như vậy sẽ giảm bớt nhưng không biến mất. Hầu hết tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga để ở châu Âu và có lẽ vẫn sẽ bị đóng băng. Hầu hết các ngân hàng Nga vẫn bị cắt khỏi SWIFT và họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc nhận đồng USD nếu các ngân hàng Mỹ do dự trong việc thanh toán do các lệnh trừng phạt của châu Âu.
Nước này cũng sẽ phải chịu các chế độ quản lý khác nhau trên khắp phương Tây, đủ để ngăn cản các ngân hàng tiếp nhận khách hàng Nga. Điều đó khiến đầu tư nước ngoài giảm 43% kể từ cuối năm 2021.
Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ có vẻ không thể biến đổi nền kinh tế của Nga. Châu Âu thậm chí có thể hành động theo cách của mình, mặc dù điều đó có thể khiến ông Trump nổi giận.
Châu Âu có thể quyết định bãi bỏ mức giá trần dầu, thay vào đó cấm các công ty vận chuyển và tài chính của mình tham gia vào hoạt động kinh doanh của Nga. Các nhà hoạch định chính sách của châu lục này có thể cấm các tàu chở dầu bị phát hiện chở dầu của Nga cập cảng của mình. Một lựa chọn quan trọng là cảnh báo những bên mua dầu Nga ở nước thứ ba và những người cung cấp dịch vụ ngân hàng cho họ có thể mất quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính và thị trường chung châu Âu. Việc làm này sẽ phải trả giá đắt và có nguy cơ vấp phải phản ứng dữ dội, đặc biệt từ ông Trump, người có thể coi sự cứng đầu của châu Âu là nguyên nhân làm suy yếu thỏa thuận của mình. Để châu Âu cân nhắc các lệnh trừng phạt “thứ cấp” như vậy, thỏa thuận hòa bình do Mỹ đề xuất hẳn phải khiến châu lục này rất không hài lòng.
Các nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của ông Trump vẫn chưa nói chuyện với EU về những gì họ dự định làm với các lệnh trừng phạt của mình. Đối với Nga, châu Âu luôn quan trọng hơn Mỹ. Theo cách nói của ông Trump, điều đó có nghĩa là châu Âu có những lá bài tốt. Bị phớt lờ và đe dọa, châu Âu có thể đứng trước cám dỗ sử dụng chúng.
Từ khóa: trừng phạt, lệnh trừng phạt, trừng phạt nga, nga trả giá, xung đột ukraine, mỹ xuống thang, dầu mỏ nga
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN