Lên phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp
Cập nhật: 07/04/2020
Hàng nghìn suất quà Tết gửi đến người dân biên giới tỉnh Quảng Nam
Cháy cơ sở mỹ nghệ tại vùng ven TP.HCM, nhiều tài sản bị thiêu rụi
VOV.VN - Các bệnh viện dã chiến trước mắt tập trung xây dựng tại hai trung tâm đô thị lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 142/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp bàn về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp dịch Covid-19.
Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh trên toàn cầu và tại Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe, tính mạng của người dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt sẽ lây lan rộng, từ đó gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, do vậy cần phải chuẩn bị tốt mọi phương án ứng phó, trong đó có việc chuẩn bị cho công tác xây dựng bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
Thành lập bệnh viện dã chiến trong Bệnh viện Bạch Mai. |
Để chủ động các phương án chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến khi có dịch bùng phát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các địa phương, cơ quan liên quan rà soát lại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về xây dựng, thiết lập bệnh viện dã chiến, trong đó đề xuất bổ sung các địa điểm phù hợp để bố trí xây dựng bệnh viện dã chiến trên địa bàn. Trước mắt tập trung các địa điểm, nhât là tại hai trung tâm đô thị lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế lập thiết kế điển hình, lập dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…), đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế. Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm để đảm bảo nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… để có thể triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và cơ quan liên quan xây dựng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các bệnh viện dã chiến được thiết lập theo kế hoạch trên.
Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng rà soát lại số lượng giường bệnh, các loại vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để có phương án sản xuất, mua sắm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, tương ứng với các bệnh viện dã chiến khi được đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Xây dựng chuẩn bị tốt các phương án, đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp để có thể triển khai nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020./.
Từ khóa: bệnh viện dã chiến, bệnh viện bạch mai, covid-19, trịnh đình dũng, dịch covid 19
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN