Lễ mừng cơm mới - Nét văn hóa đặc sắc của người Tà Ôi

Cập nhật: 21/08/2022

[VOV2] - Theo phong tục của đồng bào dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, lễ A Da hay còn gọi là lễ mừng cơm mới là một trong những loại hình văn hóa đặc sắc, mang nhiều giá trị tinh thần quý giá.

Vào những ngày sau khi kết thúc vụ mùa màng cuối năm, khi những hạt lúa, hạt ngô… đã được thu hoạch và cất vào kho dự trữ của mỗi gia đình, cũng là lúc các bản làng người Tà Ôi trên dãy Trường Sơn thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu trẩy hội, đón chào mùa lễ A Da tức lễ mừng ăn cơm mới. Các già làng nơi đây cho biết, đây là một trong lễ hội lớn nhất của người Tà Ôi để tạ ơn trời đất, đấng thần linh đã giúp đỡ họ trong cuộc sống, chuyện mùa màng và cả đời sống tinh thần.

Theo già Hồ Văn Môn, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, lễ A Da không tổ chức theo ngày cố định mà tùy mùa vụ các năm. Để ấn định ngày tổ chức, những người đứng đầu các họ tộc trong bản nhóm họp rồi chọn ngày đẹp nhất làm lễ: “Dân tộc mình làm lễ A Da như Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Phải chọn ngày đẹp, thường là ngày chẵn, nhất là  mùng 4, 12 hoặc 24/12  âm lịch. Họ nào cũng làm, gia đình nào cũng làm. Một họ 20 gia đình cũng làm vào một ngày thống nhất”.

Đồng bào Tà Ôi tổ chức lễ A Da với mong muốn mùa màng bội thu, để năm mới thêm no ấm, mọi người luôn khỏe mạnh, con cái học hành tiến bộ hơn. Phong tục này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn còn giữ nguyên bản sắc truyền thống của lễ hội cho đến nay. Bà A Viết Thị Tâm, dân tộc Tà Ôi, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tổ chức lễ A Da thể hiện văn hóa của dân tộc Tà Ôi chúng tôi. Thường thì chuẩn bị đồ cúng trước 2,3 ngày. Đây là lễ cúng tạ ơn mẹ lúa ban cho dân làng, để năm sau được mùa hơn”.

Vào ngày lễ A Da, mỗi thôn, mỗi gia đình người Tà Ôi đều dâng Yàng những sản vật. Bởi theo họ, những sản vật ấy có được là nhờ Yàng phù hộ, chở che, ban cho vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc.

Lễ vật trong lễ A Da là lúa mới gặt về được nấu thành xôi và cơm lam, bánh a quát cùng với thịt gà, lợn, thịt dê, thịt bò do người dân chăn nuôi và săn bắt được. Ngoài ra, còn có một bát nước để cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, đầy đủ nước cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt, không thể thiếu ché rượu cần được làm từ những hạt lúa ngon nhất trong vụ mùa vừa qua. Trong mâm lễ còn có những sợi hoa được tước từ cây tre tượng trưng cho bông lúa trĩu hạt, những tấm thổ cẩm được dệt bởi bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ Tà Ôi.

Nghi lễ cúng A Da phải trải qua 6 bước chính thức. Bước 1 là lễ cúng các vị giống cây trồng. Bước 2 lễ cúng Yàng Pa Nuôn, vị thần chở che khi buôn bán. Bước 3  lễ cúng Yàng Cợt- vị thần ban tặng con người, để vợ chồng con đàn cháu đống ngoan ngoãn khỏe mạnh. Bước 4 là lễ cúng cho Yàng xứ (bao gồm yàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa đất đường sá phải thực hiện ở ngoài trời). Bước 5 là cúng Yàng Ku mu ui (tức những người đã khuất).  Và cuối cùng bước sáu lễ cúng Yàng A Zel là vị thần đất.

Khi các bước cúng A Da đã xong, già làng dọn một nồi cơm mới  được nấu từ gạo mới cùng mâm cỗ gọi con cháu trong gia đình làng bản vào khai vị. Cơm mới và mâm cỗ phải ăn hết ngay tại nhà chung của làng không được để dư thừa hay đem về nhà.  

Với người Tà Ôi, dù Lễ A Da lớn hay nhỏ, phần lễ chỉ diễn ra trong buổi sáng, còn phần hội có thể kéo dài vài ba ngày. Vì vậy, sau khi phần Lễ kết thúc, mọi người về nhà chuẩn bị tiếp khách. Buổi tối đầu tiên của lễ hội, già làng cùng các trưởng họ đi đến từng gia đình để hỏi thăm, chúc tụng. Khi bước vào phần hội, mọi người có thể đem hết khả năng của mình tham gia. Bên ánh lửa bập bùng, họ cùng nhau hát hò, nhảy múa chúc tụng nhau bằng điệu múa A Da, đối đáp nhau bằng những lời hát dân ca cùng nhịp trống, tiếng chiêng bằng giai điệu Pâ lư ấm áp tình người. Các món ăn, thức uống đặc biệt đã được chuẩn bị lâu nay cũng được dọn ra đãi khách, họ cùng vui chơi ăn uống chúc tụng nhau suốt thâu đêm suốt sáng.

Trong tiếng chiêng, trống ngân vang, các nam thanh nữ tú của làng bắt đầu đi vòng quanh nơi cúng Yàng của làng và múa điệu tuốt lúa để tái hiện công việc nương rẫy của một mùa đã qua, đồng thời bày tỏ mong muốn mùa rẫy mới được bội thu hơn.

Một mùa mới bắt đầu. Đó cũng là năm mới với niềm tin về sự no ấm mà mùa lúa mới, mùa rẫy mới sẽ mang lại. A Da như sợi dây kết nối xóm làng thêm gắn bó, bền chặt.

Mời nghe âm thanh tại đây: 

 

Từ khóa: Lễ A Da, mừng cơm mới, tạ ơn mẹ lúa, Tà Ôi, A Lưới Thừa Thiên Huế, vov2

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập