Lễ hội mùa Xuân
Cập nhật: 16/02/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
(VOV5) -Hiện nay mỗi năm cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, bình quân mỗi ngày, cả nước có gần 30 lễ hội.
Đối với người dân Việt Nam, mùa Xuân là mùa của lễ hội. Các lễ hội vào mùa Xuân tổ chức nhiều nhất so với các mùa khác trong năm và diễn ra trên khắp các vùng miền của cả nước. Du Xuân, già trẻ, gái trai nô nức trẩy hội, cầu chúc cho một năm mới tốt lành, an khang, thịnh vượng.
Cùng với sự phát triển của xã hội qua thời gian, năm tháng, các lễ hội mùa Xuân, nhất là các lễ hội truyền thống, phát triển về tầm vóc, qui mô, có sức lan tỏa, cuốn hút nhiều thành phần xã hội tham dự.
Ảnh minh họa/ Khai hội chùa Hương năm 2020- Canh Tý. Ảnh tintuc.vn |
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho biết: "Lễ hội mùa Xuân là lễ hội mở đầu cho 1 năm mới nên những gì ta mong chờ, háo hức đều gửi gắm vào lễ hội. Khi đi lễ hội là người ta trải được tấm lòng, cảm thấy mới và như sắp khám phá ra vấn đề gì đó và cảm thấy như được về với quê hương, về với cộng đồng và được sống trong bầu không khí nhân văn.Mọi người đến với các lễ hội xuân với tinh thần cộng cảm, như trở về nguồn. Hội Xuân cũng có giá trị cố kết mọi người, hòa vào cộng đồng. Không khí đầu năm khiến cho mọi người đều ước mơ cái mới, ước mơ những điều hay nhất, đẹp nhất và tránh đi những điều rủi ro. Vì thế mọi người đi hội Xuân đều phơi phới trong lòng, dù có vất vả nhưng mọi người đều vui."
Hiện nay mỗi năm cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, bình quân mỗi ngày, cả nước có gần 30 lễ hội. Trong đó, lễ hội lịch sử cách mạng chiếm 4%, lễ hội tôn giáo chiếm 16%, lễ hội dân gian truyền thống chiếm tới 80% và chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân. Lễ hội Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội), lễ khai ấn Đền Trần (tỉnh Nam Định), hội Lim (tỉnh Bắc Ninh), lễ hội núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh)... là những lễ hội mùa xuân truyền thống thu hút rất đông du khách gần xa. Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Việt Nam có 54 dân tộc, coi như là 54 kho tàng văn hóa. Hơn 8000 lễ hội tôi nghĩ chưa chắc là con số cuối cùng mà có thể còn thêm nữa. Vì trên thực tế một số dân tộc bị thất truyền lễ hội mong chờ nhà nước đầu tư để khôi phục lễ hội. Mùa lễ hội Xuân là nhu cầu chia sẻ về mặt tâm linh và niềm tin ở cộng đồng.”
Giống như các lễ hội thông thường, trong các lễ hội truyền thống mùa Xuân vẫn thường có 2 phần: phần lễ và phần hội. Tùy vào thời gian, không gian và đặc điểm của từng tộc người mà từng lễ hội có mối quan hệ tâm linh, tín ngưỡng khác nhau. Dịp này, người ta thờ cúng thần linh, các bậc tiền nhân, tôn vinh những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước…
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức- Ảnh Hanoimoi.vn |
Lễ hội mùa Xuân gắn chặt với văn hóa dân gian, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, nhấn mạnh: "Khi nói tới giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì đương nhiên phải có văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian không phải chỉ là những chuyện đàn ca hát xướng hay là những trò diễn xướng dân gian mà là trí tuệ của cả một dân tộc, của một tộc người gửi gắm ở trong đó. Có giữ được văn hóa dân gian thì mới giữ được văn hóa dân tộc."
Mùa Xuân khởi đầu của một năm mới, báo hiệu sự sinh sôi phát triển. Xuân về là lúc cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, khoe sắc đua hương với đất trời, làm đắm say lòng người. Các lễ hội mùa Xuân đã vun đắp tình cảm lòng biết ơn của mọi người đối với các vị tiền nhân. Lễ hội mùa Xuân hướng mọi người tìm đến chân - thiện - mỹ, trân trọng quá khứ, vươn tới tương lai.
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5