Lễ hội Lồng tồng tại Cao Bằng có gì đặc biệt?
Cập nhật: 03/02/2023
VOV.VN - Những năm gần đây, đời sống văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng ngày càng được nâng cao. Và cũng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lễ hội Lồng tồng - một lễ hội truyền thống giàu ý nghĩa nhân văn của đồng bào Tày, Nùng được tổ chức sôi nổi hơn, phong phú hơn.
Năm nay, chị Hoàng Thị Dùng và người dân ở xóm Kéo Nặm, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng rất háo hức mong đến ngày hội xuân tổ chức ở Nà Giàng để được đi chơi hội tung còn. Chị Hoàng Thị Dùng cho biết: "Hàng năm tôi vẫn chuẩn bị cho mình vài quả còn để đi hội. Cứ khoảng mùng 1, mùng 2 Tết thì tôi làm quả còn. Quả còn làm cũng đơn giản thôi, nhưng phải làm sao để an toàn khi mình chơi, sau khi khâu vải thành hình quả còn thì cho 1 ít cát vào rồi khâu lại cho chắc chắn, lấy sợi chỉ nhiều màu để bện thành dây còn cho bắt mắt rồi còn làm tua rua ở đầu dây nữa. Quả còn tung có trúng đích hay không cũng do người làm".
Ông Mã Hồng Bắng, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng (75 tuổi) say sưa kể lại các trò chơi truyền thống được tổ chức trong các lễ hội xuân nơi quê hương Cao Bằng. Ngoài các trò chơi phổ biến như tung còn, kéo co, đánh yến, đánh quay, bịt mắt bắt dê, đá bóng... thì hồi trẻ ông còn được tham gia trò chơi "mác cấu", một trò chơi thu hút nhiều người tham gia, nhất là đám trai trẻ trong bản.
"Hội Lồng tồng đầu xuân thì có từ rất lâu rồi. Tùy từng địa phương quy định ngày để tổ chức hội Lồng tồng, trò chơi được tổ chức trong ngày hội cũng tùy nơi. Ngày xưa ở xã Đào Ngạn tôi (nay là xã Ngọc Đào) thì có một trò chơi rất hay gọi là cướp “mác cấu”. Người ta chọn lấy củ chuối to nhất và đào một cái hố rồi thả “quả cấu” xuống hố. Người chơi chia thành đội và có vạch ngăn đôi giữa 2 đội khoảng 6 đến 7 mét. Hai bên tranh nhau, đội nào mang được “quả cấu” về đích thì là đội thắng cuộc" - ông Mã Hồng Bắng kể.
Sau Tết là thời gian diễn ra nhiều lễ hội Xuân. Người ta đi chơi hội để rồi chuẩn bị bước vào mùa vụ mới, do đó ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hội Lồng tồng ngày xuân thường được tổ chức đến khoảng Rằm tháng Giêng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà người Tày, người Nùng có câu: “Nàng ơi, bươn Chiêng lầu pây liểu/Bươn nhỉ mí chịu dú đai” (Em ơi, tháng Giêng ta đi trẩy hội/Tháng hai chân tay không ngơi nghỉ).
Bà Ma Thị Thư, 83 tuổi ở thôn Cốc Tảo, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn kể: "Ở Thất Khê quê tôi hàng năm có hội Lồng tồng Bủng Kham. Ở đây các nhà rồi các làng thi nhau chuẩn bị mâm lễ để chấm điểm trong ngày hội Lồng tồng. Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Các mâm lễ của các làng đem đến lễ hội trông rất bắt mắt, những mâm lễ được xếp thành hình thù các con vật linh thiêng như hình con rồng. Đến hội lồng tồng mọi người ai nấy đều vui vẻ được gặp nhau dịp đầu xuân năm mới, mọi người cất tiếng sli, lượn với nhau cả ngày".
Hội Lồng tồng còn theo bà con người Tày, Nùng đi vào các tỉnh Tây Nguyên. Để nhớ hương vị Tết quê nhà, bà con ở Tây Nguyên cũng cùng nhau tổ chức lễ hội Lồng tồng để cùng ôn lại những câu then, điệu lượn. Bà Hoàng Thị Kín ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: "Hội xuân ở Cư M'gar thường tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng, còn ở Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) quê tôi ngày trước thì tổ chức hội Lồng tồng vào ngày 15. Hội xuân ở đây cũng vui lắm, cũng có đầy đủ các trò chơi dân gian như tung còn, đánh quay, kéo co... rồi còn rất nhiều tiết mục văn nghệ hát then, đàn tính, phong slư.... Hội ở đây cũng không khác gì ngoài quê ngày trước".
Việc duy trì các lễ hội truyền thống của dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về sẽ giúp cho nhân dân các dân tộc vùng cao có điểm vui chơi bổ ích, đặc biệt đây cũng là nơi tụ hội, giao lưu của nhân dân và du khách thập phương. Đây là dịp để những người con của quê hương tri ân với nguồn cội, tổ tiên sau một năm lao động, học tập... để bước sang năm mới, càng thu được nhiều thành quả lao động, sản xuất tốt hơn./.
Từ khóa: lễ hội Lồng tồng Cao Bằng, lễ hội người Tày Nùng, lễ hội Lồng tồng Tây Nguyên
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN