Lễ chùa đầu năm - nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt
Cập nhật: 26/01/2020
Triển lãm nghệ thuật ánh sáng mùa đông ở Đức (26/11/2024)
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
VOV.VN - Tại nhiều ngôi chùa ở thành phố Hà Nội, ngay sau thời khắc Giao thừa, người dân đã đi lễ chùa đầu năm xin lộc.
Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, những ngày đầu năm mới, ngay sau thời khắc giao thừa, nhiều gia đình đã cùng nhau đi lễ chùa cầu chúc một năm mới bình an và gặp nhiều may mắn.
Lễ chùa đầu năm (Ảnh minh họa: KT) |
Tại nhiều ngôi chùa ở thành phố Hà Nội, ngay sau thời khắc Giao thừa, người dân đã đi lễ chùa đầu năm xin lộc. Theo tín ngưỡng của người Việt, vào lễ chùa đêm Giao thừa để cầu phúc, cầu may, xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình.
Với quan niệm, đi lễ chùa trước tiên phải đến những chùa gần, sáng sớm hôm nay (mùng Một Tết), bà Phạm Thị Chiến, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đã cùng cả gia đình đi lễ chùa, cầu phúc, lộc, bình an...
Theo bà Chiến, lễ chùa đầu năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt, giúp mọi người tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn.
Từ lâu với nhiều người dân Việt Nam, đi chùa đầu năm đã ăn sâu trong tiềm thức, đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo chị Nguyễn Thu Hà, ở quận Long Biên, đi lễ chùa không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ước nguyện, “cầu được, ước thấy”, mà ở đó con người có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường.
Chính vì vậy, mỗi khi đặt chân đến chốn cửa phật, bất kỳ ai cũng có cảm giác thong dong, nhẹ nhàng, tìm về với cội nguồn dân tộc.
Với nhiều bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân.
Lễ chùa đầu năm cũng giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử. Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa, là nơi thể hiện ước mơ ngàn đời của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.
Nguyễn Nhật Minh, 25 tuổi ở quận Thanh Xuân cho biết: Năm nào gia đình cũng có ông bà, bố mẹ, các bác, các cô sẽ đi chúc Tết quanh làng, những người họ hàng, sau đó sẽ đi lễ chùa. Đến chùa thấy không gian rất yên tĩnh và có gì đó rất đặc biệt. Đây là một điều rất tốt đẹp, đến chùa thấy bình an và những điều tốt đẹp sẽ đến với mình trong năm mới.
Ở nhiều làng quê Việt, quần thể đình, chùa, đền, miếu thường được xây dựng gần nhau. Vì thế, không chỉ lễ chùa mà ngày đầu năm mới, tại các ngôi đình, đền, miếu, người dân làng vẫn đến lễ rất đông, cùng chung một ước nguyện cho một năm mới nhiều sức khỏe, bình an.
Ông Nguyễn Trọng Vồng, 78 tuổi, người trông coi Miếu Đầm, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, chia sẻ: “Chúng tôi ra đây để mở cửa nghè, tức là khai địa môn cho cả làng. Nhân dân ra lễ thánh và chúc tụng nhau mạnh khỏe, làm ăn tốt. Dân làng ở đây ra lễ rất đông”./.
Từ khóa:
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN