Lầu Năm Góc công bố báo cáo mới về sức mạnh quân sự của Trung Quốc
Cập nhật: 14/09/2020
VOV.VN - Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh, hiện đại hóa quân đội để phục vụ tham vọng bành trướng.
Tuần trước, Lầu Năm Góc công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó nêu chi tiết về sự thay đổi của Quân đội Trung Quốc thành một lực lượng hiện đại.
Báo cáo cũng nêu lên những thực tế có thể khiến các nhà hoạch định chính sách cũng như các quan chức quân sự Mỹ cảm thấy không thoải mái: Trung Quốc đang có lực lượng Hải quân lớn nhất thế giới và đang mở rộng kho tên lửa tiên tiến.
Báo cáo nêu rõ, Trung Quốc đã “tăng cường các nguồn lực, công nghệ và ý chí chính trị trong 2 thập kỷ qua để củng cố và hiện đại hóa Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) về mọi mặt”, đồng thời cho biết thêm rằng “Trung Quốc đã đi trước Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định”.
Bản báo cáo cũng bao gồm các bản đồ “định vị” các lực lượng của PLA, cũng như minh họa tầm bắn của các tên lửa Trung Quốc.
Về Lục quân (PLAA)
Báo cáo của Lầu Năm Góc khẳng định PLAA là lực lượng mặt đất lớn nhất thế giới, với 915.000 quân nhân tại ngũ thuộc 13 cụm quân chủ lực, một trong số đó có quy mô tương đương quân đoàn Mỹ với khoảng 20.000 - 45.000 quân.
Một quân đoàn bao gồm 78 lữ đoàn vũ trang tổng hợp, mỗi lữ đoàn có thể có tới 5.000 binh sĩ.
Các lữ đoàn được tổ chức thành ba loại: hạng nặng (xe tăng và xe bọc thép bánh xích), hạng trung (xe bọc thép bánh lốp) và hạng nhẹ (bộ binh, đường không, núi và cơ giới).
Điều thú vị là bản đồ về Lục quân còn bao gồm Quân đoàn Nhảy dù của PLA – vốn là một phần của lực lượng Không quân Trung Quốc. Quân đoàn gồm 6 lữ đoàn vũ trang hỗn hợp trên không. Ít nhất một trong số đó được cơ giới hóa với xe chiến đấu bộ binh bọc thép có thể thả trên không, ZBD-03.
Về Hải quân (PLAN)
Báo cáo của Lầu Năm Góc nhận định Hải quân Trung Quốc lớn nhất thế giới với 350 tàu, và "chủ yếu bao gồm các nền tảng đa năng hiện đại với các vũ khí và cảm biến chống hạm, phòng không và chống tàu ngầm tiên tiến”. Những con tàu này là một phần của 3 hạm đội có trụ sở tại các quân khu phía Bắc, phía Đông và phía Nam của PLA.
Hải quân Trung Quốc cũng bao gồm 6 lữ đoàn thủy quân lục chiến và một lực lượng không quân nhỏ nhưng đang phát triển.
Về Không quân (PLAAF)
Theo báo cáo, Lực lượng Không quân chính, kết hợp cùng với nhánh không quân của Hải quân Trung Quốc, là lực lượng không quân lớn nhất trong khu vực và lớn thứ 3 thế giới.
“Không quân Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp các lực lượng không quân phương Tây trên mọi mặt”, báo cáo nhấn mạnh.
Hơn 800 trong số 1.500 chiến cơ của Trung Quốc được xem là thuộc thế hệ thứ 4, ngang bằng với các máy bay chiến đấu trong kho của phương Tây. Không quân Trung Quốc cũng có một máy bay chiến đấu tàng hình đang được biên chế và một máy bay ném bom tàng hình đang được phát triển.
Tháng 10/2019, Trung Quốc ra mắt máy bay ném bom H-6N, máy bay ném bom có năng lực hạt nhân đầu tiên có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Điều này đánh dấu sự trở lại của nhánh không quân trong bộ 3 hạt nhân của Trung Quốc. Với sự phát triển của các tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ trên không, Trung Quốc có thể sớm có một Bộ 3 hạt nhân hoàn chỉnh và khả thi.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc cũng sở hữu các máy bay làm nhiệm vụ đặc biệt, có khả năng tác chiến điện tử và tiếp nhiên liệu trên không.
Hầu hết các căn cứ của Không quân Trung Quốc đều ở phía nam và phía đông của nước này. Các căn cứ không quân ở phía Tây cũng cách xa Ấn Độ đáng kể là làm hạn chế khả năng của PLAAF trong trưởng hợp xảy ra căng thẳng trong khu vực.
Tầm bắn của tên lửa Trung Quốc
Báo cáo của Lầu Năm góc cũng nêu chi tiết về vũ khí quan trọng nhất của PLA: tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Trung Quốc có một trong những kho vũ khí tên lửa đa dạng và lớn nhất thế giới.
Gần như tất cả các tên lửa thông thường của Trung Quốc đều có tầm bắn lên tới 2.000km.
Đặc biệt đáng lo ngại là DF-26 và DF-21. Cả 2 đều là các tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất, được cho là nhằm vào các tàu sân bay Mỹ và các tàu hộ tống. DF-26 có khả năng mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân còn được gọi là “sát thủ diệt Guam” vì nó có khả năng vươn tới các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam.
Máy bay ném bom H-6J của Không quân Trung Quốc có khả năng mang 6 tên lửa chống hạm YJ-12.
Báo cáo cho rằng, các tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc có thể đạt tầm bắn 1.750-13.000km. Tên lửa CSS-4 Mod 2/Mod 3 (còn gọi là DF-5) và DF-41 là đặc biệt đáng lo ngại. Cả 2 đều có khả năng vươn tới gần như toàn bộ lục địa Mỹ.
DF-41 được công bố lần đầu tiên vào tháng 10/2019, có thể mang tới 10 đầu đạn có khả năng đánh trúng các mục tiêu khác nhau, được phóng ra kho tên lửa đạt tới đỉnh của nó.
Trung Quốc cũng đang tăng cường đầu tư vào công nghệ tên lửa. Báo cáo nói rằng trong năm 2019, Lực lượng tên lửa Trung Quốc “đã tiến hành huấn luyện và thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo hơn các khu vực còn lại của thế giới kết hợp lại”.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng nhấn mạnh, vẫn có sự khác biệt quan trọng về chất lượng và năng lực của binh sỹ cũng như vũ khí của Trung Quốc so với Mỹ.
Quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn so với Quân đội trung Quốc (đã không tham gia các cuộc chiến lớn kể từ 1979) cũng như các tài sản uy lực như các nhóm tác chiến tàu sân bay phức tạo của Mỹ. Mỹ cũng có số lượng đồng minh trong khu vực để có thể phối hợp./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN