Lau mắt đi em, đêm đã qua rồi…
Cập nhật: 03/10/2024
VOV.VN - Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết gần 200 trang này với một sự lôi cuốn hiếm thấy, đọc liền một mạch chừng hai tiếng không nghỉ. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai khi đọc xong cuốn sách cũng sẽ không khỏi bất ngờ bởi đây là tác phẩm đầu tay của Thu Hằng, nguyên phóng viên Báo Điện tử Dân Trí.
Như chính nhan đề tác phẩm đã hé lộ một phần, Nỗi đau của bướm đêm là tiểu thuyết viết về những cô gái điếm, một tầng lớp không được coi trọng trong xã hội, một nghề nghiệp được coi là bất hợp pháp, có thể bị công an bắt bất cứ lúc nào. Thế nhưng, có muôn vàn lý do và con đường khác nhau đẩy nhiều phụ nữ vào con đường bán thân, phần lớn do sức ép của đời sống, những cô gái ấy do hoàn cảnh phải trở thành trụ cột lo cho cả một gia đình phía sau. Thơm, nhân vật chính trong tiểu thuyết là một số phận như vậy
Cuộc đời của Thơm trong tiểu thuyết có thể chia làm 3 chặng lớn. Chặng thứ nhất là thời kỳ ở quê nhà, khi cô “đi khách” cho quán cà phê Vườn Hồng, làm trong khách sạn Anh và Em rồi khách sạn Mường Lam. Chặng thứ hai là thời kỳ Thơm cùng con gái là bé Thảo khi ấy mới được 3 tuổi lên Hà Nội để kiếm sống, quyết tâm bỏ nghề mại dâm để làm lại cuộc đời. Chặng thứ ba là thời kỳ Thơm trở lại quê nhà và có đời sống hôn nhân chính thức với Hiển, một người cùng làng, đã từng có vợ nhưng vợ không may qua đời sớm vì tai nạn giao thông.
Trong chặng đầu và chặng thứ hai, Thơm đã trải qua muôn vàn đau khổ, nhục nhã, ê chề khi mỗi ngày phải tiếp đủ các hạng người khác nhau. Khi có thai ngoài ý muốn với một khách làng chơi, Thơm đã quyết định giữ cái thai lại chứ không phá và tìm cách xoay sở buôn bán. Nhưng rồi cuộc sống chật vật ở thành phố, lại phải lo hàng tháng gửi tiền về cho mẹ nuôi bốn đứa em ăn học đã khiến cô tiếp tục nhắm mắt đưa chân, đem thân cho đàn ông giày vò. Khi đã dứt ra được môi trường “đi khách” để lên Hà Nội tìm công việc mới, Thơm lại phải chịu những nỗi đau đớn khi bị đánh ghen, bị hành hạ đánh đập, bị đẩy ra khỏi nhà một cách thô bạo, tàn nhẫn cùng đứa con gái nhỏ. Nếu thể xác của Thơm tổn thương năm phần thì tinh thần của cô tổn thương gấp hai lần như thế. Nhiều lần cô rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, sợ hãi và thậm chí là hoảng loạn. Bi kịch của Thơm nằm ở chỗ cô vẫn ý thức được việc phải đi làm gái, làm cave là một điều tồi tệ nhưng cô ở trong tình thế không thể dừng lại. Đến khi có thể tạm dừng lại thì dòng đời lại xô đẩy Thơm vào những bi kịch mới.
Trong khoảng thời gian Thơm hành nghề mại dâm cho ba nơi là cà phê Vườn Hồng, khách sạn Anh và Em, khách sạn Mường Lam, cả một đời sống của những cô gái hoạt động bất hợp pháp được tác giả miêu tả với đầy đủ những góc khuất, những ngóc ngách bí mật, những tốt xấu đan xen. Các cô gái hàng ngày phải dùng thuốc kích dục, trước khi được chủ chứa nhận vào làm phải đi phẫu thuật thẩm mỹ, trong nhóm các cô gái làm cùng cho một cơ sở cũng đủ những ganh ghét đố kỵ hãm hại nhau. Ngôn ngữ của thế giới ngầm này mang màu sắc chân thực, sống động với đủ nhưng lời bỗ bã, văng tục, chửi thề, đôi khi là những caption mang tính chất thả thính, khêu gợi, chào mời của các chị em Động Bàn Tơ, khiến tác phẩm mang đậm màu sắc đương đại, kiểu như: Hỏi anh đi đứng thế nào/ Ba lần bảy lượt ngã vào tim em; Anh ơi trái đất hình tròn/ Anh không trốn kỹ là còn gặp em; Thúy Kiều thì ở lầu Ngưng Bích/ Từ lúc gặp anh em chẳng thể ngừng thích.
Thế nhưng trong cái thế giới tưởng như đáy cùng của xã hội ấy vẫn còn những điều tốt đẹp. Đó là tình bạn vô tư của Thơm với Nụ. Nụ sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ, che chở cho Thơm trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc đời. Dù Kiều Trinh từng chơi xấu Thơm, nhưng sau khi Trinh gặp nạn, Thơm và Nụ không để bụng chuyện cũ, vẫn đến thăm Trinh tận tình tại bệnh viện.
Ngoài việc lo cho cuộc sống của mình và con gái, Thơm lúc nào cũng hết lòng trách nhiệm với mẹ và em. Đoạn tả cảnh Thơm trở về quê khi mẹ hấp hối gây nhiều xúc động cho người đọc: Gom nốt chút hơi tàn, mẹ Thơm nhìn con gái bằng đôi mắt mờ đục, rớm lệ. Bà thều thào: “Tiếc là mẹ không được gặp con rể sớm. Mẹ giận con đấy. Ai lại giấu mẹ chuyện lớn như thế? Chồng con có thích ăn canh cua đồng với cà muối không? Con thì luôn thích món đó từ bé. Mẹ nhớ là mỗi khi mẹ nấu canh cua, con có thể ăn đến hai ba bát cơm ấy nhỉ? Nếu chồng con cũng thích món đó.. thì sau này nó về đây, mẹ nấu cho hai vợ chồng con ăn…thoải mái…Mẹ thương con nhiều lắm. Con nặng gánh gia đình quá. Mẹ có lỗi…vì đã để con phải vất vả…nuôi mẹ, nuôi em. Mẹ xin lỗi con. Con tha thứ cho mẹ nhé…Ngày nào mẹ cũng ngóng con về ăn cơm…Chờ mãi…mà không thấy con đâu”. Mẹ Thơm nói càng lúc càng khó nhọc. Giọng bà nhỏ dần rồi những ngón tay bắt đầu duỗi ra, không còn nắm được lấy tay của Thơm nữa. Đôi mắt bà dần nhắm lại, rồi trút hơi thở cuối cùng. Những giọt nước trào ra từ đuôi mắt đầy dấu chân chim, chầm chậm lăn xuống gối”. Thơm đã từng có khát khao được làm mẹ. Và sau đó là khát khao được sống một cuộc sống lương thiện, hạnh phúc.
Cuộc đời Thơm từng gặp gỡ, gắn bó ở các mức độ khác nhau với bốn người đàn ông. Hưng là người đàn ông đầu tiên hứa hẹn với cô, làm cô có thai rồi bỏ của chạy lấy người, để mặc Thơm một mình sinh con, nuôi con khôn lớn. Tuấn là người đàn ông thứ hai, làm nghề bán khoai ngoài chợ, đỡ đẻ cho Thơm khi Thơm sinh bé Thảo. Toàn là người đàn ông xin việc ở Hà Nội cho Thơm, giao nhà cho Thơm ở, mua xe cho Thơm đi. Và cuối cùng là Hiển, người đàn ông cùng làng đã yêu Thơm bằng tình yêu chân thành, vị tha vô điều kiện. Đọc Nỗi đau của bướm đêm, cảm giác mọi tình tiết, sự kiện, nhân vật đều không có một điểm thừa. Những nhân vật tưởng chừng xuất hiện thoáng qua ở phần đầu truyện thì bỗng gặp lại ở phần cuối truyện như một mối liên hệ nhân quả, một nhân duyên không thể khác trong cuộc đời. Hưng tưởng chừng là một gã đàn ông tồi, chối bỏ trách nhiệm làm cha, thì sau này lại hết lòng vun đắp chăm lo cho bé Thảo. Tuấn tưởng như không còn gặp lại Thơm bao giờ nữa, thì sau này lại trở thành thông gia với Thơm, khi Minh – con trai của Tuấn gặp Thảo và hai người yêu nhau. Có những nhân vật phụ như Nụ, cũng được tác giả gửi gắm những thông điệp nhân văn sâu sắc. Nụ sau khi giải nghệ mại dâm đã tìm đến cửa chùa và nhận nuôi nấng, chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Một cái kết có hậu cho cuộc đời của Thơm khiến mỗi chúng ta thêm niềm tin yêu vào sự lương thiện, tin vào những khát vọng chính đáng trong cuộc đời. Đi qua bùn lầy, qua đêm đen, bước từ bóng tối ra ánh sáng chẳng phải là con đường chung của hết thảy mọi chúng sinh đó sao. Tôi nghĩ, Nguyễn Thu Hằng đã viết Nỗi đau của bướm đêm bằng tất cả sự cảm thông, chia sẻ và tình yêu thương những người phụ nữ, những cô gái vì một lý do nào đó từng lầm đường lỡ bước trong cuộc đời. Nhưng bản chất tốt đẹp của họ thì không bùn lầy nào có thể vấy bẩn được. Cách đặt tên cho nhân vật của tác giả, hai mẹ con với cái tên Thơm – Thảo chắc cũng không ra ngoài những gửi gắm ấy. Những phân đoạn miêu tả cảnh Thơm tiếp khách làng chơi mà nhiều người vẫn quen gọi là cảnh nóng, theo tôi chỉ nhằm mục đích lột tả tận cùng bi kịch của nhân vật, khiến chúng ta thêm xót thương và thấu hiểu.
Văn chương Việt viết về thân phận những cô gái giang hồ, từ thời trung đại đến thời hiện đại, theo tôi quan sát, thơ có khá nhiều nhưng tiểu thuyết chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là những tiểu thuyết lấy nhân vật trung tâm là những cô gái điếm. Sau Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Gái điếm của Nguyễn Văn Học, Nỗi đau của bướm đêm của Nguyễn Thu Hằng góp thêm một tiếng nói trong bức tranh văn xuôi còn thiếu vắng ấy, tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đọc.
Từ khóa: Nỗi đau của bướm đêm, Nỗi đau của bướm đêm,Thu Hằng,tiểu thuyết,phóng viên Báo Điện tử Dân Trí,Nguyễn Thu Hằng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: đỗ anh vũ/vov6
Nguồn tin: VOVVN