Lật tàu ở Hạ Long và những tổn thương tâm lý sau thảm họa
Cập nhật: 4 giờ trước
Bão số 3 giật cấp 12, cách Quảng Ninh 120km
Y tế Hà Nội ứng trực 24/24, sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu nạn nhân bão số 3
VOV.VN - Sau vụ lật tàu ở Hạ Long hay vụ sạt lở làng Nủ, nạn nhân không chỉ cần cứu hộ vật chất mà còn cần một “hệ thống chữa lành” về tinh thần bởi những sang chấn tâm lý âm ỉ.
Chiều 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (Hạ Long, Quảng Ninh) chở 49 khách du lịch và thủy thủ đoàn bị lật trên vịnh Hạ Long trong cơn giông lốc.
"Tôi nhìn thấy ở đó những ánh mắt vô hồn nhìn ra mặt biển tối tăm, họ chờ tin người thân. Nỗi đau đó có khi bật thành tiếng khóc nhưng cũng có người như hóa đá", nhà báo Nguyễn Trường Sơn (của VTV24) có mặt tại hiện trường, chia sẻ.
Ở đó có cô gái chờ tin mẹ, còn thi thể bố đã được tìm thấy trước đó. Họ chờ đợi chiếc tàu màu đỏ của lực lượng cứu hộ cứu nạn chở thi thể nạn nhân về bờ.
"Nỗi đau thì rất khó vượt qua nhưng lúc đấy nếu có lực lượng hỗ trợ tâm lý, đôi khi chỉ là có người ở cạnh, nghe họ trút nỗi lòng, kể về kỷ niệm của gia đình... cũng là sự giải tỏa tâm lý" - anh Sơn nói.
Từ vụ sạt lở ở làng Nủ năm 2024, nơi đất đá chôn vùi cả thôn trong một đêm mưa, đến vụ chìm tàu du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh) mới đây, điểm chung của những người sống sót là mất người thân, mất nhà cửa, nhưng điều khốc liệt hơn là khủng hoảng về tinh thần.
Theo thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồng Bách - Giám đốc Trung tâm tâm lý lâm sàng Dr.MP, có hai kiểu phản ứng rõ rệt khi con người trải qua biến cố lớn: sự sụp đổ tinh thần ngay tức thì, hoặc sự đóng băng cảm xúc kéo dài.
“Đó là cú sốc tinh thần cực kỳ lớn và tạo tiền đề cho những sang chấn tâm lý kéo dài như: rối loạn cảm xúc, trầm cảm, mất kiểm soát", chuyên gia Nguyễn Hồng Bách chia sẻ.
Bi kịch từ thiên tai hay các tai nạn giao thông, cháy nổ thường đến bất ngờ, như sau một đêm thức dậy cả ngôi làng bị đất đá chôn vùi, hay chuyến du lịch vui vẻ trở thành chuyến đi cuối cùng... "Tuyến tính của não bộ không đón đợi những điều ấy nên bi kịch xảy ra như một cú sốc cực mạnh và hậu quả đi kèm là khiến người còn sống bị dằn vặt rất lâu dài".
Vẽ lại chân dung của nỗi đau sau biến cố bất ngờ, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Viết Hiền - giảng viên trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) cho biết, sự phát triển sau sang chấn trải qua ba giai đoạn: tiếp nhận sự kiện chấn thương - xử lý nhận thức, ứng phó và tăng trưởng sau sang chấn.
"Tai nạn bất ngờ, mất mát quá lớn so với ngưỡng chịu đựng, cho nên ngay tại khoảnh khắc đó bị tê liệt hoặc xảy ra rất nhiều vấn đề mà não bộ không kịp và gây ra sang chấn", chuyên gia Nguyễn Viết Hiền phân tích và cho rằng, nếu không có kỹ năng ứng phó hoặc nhận được sự hỗ trợ tâm lý kịp thời, tổn thương sẽ tiếp tục đào xoáy trong tâm thức.
"Ví dụ, người từng trải qua đám cháy hay vụ đắm tàu, họ nghĩ đến sự kiện đó là họ đã bắt đầu có những triệu chứng về mặt cơ thể như tự nhiên tim đập nhanh, mồ hôi đổ ra, ù tai, đêm gặp ác mộng. Hay là việc họ nhìn thấy nước, xem tivi chiếu cảnh người đi tàu đi biển... tất cả những sự kiện đó hoàn toàn có thể gợi nhắc nỗi đau" - chuyên gia Nguyễn Viết Hiền phân tích, lúc này con người sẽ chuyển sang trạng thái rối loạn căng thẳng sau sang chấn - PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder). Việc điều trị cần khoảng thời gian đủ dài.
Vấn đề nghiêm trọng hơn ở trẻ nhỏ. Tổn thương ở tuổi thơ có thể âm thầm tạo ra nền tảng tinh thần rạn vỡ. Những đứa trẻ ấy lớn lên với mặc cảm mất mát, ký ức chấn động khó xóa mờ và câu hỏi không lời đáp.
"Tôi đặc biệt chú ý trong vụ lật tàu ở Hạ Long có người phụ nữ mất cả chồng, cả con, có cậu bé 10 tuổi mà đã mất cha mẹ và lời dặn cuối cùng của cha rằng hãy bám chắc và điều chỉnh nhịp thở đều, sẽ đọng lại mãi trong tâm trí em" - chuyên gia Nguyễn Hồng Bách nói với VOV2. Đây là lý do ngay trưa ngày 20/7 anh đã đăng bài viết lên mạng xã hội sẵn sàng hỗ trợ tâm lý miễn phí cho các nạn nhân và gia đình trong vụ chìm tàu kèm số điện thoại cá nhân.
"Một số người đã gọi đến tôi vì lo lắng người nhà của họ khó vượt qua cú sốc này", anh nói.
Sang chấn tâm lý không nhất thiết chính bản thân người trải nghiệm sự kiện đó mà việc nghe kể lại, đọc thông tin thì nỗi đau đã lây sang họ bằng con đường cảm xúc, quan sát và đồng cảm. Đó là hiện tượng tâm lý mang tên: sang chấn thứ cấp.
Khác với PTSD ở nạn nhân trực tiếp, sang chấn thứ cấp có thể xảy ra với phóng viên có mặt tại hiện trường để đưa tin, nhân viên cứu hộ, bác sĩ, tình nguyện viên, hoặc thậm chí là người dùng mạng xã hội – những người tiếp nhận cảm xúc dữ dội từ thảm họa thông qua hình ảnh, âm thanh, lời kể.
“Ngay cả khi chỉ chứng kiến hay nghe kể lại một biến cố, người ta vẫn có thể phát triển các triệu chứng tâm lý như mất ngủ, lo âu, suy nghĩ tiêu cực...", chuyên gia Nguyễn Viết Hiền cảnh báo.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền đặc biệt lưu ý những người có tiền sử rối loạn cảm xúc hoặc từng trải qua biến cố bất ngờ, trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ sau sinh, việc tiêu thụ tin tức bi kịch cũng khiến nỗi đau dội lại.
Vụ sạt lở làng Nủ tỉnh Lào Cai (năm 2024) đã cướp đi hàng chục sinh mạng chỉ trong một đêm. Nhưng dư chấn không dừng lại ở đó. Phóng viên Nguyễn Trường Sơn kể lại: “Khi rời khỏi hiện trường, tôi mang theo những hình ảnh quá thật, quá ám ảnh. Không phải vì tôi tận tay cứu người mà vì tôi chứng kiến ánh mắt của người chờ đợi, tiếng khóc ai oán trong đêm rừng vắng lặng và những phần thi thể rời rạc được đưa lên từ bùn đất”.
Tại đó, nhà báo Trường Sơn cũng nhận thấy trong các chiến sĩ trẻ đội cứu hộ, nhiều người lần đầu đưa thi thể phân hủy từ bùn lầy, gãy xương, rách da. Một số người vừa bốc thi thể xong đã nôn tại chỗ. "Tôi nghĩ rằng lực lượng đấy rất cần phải có những hỗ trợ hay tư vấn về tâm lý", anh nói.
Thạc sĩ Hiền gọi đây là “vết thương không có hình hài”. Ảnh hưởng của tác động tâm lý với bất kỳ đối tượng nào có thể chuyển sang triệu chứng bệnh thực thể. "Nghĩa là họ có những triệu chứng mà cơ thể giống như có bệnh lý về mặt thực thể và họ đã đi khám mắt, khám tai, huyết áp, tim mạch... nhưng đều không phát hiện ra vấn đề và cuối cùng khi điều trị tâm lý mới giải quyết được".
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Hương Trà, Trưởng khoa Xã hội học và phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: trong khi cộng đồng Việt Nam luôn thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thì truyền thông và mạng xã hội có thể vô tình kích hoạt sang chấn nếu không biết điểm dừng.
“Nếu như khai thác quá mức câu chuyện đau thương, trong đó nhân vật xuất hiện là trẻ em có thể biến trẻ em trở thành một cái biểu tượng bi kịch. Vô hình chung, các em nhỏ, người yếu thế có thể bị tổn thương tâm lý thứ cấp ở chỗ hình ảnh thông tin cá nhân của các em bị lộ lọt mà sau này các em không muốn nhớ đến”, bà Trà cảnh báo.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Bách cho biết, ở nhiều quốc gia, can thiệp tâm lý là một mắt xích bắt buộc trong quy trình ứng phó thiên tai, thảm họa. "Ở Nga, có hẳn mô hình tâm lý sau thảm họa, thường sau khi cứu hộ bao giờ cũng có hệ thống bác sĩ tâm lý, các chuyên gia tâm lý đi kèm để làm dịu lại những lo lắng, rối loạn tâm lý tức thời cho nạn nhân" - ông Bách chia sẻ.
Tuy nhiên, chúng ta chưa định nghĩa đúng vai trò của trị liệu tâm lý trong khẩn cấp. Nó luôn bị xem là "việc sau cùng", thậm chí là "xa xỉ" trong mắt quản lý thảm họa.
Hậu quả của sự thiếu vắng này không chỉ là cá nhân rối loạn cảm xúc mà còn là sự xuống cấp âm thầm của “sức khỏe xã hội”. Một xã hội tổn thương, im lặng và dồn nén.
"Con người cảm thấy vô vọng, trống rỗng, hoài nghi, mất niềm tin, không còn hứng thú và giảm chức năng xã hội" - thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền nhấn mạnh đến chất lượng cuộc sống bị suy giảm.
Các chuyên gia cho biết mô hình 2 cấp độ can thiệp: (1) Trị liệu nhóm (8–12 buổi, 10–15 người/buổi) mỗi phiên kéo dài 60-90 phút cho các trường hợp tổn thương vừa phải, giúp họ tìm lại kết nối xã hội, chia sẻ cảm xúc; (2) Trị liệu cá nhân dài hạn cho nạn nhân có dấu hiệu trầm cảm, ám ảnh, mất khả năng lao động hoặc rối loạn chức năng.
Đối với nạn nhân sau vụ lật tàu ở Hạ Long, chuyên gia Nguyễn Hồng Bách cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý diễn ra sau 10-15 ngày so với sự kiện mới đạt hiệu quả. "Họ đang ở cao trào cảm xúc, bức bối, dằn vặt và đau khổ đến tận cùng như một bức tường mà lúc này không thể xâm nhập được".
Vấn đề ở đây không chỉ là “có tâm” mà cần “có hệ thống”. Thạc sĩ Hiền gợi ý, Việt Nam cần một chiến lược chuyên nghiệp hóa việc hỗ trợ tâm lý sau thảm họa, gồm:
+ Đưa trị liệu tâm lý vào lực lượng cứu hộ chuyên trách có mặt tại hiện trường từ sớm.
+ Nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, nhất là các đối tượng như cán bộ tại địa phương, giáo viên, lực lượng cứu hộ cứu nạn
+ Phát triển mô hình trị liệu nhóm và cá nhân, kết hợp online – offline để tiếp cận nạn nhân đa dạng.
+ Xây dựng hành lang pháp lý, đưa “chăm sóc tinh thần” thành phần bắt buộc trong quy trình quản lý thiên tai.
Từ khóa: lật tàu , lật tàu hạ long, làng nủ, nạn nhân, sang chấn tâm lý,hỗ trợ tâm lý sau thiên tai,sức khỏe tâm thần
Thể loại: Xã hội
Tác giả: anh thu/vov2
Nguồn tin: VOVVN