Lập lại trật tự lòng đường vỉa hè TPHCM đừng như “bắt cóc bỏ đĩa”
Cập nhật: 28/02/2020
Liên kết tạo đầu ra bền vững cho nông sản miền núi tỉnh Khánh Hòa (27/11/2024)
Ngư dân-"cột mốc sống" trong bảo vệ chủ quyền biển đảo (26/11/2024)
VOV.VN - Nhiều lần ra quân xử phạt để lập lại trật tự lòng đường vỉa hè, nhưng sau một thời gian, buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè tại TP HCM lại như cũ.
Dạo một vòng qua các cung đường của TP HCM, từ trung tâm cho đến các quận, huyện ở ngoại thành, hình ảnh các quầy hàng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không còn xa lạ. Điển hình là các con đường Điện Biên Phủ (Quận Bình Thạnh); đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Lê Lai (Quận 1); đường Phạm Văn Đồng thuộc các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức... người dân vô tư bày bán các loại mặt hàng đồ ăn, thức uống lấn chiếm hết vỉa hè và tràn cả ra lòng đường.
Sau nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đườngvỉa hè vẫn không giảm (Quốc lộ 13, quận Bình Thạnh). |
Nhiều người buôn bán hàng rong ở vỉa hè cho biết, họ ý thức được việc làm của mình là sai nhưng vì mưu sinh nên làm liều. Anh Hoàng, quê Nghệ An, bán cháo lòng trên đường Điện Biên Phủ (Quận Bình Thạnh) nói: “Tôi vào đây cũng được gần 3 năm rồi. Việc buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè cũng biết là sai nhưng nếu không bán hàng thì lấy gì để sống”.
Chợ Bến Thành người dân vô tư dựng xe ở dưới lòng đường để mua hàng. |
Vấn đề lấn chiếm trật tự lòng lề đường vỉa hè đã tồn tại nhiều năm tạo nên một hình ảnh không đẹp, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị và khiến cho nhiều người dân bức xúc. Bà Nguyễn Nguyệt Ánh, người dân ở quận Bình Thạnh kiến nghị: “Chính quyền phải có biện pháp mạnh hơn để xử lý được việc buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè, chứ làm như hiện nay có cũng như không, không hiệu quả”.
Còn nhớ năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải, khi còn là Phó Chủ tịch UBND Quận 1, đã tạo nên một phong trào lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè và được nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ. Vào thời điểm đó, ở mọi nơi trên địa bàn TPHCM đều ra quân để lập lại trật tự lòng đường; các cơ quan nhà nước và nhiều người dân đã tự nguyện tháo dỡ những công trình xây dựng lần chiếm lòng đường vỉa hè, nhiều con đường của TPHCM đã không còn hình ảnh bán hàng rong, đậu xe lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Để đảm bảo cuộc sống cho những người bán hàng rong, TPHCM cũng đã xây dựng một số tuyến phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, công viên Bách Tùng Diệp (Quận 1)… và đến nay vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, người dân lại vô tư buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè.
Ngã tư đường Trương Định giao với đường Nguyễn Du (quận 1). |
Về vấn đề này, PGS - TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cho rằng: việc buôn bán ở lòng đường vỉa hè đã là tập quán lâu đời của người dân Việt Nam. Đa số những người buôn bán ở lòng đường vỉa hè là người nghèo nên để việc dọn dẹp và lập lại trật tự lòng đường vỉa hè thành công thì phải tạo được công ăn việc làm cho người nghèo và như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Còn việc ra quân lập lại trật tự lòng đường vỉa hè của các cơ quan chức năng của TPHCM hiện nay chỉ giải quyết được phần nổi của vấn đề. Vì thế nên sau mỗi lần ra quân xong thì lại tái diễn tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường.
PGS. TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng nếu cứ kiểu làm “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay thì vừa mất công, mất sức lại không giải quyết được tận gốc vấn đề
“Theo thống kê của TPHCM có 74% người dân làm ăn tự do và làm ăn cá thể. Đã làm ăn cá thể, tự do thì luôn không ổn định. Bây giờ dẹp bỏ việc buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè là rất khó và những người này lấy gì để sinh sống. Vấn đề ở đây là phải tổ chức quan tâm đến đời sống người lao động tự do và có thể tổ chức theo độ dài của con phố, con đường có dịch vụ ăn uống tức thời để đảm bảo trật tự lòng lề đường, vỉa hè và mỹ quan đô thị”.
Hàng quán vây kín một góc cổng Thảo Cầm Viên (đường Lê Duẩn, quận 1). |
Còn Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM cho rằng việc xử phạt người dân buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè mới chỉ mang tính hình thức, không có giá trị răn đe, nên người dân sau khi bị xử phạt xong vẫn quay lại buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè như cũ. Ông Cương đề nghị TP HCM cần nghiên cứu luật hóa vấn đề buôn bán lấn chiếm lòng đường vỉa hè để tránh tình trạng khi chỗ này ra quân lập lại trật tự lòng đường vỉa hè thì người dân lại chạy qua chỗ khác buôn bán như hiện nay. Cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo trật tự lòng đường vỉa hè.
Người mua hàng và người bán hàng vô tư lấn chiếm lòng đường (đường Điện Biên Phủ, hướng lên trung tâm TP HCM). |
“Lâu nay người ta buôn bán hàng rong, bình thường không có quy định và không cấm thì người ta được buôn bán và bây giờ cấm có nghĩa là cắt nguồn sống của những người đang buôn bán hàng rong. Như thế phải có chỗ nào khác để cho người ta buôn bán để người ta kiếm sống thì mới giải quyết dứt điểm được”, Tiến sĩ Võ Kim Cương nói.
Rõ ràng, để hướng đến một TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, việc lập lại trật tự lòng đường vỉa hè là cần thiết. Nhưng các cơ quan chức năng cũng cần có một phương án phù hợp để giải quyết dứt điểm được tình trạng này tránh tình trạng xử lý kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” như hiện nay./. Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cuối năm, chính quyền làm ngơ?
Từ khóa: lập lại trật tự, lòng đường vỉa hè TP HCM, bắt cóc bỏ đỉa
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN