Lão nông gần 20 năm đội đơn đi: Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đánh đố nông dân
Cập nhật: 22/10/2019
Dự thảo luật nhà giáo cần tạo cho nhà giáo sự phấn khởi, được tôn vinh
Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và suy yếu, miền Trung sắp có mưa lớn
VOV.VN -Vụ án lão nông gần 20 năm đi tìm công lý đang đặt ra câu hỏi là liệu Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đánh đố nông dân hay không?
Trong bài viết trước, nhóm phóng viên VOV đã lần theo diễn tiến của một vụ án hy hữu “5 lần mở tòa mất 19 năm vẫn chưa giải quyết xong một vụ án”. Nguyên đơn là ông Trần Hữu Sỹ (trú tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã theo đuổi vụ Tranh chấp hợp đồng nhận khoán hồ vườn ươm với Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai từ khi ông 59 tuổi, nay ông đã sang tuổi 78 mà vụ án này vẫn chưa được giải quyết xong.
Ông đã phải bán cả nhà, cả đất đai, ruộng vườn để theo hầu kiện nhưng đổi lại ông vẫn chưa thấy công lý. Bởi vì, công sức tiền của bỏ ra cải tạo hồ, thả cá cách đây 22 năm cứ teo tóp rồi biến mất khỏi bản án của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã tuyên ngày 3/10 vừa qua.
Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đánh đố nông dân?
Về vụ án Tranh chấp hợp đồng nhận khoán hồ vườn ươm giữa ông Trần Hữu Sỹ và Lâm trường Mã Đà (nay là Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai), năm 2010, Tòa án Nhân dân Tối cao có Quyết định Giám đốc thẩm số 828/2010/DS-GĐT hủy hai bản án phúc thẩm số 269/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và bản án sơ thẩm số 100/2006/DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu. Quan điểm của Tòa án Nhân dân Tối cao là phải bảo đảm quyền lợi của đương sự về các khoản tiền đầu tư, cải tạo hồ, tiền mua cá thả nuôi…
Trại cá từng bán cá giống và tư vấn kỹ thuật nuôi cho ông Sỹ. |
Thế nhưng, sau 8 năm thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án vào ngày 3/10 vừa qua, thì bản án số 05/2019 DS-ST của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã đi ngược lại hướng dẫn xét xử của Tòa án nhân dân Tối cao, quyền lợi của nguyên đơn cũng không được đảm bảo.
Theo bản án mới đây của Tòa án huyện Vĩnh Cửu thì, căn cứ chứng thư thẩm định của Công ty cổ phần thẩm định giá và tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới, ông Trần Hữu Sỹ được hoàn trả 1 tỷ đồng chi phí đắp đập chia hồ; 201 triệu đồng chi phí dọn chà và san ủi mặt bằng; 3 cái lán trại có trị giá hơn 21 triệu đồng.
Tổng cộng số tiền mà Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai phải hoàn trả cho ông Sỹ là hơn 1,231 tỷ đồng. Tòa tuyên do việc chấm dứt hợp đồng không phải lỗi của Lâm trường nên bị đơn không phải chịu tiền lãi.
Về yêu cầu hoàn trả số tiền thả 3 triệu con cá bột, 650kg cá thịt, tòa cho rằng, vì thời điểm mua cá, ông Sỹ không có hóa đơn mua bán, việc ươm cá bột thành cá con tỷ lệ hao hụt bao nhiêu? Thời điểm thả cá không thông báo cho lâm trường biết nên không có căn cứ để hoàn trả tiền mua cá.
Trước phán quyết của tòa án, ông Trần Hữu Sỹ - người theo đuổi vụ kiện gần 20 năm nay, rất bức xúc: “Công sức tôi bỏ ra cải tạo, tiền của bỏ ra cải tạo, chẳng lẽ cải tạo hồ để chơi, không thả cả. Tôi làm đẹp cho Lâm trường Mã Đà, đến bây giờ tòa tuyên là trả tiền vốn cho tôi, không tính tiền lãi. Tòa xử ép tôi quá”.
Theo ông Trần Đình Dũng – Luật sư Công ty Luật Đông Pháp thì việc không xem xét hoàn trả tiền mua cá là Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đi ngược lại với quan điểm của Tòa án tối cao. Đồng thời, trong vụ án này, ngay khi làm đơn khởi kiện, ông Trần Hữu Sỹ đã yêu cầu trả lãi suất theo ngân hàng, nhưng tòa không xem xét là thiếu sót.
Nghĩa vụ thanh toán số tiền hoàn trả cho ông Sỹ phải thực hiện sau khi hai bên dừng hợp đồng từ năm 2000, nhưng từ đó đến nay bị đơn vẫn chưa thanh toán cho nguyên đơn nên phải có trách nhiệm bồi thường lãi suất. Tòa án cấp sơ thẩm không tính toán khoản tiền này cho nguyên đơn là đã tước đi quyền lợi chính đáng của nguyên đơn.
Ông Trần Đình Dũng – Luật sư Công ty Luật Đông Pháp. |
Về việc tính số tiền cá, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 3/10, kiểm sát viên Nguyễn Tất Đắc cũng đưa ra quan điểm cho rằng, cần phải xem xét các mặt tổng thể như: Tổng số tiền ông Sỹ đầu tư vào cải tạo hồ nuôi cá là bao nhiêu? Mua cá giống của ai? Trong thời gian nào? Số lượng bao nhiêu? mật độ chủng loại cá thả thế nào? Lượng thức ăn nuôi cá là gì, mua ở đâu?Ai là người chăm sóc cá? Kết quả chăm sóc cá như thế nào? Xác định tỷ lệ hao hụt cá là bao nhiêu? Trọng lượng các loại cá như thế nào? Căn cứ để xác định trọng lượng các và giá thành là bao nhiêu?... Theo quan điểm của Viện Kiểm sát thì tòa đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong xác minh, thu thập chứng cứ.
Hồ sơ vụ án đều có xác nhận là, năm 2017, Trại sản xuất và bán sỉ - lẻ các loại cá giống Bàu Cá 2 đã bán cho ông Trần Hữu Sỹ 650kg cá với giá 25 triệu đồng; Trại cá giống Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương bán cho ông Sỹ 3 triệu con có bột với giá 4,5 triệu đồng. Thế nhưng, khi đưa ra phán quyết, thẩm phán Nguyễn Xuân Quang cho rằng, cần phải có hóa đơn mua bán thì mới có căn cứ để xem xét.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý, việc yêu cầu phải có hóa đơn cho một giao dịch cách đây 22 năm thì không khác nào tòa đang đánh đố đương sự. Và từ thực tế của vụ án, từ quan điểm của Viện kiểm sát như trên nhưng Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu vẫn tuyên bản án gây bất bình dư luận như vậy phải chăng là quá vội vàng (?!).
VOV sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này./.
Năm lần mở tòa mất 19 năm vẫn chưa giải quyết xong một vụ án
Từ khóa: lão nông gần 20 năm đi tìm công lý, khiếu kiện kéo dài, kiện tụng, tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN