Lão nông dành hơn 1/2 thế kỷ sưu tầm ảnh Bác Hồ
Cập nhật: 21/05/2021
Khởi công dự án tu bổ, cải tạo Cụm di tích Quốc gia Chùa Trầm
Vietnam welcomes nearly 17.6 million foreign tourists in 2024
[VOV2] - Trong căn phòng đó lưu giữ 300 bức ảnh được ông Cao sưu tầm theo thời gian và mốc sự kiện từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đến những giây phút cuối đời của Người.
Ở xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có một địa chỉ lưu giữ hàng trăm bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh do lão nông Trần Văn Cao dày công sưu tầm. Không gian này không chỉ là nơi lưu giữ hình ảnh về Bác mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, lan tỏa tình yêu và tinh thần học tập, làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
300 bức ảnh về Bác Hồ
Hà Nội có nhiều địa chỉ đỏ lưu dấu nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dừng chân, sống và làm việc như: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; di tích 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) - nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn độc lập; nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) - nơi Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Khu di tích K9 (huyện Ba Vì) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và T.Ư làm việc trong giai đoạn chiến tranh.
Tuy nhiên, cách Hà Nội hơn 20km, có một căn phòng nhỏ đang lưu giữ hơn 300 bức ảnh về Bác ít được mọi người biết đến có tên “Phòng lưu niệm ảnh Bác Hồ” do lão nông Trần Văn Cao (85 tuổi, thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) dày công xây dựng.
Trong căn phòng trưng bày của ông Cao, ngoài chiếc bàn uống nước, kệ để ti vi thì điểm nhấn chính là hình ảnh về Bác Hồ và một vài bức tranh do chính tay ông Cao vẽ những địa danh như Bến Nhà Rồng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn Bác Hồ.
Hỏi chuyện về những bức hình của Bác được treo trang trọng trong nhà, ông Cao chia sẻ, đó là hình ảnh do ông, bà để lại. Từ khi còn nhỏ, ông Cao đã thấy những hình ảnh này trong nhà. Hàng chục năm trôi qua, ông vẫn lưu giữ đó như một kỷ vật của thế hệ đi trước.
Nhớ lại thời gian trước đây, ông Cao kể, mình cũng giống như bao người nông dân khác ở thôn Đại Phẩm (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ), hàng ngày vẫn phải lao động, vất vả để mưu sinh. Cuộc sống khó khăn, phải tiết kiệm để nuôi 4 người con ăn học, đến năm 2003, ông Cao mới có điều kiện sửa chữa căn nhà đang ở. Căn nhà mới có 3 tầng, ông cao dành riêng tầng thượng để xây “Phòng lưu niệm Bác Hồ”.
Trong căn phòng đó lưu giữ 300 bức ảnh được ông Cao sưu tầm về Bác theo thời gian và mốc sự kiện từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đến những giây phút cuối đời của người. Ông Trần Văn Cao chia sẻ: “Sau khi về hưu, tôi vẫn cấy lúa, trồng khoai. Trong khoảng thời gian đó, có lúc vất vả nhưng tôi vẫn còn thời gian rảnh tâm niệm nghĩ về Đảng, về Bác Hồ. Vì thế, đi đâu, làm gì tôi cũng để ý xem nơi nào có ảnh về Bác. Nếu có, tôi cố gắng sưu tầm. Ngoài ra, lúc nào có thời gian, tôi lại xem ti vi, đọc báo để tìm tư liệu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác”.
Kể câu chuyện về Bác
Bước vào “Phòng lưu niệm Bác Hồ”, ai cũng ngỡ ngàng vì số lượng ảnh và hơn hết là sự tôn kính, tình yêu mà lão nông Trần Văn Cao dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ 300 bức ảnh về Bác được ông Cao đóng khung, treo leo tường một cách tỉ mỉ. Hình ảnh trong “Phòng lưu niệm Bác Hồ” chia làm 3 phần.
Phần một là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX khi thực dân Pháp xâm lược. Phần này, ông Cao có nhiều hình ảnh về những năm 1930, Bác thành lập Đảng; năm 1941, chiến tranh thế giới diễn ra, Bác về Việt Bắc xây dựng Đảng, lãnh đạo cách mạng toàn quốc kháng chiến. Phần hai, hình ảnh tập trung vào nội dung miền Bắc độc lập tự do; Bác Hồ lãnh đạo cuộc chiến tranh 20 năm đánh Mỹ. Phần ba, nhiều hình ảnh minh họa về việc cả nước học tập, làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong “Phòng lưu niệm về Bác Hồ”, ngoài 300 bức ảnh về Bác, ông Cao còn lưu giữ một cuốn sổ được ông đặt tựa đề: “Sử Ca - câu chuyện lịch sử Việt Nam - Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam”. Cuốn “Sử Ca” lưu giữ 1.456 câu thơ lục bát viết về Bác do ông thực hiện trong hơn 10 năm.
Toàn bộ 1.456 câu thơ được ông Cao đọc thuộc lòng và ông luôn mong muốn được đọc bản sử ca đó cho mọi người cùng nghe. Bài thơ có viết: Bác Hồ lãnh tụ tài tình/ Hy sinh đời mình vì nước vì dân/ 30 năm lặn lội xa gần/ Tìm đường cứu nước cho dân nước nhà/ Lúc này tuổi Bác đã già/ Tuổi già Bác vẫn xông pha chiến trường. Ông Trần Văn Cao chia sẻ: “Tôi mất một năm để lên được mô hình như thế này nhưng quá trình rất lâu. Tôi vừa lao động, vừa nghĩ xem mốc thời gian này như thế nào để viết vào thơ, rồi tìm hình ảnh minh họa cho cuộc đời của Bác lúc bấy giờ”.
Trước khi rời “Phòng lưu niệm Bác Hồ”, ông Cao chia sẻ: “Tôi làm căn phòng này trước là vì tâm niệm của bản thân nhưng sau đó cũng muốn để lại cho con cháu sau này. Và hơn nữa, tôi muốn nhiều người học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
(Theo Kinhtedothi.vn)
Từ khóa: Trần Văn Cao, 300 bức ảnh, Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại Yên
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2