Lao động Việt Nam tại nước ngoài đón Tết qua “truyền hình trực tiếp”
Cập nhật: 24/01/2020
Cụ ông 103 tuổi hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ não nhờ đến viện sớm
Bình Thuận phân bổ gần 300 tỷ cho chương trình mục tiêu quốc gia
VOV.VN - Thời khắc giao thừa, khi khắp nơi đang rộn ràng không khí Tết, nhiều lao động ở nước ngoài phải cất nỗi nhớ nhà, miệt mài làm việc nơi xứ người.
Tết là sum họp là đoàn viên, dù làm ăn xa xứ, dù sang hay nghèo, giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bất cứ ai cũng muốn được ở bên gia đình. Đêm giao thừa, khi năm mới đang cận kề, đất trời giao hòa, khi mọi người đang quây quần bên mâm cơm tất niên, lại có không ít lao động Việt Nam nơi xứ người vẫn đang miệt mài trong các công xưởng, nhà máy mưu sinh.
Đã 4 năm, Đỗ Ngọc Thảo (Bình Thuận) chưa được đón Tết cùng gia đình. Giao thừa của chàng trai 27 tuổi là những buổi làm tăng ca miệt mài tại công ty, có năm là trên máy bay trên đường đi công tác.
Để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, Đỗ Ngọc Thảo (bên trái) thường cùng bạn bè ăn Tết bên Nhật để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. (Ảnh: NVCC) |
“Đây là năm thứ 4 em đón Tết xa quê. Dù đã dần quen với cuộc sống bên Nhật, nhưng nỗi nhớ nhà đêm Giao thừa thì vẫn chưa thể quen. Người Nhật không ăn Tết Nguyên đán, mọi công việc vẫn diễn ra như thường nhật. Thời điểm này, công việc bận rộn, nhiều khi còn không có thời gian gọi điện về quê cho mẹ. Nhiều năm, tối 30 Tết mẹ gọi qua facebook khoe ở nhà gói bánh chưng, cùng quây quần bên mâm cơm tất niên, lúc nói chuyện thì rất vui, nhưng khi tắt máy rồi, lại thấy nhớ nhà da diết. Là con trai, đã cố kìm lòng, nhưng nhiều khi em vẫn không thể nén được nước mắt, khóc nức nở vì nhớ nhà. Lúc ấy em cũng không dám gọi về nhà, mẹ có gọi lại cũng tắt đi vì không muốn mọi người ở nhà phải buồn”, Thảo kể.
Thảo chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học, Thảo được một công ty Nhật Bản mời làm việc. Đây cũng là lần đầu tiên Thảo sống ở nước ngoài. Nhớ lại năm đầu tiên ăn Tết xa quê, không chỉ là sự bỡ ngỡ, nhớ nhà mà còn là nỗi cô đơn khó tả.
“Vì sống ở miền Nam, quanh năm thời tiết nóng bức, không quen với khí lạnh, nên năm đầu tiên sang Nhật, em thường xuyên bị ốm. Khi ấy, tiếng Nhật còn chưa thạo, lại ở khu toàn người Nhật, đúng dịp Tết ở Việt Nam thì em bị ốm. Khi mọi người ở nhà gửi ảnh đón Tết, một mình ở phòng trọ tự loay hoay với thuốc thang. Thậm chí, khi đến phòng khám, nhưng cũng chưa biết phải nói sao cho bác sĩ hiểu về bệnh tình của mình”, Thảo kể.
Lại có năm, phải đi công tác ở vùng nông thôn đúng dịp Tết, sóng và mạng internet đều rất chập chờn, tối 30 Tết, khi vừa xong việc, Thảo phải bắt xe bus đi hơn 30 km ra khu vực thành phố để kịp gọi điện về cho gia đình lúc Giao thừa.
Thảo kể, để vơi đi nỗi nhớ nhà, dịp Tết Nguyên đán, nếu công ty cho nhân viên đăng ký làm tăng ca, năm nào Thảo cũng xung phong đầu tiên, bởi công việc bận rộn sẽ phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Làm giúp việc gia đình gần 15 năm năm tại đảo Síp, chị Nguyễn Thị Hương (45 tuổi, Hải Dương) chưa một lần được về quê ăn Tết. Năm nào cũng vậy, ngày gần Tết, những cuộc gọi trực tiếp từ nhà sang lại càng nhiều hơn, ấy cũng là khi nỗi nhớ nhà lại đong đầy hơn bao giờ hết.
“Ngày Tết, gọi điện về nhà, các con lại háo hức đi từng ngóc ngách để khoe từng cây quất, cành đào, nồi bánh chưng, chiếc áo mới vừa mua được rất ưng ý. Có khi nó chạy quanh xóm, để mẹ được xem ở nhà đón Tết ra sao. Đi làm hơn 10 năm, cũng chỉ được về nhà vài lần, nhưng chưa bao giờ được về ngày Tết. Càng gần đến Tết lại càng thấy tủi thân. Bản thân mình cũng chăm sóc cụ già, trẻ nhỏ. Nhưng bố mẹ già ở nhà ngày Tết vẫn lủi thủi một mình vì con cái đi làm xa”, chị Hương ngậm ngùi kể.
Trần Thị Hoa, sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, từng tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội, sau khi ra trường, Hoa làm việc cho một công ty nhỏ ở Hà Nội, mức lương chỉ lẹt đẹt vài ba triệu, không đủ trang trải cuộc sống, Hoa quyết định cất bằng đại học, sang Nhật xuất khẩu lao động. Đây là năm đầu tiên cô gái 24 tuổi ăn Tết xa quê. Hoa chỉ có thể đón Tết qua những cuộc điện thoại chóng vánh, những bức ảnh, hay những cuộc gọi video qua facebook, zalo với gia đình.
Hoa chia sẻ, được nghiệp đoàn sắp sếp ở cùng với những lao động khác cùng ở miền Bắc, cũng có vài người ở Hải Dương, những ngày giáp Tết, mọi người lại quây quần rủ nhau mua bánh chưng, măng miến, nấu cỗ Tết. Vì vẫn phải đi làm, nên những bữa cơm Tất niên, hay mừng năm mới được diễn ra sớm hơn 1 ngày. Dù những món ăn không ngon như ở nhà, giá lại đắt, nhưng mọi người vẫn góp tiền mua để có không khí Tết.
Mỗi người mỗi công việc, mỗi đất nước khác nhau, nhưng bất cứ lao động xa xứ nào cũng luôn mong ngóng, hướng về quê hương, nhất là dịp Tết đến xuân sang./.
Người Việt ở Mỹ đón Tết xa xứ, bồi hồi nhớ quê hương
Từ khóa: tết xa quê, xuất khẩu lao động, lao động ăn Tết xa quê, truyền hình trực tiếp
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN