Lao đao vì Covid-19, quốc đảo Thái Bình Dương “bán” hộ chiếu

Cập nhật: 21/08/2020

VOV.VN - Kinh tế lao đao vì Covid-19 cùng với hậu quả cơn bão Harold, nhưng việc “bán hộ chiếu” vẫn giúp quốc đảo Thái Bình Dương có nguồn tài chính ổn định.

Thặng dư nhờ bán hộ chiếu

Nhu cầu hộ chiếu Vanuatu gia tăng đã đem lại nguồn thặng dư chưa từng thấy, giúp quốc đảo Thái Bình Dương này có tiền chi cho các gói cứu trợ Covid-19 cũng như khắc phục hậu quả cơn bão cấp 5 Harold hồi tháng 4 vừa qua.

lao dao vi covid-19, quoc dao thai binh duong "ban ho chieu" hinh 1
Thủ đô Port Vila của Vanuatu. Ảnh: Getty

Gần như mọi mặt của nền kinh tế vốn đã mong manh đều lao đao vì cuộc khủng hoảng kép: đại dịch Covid-19 và cơn bão Harold cấp 5 hồi tháng 4/2020, nhưng Vanuatu vẫn đạt thặng dư 3,8 triệu vatu (33,3 triệu USD) trong nửa đầu năm 2020.

Phần lớn số tiền thặng dư này là nhờ nguồn thu từ chương trình “bán quyền công dân” gây tranh cãi.

Theo số liệu cập nhật tài khóa, kinh tế nửa đầu năm, doanh thu từ các chương trình liên quan đến quyền công dân của Vanuatu đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 6, chính phủ Vanuatu thu được 62,6 triệu USD, tương đương 80% mục tiêu doanh thu của chương trình cho cả năm.

Chương trình bán hộ chiếu này hiện vẫn đang được đẩy mạnh. Chủ tịch Ủy ban quyền công dân Ronald Warsal nói với Vanuatu Daily Post rằng, tính đến giữa tháng 8/2020, doanh thu từ hoạt động này đã đạt mức 84,6 triệu USD, vượt chỉ tiêu của cả năm.

Để có được hộ chiếu Vanuatu, “người mua” phải chi khoảng 130.000 USD. Chính phủ sẽ thu về khoảng 80.000 USD trong số này, phần còn lại là của các chủ đại lý – vốn phải là người sinh ra ở Vanuatu hoặc là công dân có quốc tịch Vanuatu, và người này sẽ phải nộp 15% thuế trên khoản doanh thu còn lại.

Các con số kể trên cho thấy, ít nhất 650 người đã được nhận quyền công dân Vanuatu theo chương trình này kể từ đầu năm tới nay.

lao dao vi covid-19, quoc dao thai binh duong "ban ho chieu" hinh 2
Hộ chiếu Vanuatu. Ảnh: The Guardian

Hộ chiếu Vanuatu được nhiều người mong muốn vì được miễn thị thực vào EU, Anh, Nga, và Hong Kong (Trung Quốc), và các nước khác.

Các dữ liệu về di cư trước đại dịch Covid-19 cho thấy, ngay cả khi các nước vẫn đang mở cửa biên giới, cũng chỉ có ít người sử dụng hộ chiếu mới để thực sự cư trú ở Vanuatu.

“Dư dả” tiền cứu trợ và trả nợ

Đảng Vanua’aku của Thủ tướng Bob Loughman đã từng cam kết sẽ xem xét lại chương trình về quyền công dân này trong chiến dịch tranh cử.

Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 3/2020, Thủ tướng Loughman chỉ định ông Warsal, một cựu nghị sỹ trong đảng cầm quyền, vào Ủy ban phụ trách quyền công dân.

Ông Warsal đã tiến hành đánh giá lại chương trình bán hộ chiếu và nói rằng, doanh thu từ chương trình này là thiết yếu đối với chính phủ, giúp đem lại nguồn ngân sách để đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như khắc phục hậu quả do bão Harold vốn đã ảnh hưởng đến hơn 100.000 người hồi tháng 4/2020.

Trước năm 2002, du lịch và các dịch vụ liên quan chiếm phần lớn các hoạt động thương mại ở 2 thành phố lớn nhất của Vanuatu. Tuy nhiên, việc đóng cửa để ngăn dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động này gần như tê liệt. Bên cạnh đó, thiệt hại do bão Harold cũng ước tính lên tới 100 triệu USD.

Kể từ khi bắt đầu “bán" hộ chiếu năm 2016, dự trữ tiền mặt của Vanuatu tăng cao từng thấy, cho phép chính phủ nước này có thể trang trải phần lớn số nợ nội địa và thậm chí trả nợ nước ngoài sớm hơn dự kiến. Đầu năm nay, Vanuatu đã trả nợ 13 triệu USD cho Trung Quốc trước hạn.

Gói cứu trợ Covid-19 của chính phủ cũng trở nên khả thi nhờ nguồn dự trữ tiền mặt này./.

Từ khóa: quốc đảo thái binh dương, Vanuatu, bán hộ chiếu, Covid-19

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập