VOV.VN - Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: “Đối với lực lượng công an, từ xưa đến nay, cho đến giờ phút này, làm sao dân tin là chúng ta thắng lợi. Chúng tôi đã cố gắng bám dân, hiểu dân, làm cho dân tin vào lực lượng công an cũng như các cấp chính quyền".
Những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi, những học trò nghèo luôn mơ về bữa cơm có thịt... đã được vòng tay ấm áp của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La chở che, bao bọc. Đó là kết quả của những Đề án, Dự án đặc biệt, riêng có của Công an Sơn La, được lên ý tưởng, triển khai ngay sau những chuyến công tác về với cơ sở, với bà con.
Không chỉ trở thành chỗ dựa cả về tinh thần, vật chất cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những Đề án, Dự án nhân văn đã giúp Công an Sơn La thêm gắn kết, gần gũi với đồng bào các dân tộc, lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nơi phên dậu của Tổ quốc
Con nuôi của Công an Sơn La
Được đánh thức bởi tiếng chuông báo và giọng nói quen thuộc, những người “con nuôi” của các cán bộ, chiến sĩ Công an Sơn La cùng nhau bắt đầu một ngày mới. “Ngôi nhà chung” của 36 người con được đặt trong trụ sở Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Sơn La. Trong một không gian “thấm” chất lính, những đứa trẻ háo hức học cách gấp từng chiếc chăn sao cho vuông vắn; cùng nhau sắp xếp phòng ở, góc học tập gọn gàng và chuẩn bị hành trang đến trường...
Không gian ấm áp này đã giúp Lò Lệ Quyên, xã Mường Hung, huyện Sông Mã (Sơn La) - cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình... “Bố mất từ lúc em 1 tuổi, còn mẹ mất từ năm em lớp 5. Gia đình em thuộc hộ nghèo, ông bà già cực khổ quá nên em được lên đây ở với mọi người. Rất nhiều lúc em cảm thấy nhớ nhà, các cô luôn ở cạnh động viên, giúp em vượt qua nỗi nhớ và dành tất cả tình yêu thương cho bọn em...” – Quyên nói.
Tình yêu thương ấy cũng đã xoa dịu và lấp đầy những khoảng trống tâm hồn, viết tiếp ước mơ tưởng chừng dang dở. Em Lò Văn Đan, huyện Thuận Châu tâm sự: "Em xuống đây thấy có nhiều bạn, em rất vui. Từ khi vào ở đây, các cô cho em đi học, nấu cơm cho em ăn, được vui chơi với các bạn..."
“Vào năm học mới, các cô đưa đi mua sách vở, cặp sách, giày dép mới, em cảm thấy rất là vui và em rất thích ở đây vì được các cô chú chăm sóc mình như con ruột. Em sẽ cố gắng học tập và thi vào đại học để thực hiện ước mơ của em được trở thành một cô công an” - Sồng Thị Dua, huyện Vân Hồ, Sơn La chia sẻ.
Là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các con, chị Nguyễn Thị Thủy, phòng Hậu cần Công an tỉnh Sơn La không thể quên hình ảnh và cảm xúc đặc biệt những ngày đầu tiên các con được đón về: “Các cháu gầy gò, có cháu cao 1m60 nặng 32kg, xanh xao, nghĩ thương... Chúng tôi cũng tự nhủ, thôi mình cố gắng hết sức để chăm lo cho các cháu.”
Từ 4 cô bé, cậu bé đến vào tháng 8/2021, qua từng năm, “ngôi nhà chung” lại đón thêm những thành viên mới. Đây đều là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có người nuôi dưỡng, không có nhà cửa do cha mẹ mất sớm, nghiện ma túy hoặc đang chấp hành án phạt tù, bị bỏ rơi trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La.
Ngược dòng thời gian về những ngày tới cơ sở nắm tình hình, Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền, Phó trưởng Ban Thanh niên, Phụ nữ, Công an tỉnh Sơn La bồi hồi kể lại: Ngôi nhà của các con có lẽ không thể gọi là nhà, đó phải nói là một túp lều, không đồ đạc gì có giá trị. Và có lẽ hình ảnh mà không bao giờ chúng tôi quên đó là nồi cơm của các con, một nồi cơm trắng, không rau, không thịt. Các con mồ côi cả cha lẫn mẹ nên phải tự chăm sóc, tự bảo vệ nhau...
“Hình ảnh ấy đã thôi thúc chúng tôi phải đón các con về, chúng tôi sẽ là điểm tựa cho các con, sẽ thay cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo ban các con; làm thế nào để sau này các con được học hành, trở thành những người có ích cho xã hội.” – Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền nói.
Sau hơn 2 năm triển khai Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La”, Công an tỉnh đã tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng 36 trẻ em, hỗ trợ 12 trẻ tại địa phương.
Các cháu được nuôi dưỡng, chăm sóc, học tập theo độ tuổi, cấp học đến năm đủ 18 tuổi với nguồn kinh phí được xã hội hóa từ việc ủng hộ, đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Năm học 2022 – 2023, 100% các cháu đều lên lớp, nhiều cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi; tích cực rèn luyện, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa ở trường học và môi trường sống có kỷ luật của lực lượng Công an.
Ông Phạm Thế Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng An, thành phố Sơn La – một trong những ngôi trường mà các “con nuôi” của Công an Sơn La đang theo học, chia sẻ: “Khi đón các con về, việc học tập của các con còn chênh lệch với học sinh địa bàn phường Chiềng An, giao tiếp cũng khó khăn. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm giúp đỡ các em, có những buổi tăng cường phụ đạo. Đến nay, các con cũng đã hòa nhập được với các bạn.”
Một “Đề án” nhân văn không chỉ cho những đứa trẻ một mái ấm với những bữa cơm no, chiếc áo mới, môi trường giáo dục tốt; mà đã, đang và sẽ là nơi lan tỏa yêu thương, chắp cánh những ước mơ.
Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền, Phó trưởng Ban Thanh niên, Phụ nữ, Công an tỉnh Sơn La chia sẻ: “Chúng tôi biết các con đều là những đứa trẻ hết sức thiếu thốn tình cảm. Mỗi tuần chúng tôi dành từ 2 – 3 buổi vào kèm các con học tập, vừa động viên tinh thần, nắm tâm tư các con; dạy các con những kỹ năng sống cần thiết, cách chăm sóc bản thân, chăm sóc cho các bạn, đặc biệt là biết yêu thương và lan tỏa tình yêu thương đến mọi người xung quanh.”
“Đoàn thanh niên Công an tỉnh có một dự án là kêu gọi các sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho đến năm 18 tuổi để hỗ trợ cho các em sau này có thể tiếp tục học tiếp hoặc học nghề. Đến nay đã kêu gọi được 11 sổ, trị giá 110 triệu đồng.” - Trung úy Dương Hải Anh, cán bộ Ban Thanh niên, Phụ nữ, Công an tỉnh Sơn La nói.
“Nuôi em” trên rẻo cao, biên giới
Hơn 8.000 trẻ mầm non ở các điểm trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới của tỉnh Sơn La được nuôi cơm trưa, với tổng giá trị tài trợ, huy động nguồn lực hơn 11 tỷ đồng của Dự án “Nuôi em Mộc Châu”.
18 điểm trường, 2 nhà nội trú và 7 ngôi nhà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xây mới từ nguồn lực huy động của Dự án “Hạnh phúc cho em”.
Một bữa cơm có thịt tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là mơ ước của biết bao trẻ mầm non ở các điểm trường lẻ không có chế độ nấu ăn bán trú. Dự án “Nuôi em Mộc Châu” đã đem đến cho những đứa trẻ bữa cơm no và giúp vơi bớt phần nào gánh nặng kinh tế của các gia đình.
Là cha của 3 người con được nuôi cơm trưa từ Dự án “Nuôi em Mộc Châu”, anh Tráng Láo Dia, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu chia sẻ: “Các cháu đến lớp có bánh, có sữa, đặc biệt là bữa trưa có Dự án nuôi các cháu. Bố mẹ không phải lo cho các cháu bữa trưa để đi học nữa.”
Với mức hỗ trợ bữa ăn trưa là 6.800 đồng/em, số tiền nuôi cơm trưa gần 1,5 triệu đồng/ em/ năm... các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã giúp hàng nghìn trẻ mầm non có những bữa cơm canh nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng, dẫn lối các em đến trường.
Chị Nguyễn Ngọc Mai, huyện Mộc Châu, “chị nuôi” của các em nhỏ, chia sẻ: “Tôi biết đến Dự án qua Facebook, thấy đây là một dự án ý nghĩa, nên tôi đã trích lại một phần tiền từ thu nhập của mình để hỗ trợ nuôi một em. Hi vọng qua dự án sẽ có thêm nhiều em nhỏ có cơ hội được đến trường, được ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh.”
Mục tiêu với dự án “Nuôi em Mộc Châu” là hỗ trợ toàn bộ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La, theo thống kê khoảng 14.000 em. Còn dự án “Hạnh phúc cho em” phấn đấu trong năm nay sẽ xóa toàn bộ điểm trường gỗ bằng các điểm trường kiên cố, mà theo đó chỉ còn 6 điểm nữa là hoàn thành mục tiêu.
Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Các hoạt động đã giúp đỡ học sinh yếu thế, đồng thời giúp ngành trong vận động học sinh đến trường. Đây là điều rất đáng quý bởi tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là vùng khó khăn còn thiếu thốn. Sự phối hợp tích cực từ lực lượng công an cũng đã giúp các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý phòng ngừa các vấn đề xã hội tác động tiêu cực, phòng ngừa các điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội... trong học đường.”
Theo Trung úy Dương Hải Anh, cán bộ Ban Thanh niên, Phụ nữ, Công an tỉnh Sơn La, Chủ nhiệm Dự án “Nuôi em Mộc Châu” và “Hạnh phúc cho em”, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, thì thành công của các Dự án còn nhờ sự chủ động, đổi mới, sáng tạo trong huy động các nguồn lực xã hội hóa.
“Kinh nghiệm của chúng tôi đó là chuyển đổi số, chúng tôi đưa tất cả nội dung đều công khai trên các nền tảng website, mạng xã hội, mới đây nhất là ra mắt bản đồ thiện nguyện số. Việc minh bạch thông tin, ngay từ khâu đầu tiên đó là mạnh thường quân sẽ nhận được nguồn thông tin, số điện thoại liên hệ, hình ảnh thực tế của những điểm trường, các hoàn cảnh... giúp mạnh thường quân lựa chọn. Và cũng nhờ sự minh bạch này mà dự án đã phát triển bền vững ba năm nay.” – Trung úy Dương Hải Anh nói.
Những “điểm tựa” bình an, vững chắc
Trở thành điểm tựa của nhân dân và lấy nhân dân làm điểm tựa, phương châm ấy đã giúp lực lượng công an Sơn La thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ, phong trào, đặc biệt là huy động sức dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và gắn kết, lan tỏa yêu thương trong cộng đồng.
Theo Trung tá Lừ Văn Sáng, Phó trưởng Công an huyện Mai Sơn, Sơn La, yếu tố quan trọng nhất trong công tác dân vận là phải thực sự sát dân, đến với bà con để lắng nghe, để có những thấu hiểu, chia sẻ. Từ đó vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng gắn với từng địa bàn, đối tượng, dân tộc, để chúng ta có biện pháp vận dụng trong thực tiễn.
"Với một chiến sĩ công an thì điều quan trọng nhất là trách nhiệm. Khi có trách nhiệm thì người cán bộ mới có thể hành động bằng nhân tâm, đến với nhân dân mà như là về nhà, làm những điều giống như làm cho những người thân yêu của mình..." - Trung tá Trần Tuấn Anh, Phó trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Sơn La chia sẻ.
Còn Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền, Phó Trưởng Ban Thanh niên, phụ nữ Công an tỉnh Sơn La cho rằng: "Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ chính trị, chúng tôi mong muốn việc thực hiện công tác an sinh xã hội sẽ là cầu nối, giúp cho chúng tôi gần gũi hơn với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La, giúp chúng tôi xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an Sơn La bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ."
Không để tà đạo chia cách lòng dân, huy động sức dân “hạ nhiệt” những “điểm nóng”, trở thành điểm tựa của nhân dân bằng những đề án, dự án nhân văn... Đây đều là những điểm sáng của Công an Sơn La nhờ công tác vận động quần chúng.
Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: “Đối với lực lượng công an, từ xưa đến nay, cho đến giờ phút này, làm sao dân tin là chúng ta thắng lợi. Chúng tôi đã cố gắng bám dân, hiểu dân, làm cho dân tin vào lực lượng công an cũng như các cấp chính quyền địa phương, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính sách của dân tộc, để đảm bảo an sinh xã hội, cho dân có một cuộc sống ấm no hơn.”
Ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với tất cả các phong trào, nhiệm vụ, lực lượng Công an Sơn La đã phát huy vai trò, sứ mệnh, để lại những dấu ấn đặc biệt, đúng với tinh thần “sức mạnh của lực lượng Công an là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”, góp sức xây dựng miền rẻo cao, biên viễn bình yên cho nhân dân.
VOV.VN - Lấy dân làm điểm tựa và trở thành điểm tựa của lòng dân – đó là phương châm mà Công an Sơn La đồng lòng thực hiện, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, vận động quần chúng góp sức bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
VOV.VN - Vận động nhân dân tránh xa ma túy và cũng dựa vào dân để phòng chống, đấu tranh với tội phạm về ma túy, lực lượng công an Sơn La đã cùng cấp ủy, chính quyền “hạ nhiệt” nhiều “điểm nóng”, vẽ nên bức tranh về những miền quê mới, hi vọng về cuộc sống mới, khởi sắc và bình yên trên rẻo cao.
Từ khóa: sơn la, dân tin, công an, Con nuôi công an, Công an Sơn La, nuôi em, dân vận, ma túy, tà đạo, sơn la