Làng tôi có con sông Rào
Cập nhật: 20/01/2023
VOV.VN - Hồi nhỏ, mẹ vẫn ru anh em tôi bằng những câu hát. Câu hát vấn vít, lặn vào giấc ngủ, theo tôi đến tận bây giờ.
À ơi…
Gánh vàng mà đổ sông Tương
Đêm nằm mơ tưởng đi mò sông Ngô
Trời làm bể cạn sông khô
Cho nên bên Hán bên Hồ xa nhau…
Bên Hán nơi đâu, bên Hồ xứ nào? Đâu là sông Tương, đâu là sông Ngô? Sao lại nhọc nhằn gánh vàng đi đổ? Câu hát ru của mẹ mang mang nỗi buồn, lại như nỗi oán trách, dỗi hờn ai đó, ở xứ mờ mịt mơ hồ nào đó…
Làng tôi có tên Đồn Điền. Không biết nước Việt mình có làng nào tên như làng tôi? Chắc là không! 550 năm rồi, Đồn Điền là tên làng tôi. Có một bài đồng dao mải miết theo bao lớp con trẻ, vận vào thân phận dân làng. Bài đồng dao có những câu:
Đồn Điền, Phú Xá
Ăn cá chết tươi
Ăn lộc chầm mại
Chết hại cả làng…
…Ăn lang (khoai) té rổng
Ăn mật té le
Đi bè hầm (hùm) bắt
Đi cắt đứt tay
Đi cày trâu húc…
Rặt sự chết, sự mất mà sao cứ tuôn trào hồn nhiên, không cùng không tận!
Phú Xá là làng kế bên, thuộc xã khác. Duyên phận thế nào, Đồn Điền Phú Xá hướng mặt Biển Đông, có con sông Rào chảy qua, lại cùng thờ hai vị Thành Hoàng là Doanh Điền sứ Uông Ngọc Châu, Tô Văn Bảo.
Con sông Rào… Làng tôi nào có sông Tương, sông Ngô như trong lời mẹ ru. Chỉ có sông Rào. Cách đây độ mươi năm, có ông thầy có tiếng từ mạn Bắc Bộ về làng tìm đất cất chùa. Người làng đưa ông đến khoảnh đất vuông vức cao ráo phía Tây sông Rào. Ông nhìn thoáng chốc rồi lắc đầu quay lưng. Sông chảy ngược, ông thầy nói thế.
Sông Rào chảy từ hướng Nam lên hướng Bắc, đầu nguồn phía Nam tiếp với sông Ghép. Mùa khô hạn làm cái chức năng giữ nước tưới tắm cho đồng ruộng. Mùa mưa lụt thì tiêu úng, đưa nước úng ngập từ đồng ruộng xóm thôn theo dòng chảy từ Nam lên Bắc. Đến phía Nam núi Trường Lệ, gặp con sông đào từ phía cửa Hới xuống thì chuyển hướng, đổ ra Biển Đông qua cống thoát lũ gọi là cống Đơ.
Trên Trái Đất này có ngàn vạn con sông hòa vào đại dương. Có ai gọi những con sông đổ ra đại dương là sông chảy ngược? Chắc là không.
Sông Rào quê tôi có mạch có nguồn, lại hòa vào đại dương, là sông chảy xuôi!
Khởi thủy sông Rào chiều dài khoảng hai chục cây số chảy giữa đồng ruộng vùng gió cát. Giờ thì đã ngắn và hẹp, còn hơn chục cây số, chiều rộng chưa đủ một hơi lặn trẻ con. Thời con trẻ, những lần chán biển, lũ xóm bể rủ nhau vào sông ngụp lặn vẫy vùng, tận hưởng cái cảm giác dòng nước mơn man và đàn cá mương dạn dĩ bâu đến rỉa chân nhồn nhột. Mùa lụt, Ngõ Lội ngập nước, Đồng Bể trắng băng, sông Rào nước tràn mặt cầu. Người làng cất vó, thả lưới xem chừng xôm rộn…
Có lần một người bạn quê xa ghé làng tôi. Tôi hãnh diện khoe dòng sông Rào. Người bạn tròn mắt: Này mà cũng là sông? Gọi là kênh, là mương mới phải...
Không, sông Rào là sông, sông của làng tôi. Nó có nguồn, có duyên có phận.
Bấy lâu tôi cứ hồn nhiên nghĩ sông Rào có từ thời Lê Trung Hưng, cùng thời các vị Doanh điền sứ Phan Thế Hợp, Uông Ngọc Châu, Tô Chính Đạo, Đỗ Nhuận… Các vị vâng mệnh triều đình đưa dân binh khai khẩn vùng đất duyên hải Ninh Tĩnh xứ Thanh. Tính đến nay hơn 550 năm. Mới đây, một vị cao niên người họ Tô học rộng biết nhiều nói rằng sông Rào được đào từ thời Tiền Lê, thuở Lê Đại Hành, trong công cuộc mở đường về phương Nam dẹp giặc. Vậy là sông Rào tuổi sông ngót nghìn năm, gần gấp đôi tuổi làng tôi. Và con sông này, biết đâu đấy, từng đón đưa bao chiến thuyền Đại Cồ Việt, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thập đạo Tướng quân - Đức Vua Lê Đại Hành trên hành trình chinh phạt phương Nam!
Xưa, lòng sông khoáng hoạt. Ba bốn chục năm về trước, ngư dân làng tôi lên mạn ngược mua luồng, kết bè xuôi sông Mã, đến cửa Hới chuyển qua sông Đơ, nối vào sông Rào, đưa luồng về tận làng. Hồi lớn lên, tôi từng nghe kể, khi làm ruộng ở cánh đồng Hói cạnh sông Rào, người làng đào được cả con thuyền gỗ, cùng cả bè gỗ lớn. Phải là sông rộng nước sâu, thông dòng kết nối dọc ngang thì thuyền to bè lớn mới qua lại thong dong…
Sông kia giờ đã nên đồng…
Chưa nên đồng chưa thành bãi, dòng sông chưa lặn hẳn vào ký ức, nhưng đang ngoi ngóp, hụt hơi trong rừng bèo tây, trong trăm ngàn thứ rác, trong vây bủa của những dự án lấp ruộng lấp hồ bán đất dựng nhà…
Sông Rào là sông, dòng sông của làng tôi.
Tôi mường tượng, sông Rào khi ra Biển Đông, nên duyên nên phận sẽ gặp dòng hải lưu ngang qua, nhập vào. Mạch nước từ làng tôi khi ấy hòa cùng muôn mạch sông suối trên quả địa cầu. Thế gian năm châu bốn biển rộng lớn, tưởng chừng xa mặt cách lòng đã chẳng còn xa xôi cách trở, khi mọi dòng sông hòa vào đại dương.
Khi nghẹn dòng, ngưng đọng, sông không thể ra đại dương, sông đâu còn là sông, chỉ là những vũng nước tù đọng. Quốc gia cũng thế. Bịt mọi lối ra, bế quan tỏa cảng, sẽ là ốc đảo, sớm muộn phế tích, lụi tàn.
Sông Tương diệu vợi mờ mịt trong câu hát ru của mẹ trở nên mồn một khi dòng sông Rào quê tôi khơi trong trở lại, là sông, là một phần, dù nhỏ nhoi của đại dương. Tôi sẽ nương theo câu hát ru của mẹ, kết nối mạch nguồn, không chỉ sông Tương…
Đồn Điền, ngày cuối năm Nhâm Dần./.
Từ khóa: làng Đồn Điền Thanh Hóa, thờ Doanh Điền sứ Uông Ngọc Châu, đền thờ Tô Văn Bảo, sông Rào ở đâu
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN