Lạng Sơn: Để cây Hồi phát triển bền vững
Cập nhật: 06/09/2022
Trực tiếp kết quả xổ số miền Trung Chủ nhật 24/11-XSMT 24/11-KQXSMT 24/11/2024
Trực tiếp kết quả xổ số miền Nam Chủ nhật 24/11 - XSMN 24/11 - KQXSMN 24/11/2024
VOV4.VN - Để cây Hồi phát triển bền vững, các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn và người trồng Hồi cần mạnh dạn thay đổi tư duy, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất.
Gọi là hoa nhưng hoa hồi thực chất là quả Hồi có 5-8 cánh hình thoi. Cây Hồi không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, sau khi trồng cây giống khoảng 7-8 năm, cây sẽ cho thu hoạch.
Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, hoa Hồi Lạng Sơn luôn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao và đặc biệt trong tinh dầu không có thành phần gây hại cho sức khỏe con người.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cây Hồi được trồng rải rác tại hầu hết các huyện nhưng tập trung nhiều tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc với tổng diện tích hơn 40.000 ha, chiếm trên 70% diện tích hồi cả nước với sản lượng 13.000-15.000 tấn/năm.
Lạng Sơn là địa phương có diện tích hồi lên đến hơn 40.000 ha, chiếm khoảng 70% diện tích hồi của cả nước
Là loại cây trồng lâu năm mang lại nguồn lợi kinh tế cao nên điều được nhiều người trồng Hồi ở Lạng Sơn quan tâm là cách chăm sóc để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt nhất và có thời gian khai thác lâu dài. Nhiều hộ trồng Hồi ở Văn Quan - một trong những vùng có diện tích Hồi lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn cho biết có những thời điểm cây Hồi giảm năng suất tới 70-80% chỉ sau một năm được mùa. Không những thế, nhiều diện tích Hồi bị nhiễm bệnh thán thư và bị bọ ánh kim phá hại.
Bà Lăng Thúy Hồng, người dân xã Điềm He, huyện Văn Quan, chia sẻ:Sản lượng cây hồi hằng năm không ổn định vì có năm 1 cây có thể cho khoảng 50-100kg, tuy nhiên không phải năm nào cũng được như vậy... Mong các cấp chính quyền hỗ trợ, tuyên truyền về các kĩ thuật chăm sóc cây hồi hay hỗ trợ máy phun diện rộng để người dân có thể đối phó với tình trạng nêu trên, góp phần ổn định kinh tế từ cây hồi.
Hiện tỉnh Lạng Sơn đã có một quy trình đầy đủ đối với sản xuất hồi, từ giai đoạn chuẩn bị cây giống cho đến trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến… Dù vậy, người trồng hồi vẫn mong các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu hơn về loại cây này để bà con có thể thâm canh bền vững, duy trì năng suất theo từng năm và nhất là có hướng chế biến sản phẩm hoa Hồi tại chỗ, hạn chế sự phụthuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Dù có diện tích hồi lớn nhất tỉnh nhưng tất cả các sản phẩm hồi đều ở mức độ sơ chế, chế biến sản phẩm thì chưa được sâu, sản phẩm cuối cùng vẫn chỉ đến tinh dầu hồi do đó thị trường về sản phẩm hồi cũng vì thể mà bị bó hẹp hơn. Chúng tôi đang rất cần 1 nhà máy có thể chế biến sâu về hồi, để có thể chế ra nhiều sản phẩm hữu ích từ hồi, từ thực phẩm, gia vị, đến y học, hỗ trợ làm đẹp… như vậy sẽ đa dạng hơn và mở rộng thị trường hơn. Đó là hướng đi hết sức cần thiết với địa phương hiện nay.
Để cây Hồi phát triển bềnvững, tỉnh Lạng Sơn cần quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và có hướng chế biến sản phẩm hoa Hồi tại chỗ, hạn chế sự phụthuộc vào thị trường Trung Quốc.
Để phát triển bền vững cây Hồi, tỉnh Lạng Sơn cần làm tốt hơn việc định hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững và sản xuất hữu cơ, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới như làm đất, chọn giống, phân bón và chế độ tưới tiêu hợp lý, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học an toàn...
Hiện đã có một số khu vực thí điểm sản xuất Hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ được địa phương hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư tại các huyện như Chi Lăng (174 ha), Bình Gia (131 ha), Văn Quan (trên 400 ha)... Mặt khác, địa phương cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi… Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết: Những năm qua Sở tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất hồi đảm bảo an toàn, có chất lượng tốt, tăng giá trị từ quả hồi và các sản phẩm từ hồi. Cùng với đó là tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá về quả hồi đến thị trường trong nước và trên thế giới. Trong thời gian qua tỉnh đã kêu gọi, thu hút 1 số nhà đầu tư để tham gia chế biến sâu về hoa hồi, hiện tại các công ty vẫn đang liên kết chặt chẽvới bà con nhân dân để có sự tiêu thụ, cũng như chế biến sâu các sản phẩm từ hồi để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
Hoa Hồi Lạng Sơn luôn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao.
Với những giải pháp căn cơ và mang tính dài hơi, tỉnh Lạng Sơn đang từng bước nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm từ hoa hồi, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững loài cây đặc sản này, góp phần khẳng định thương hiệu của hoa hồi Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung./.
Duy Thái/VOV Đông Bắc
Từ khóa: hoa hổi xứ Lạng, hoa hổi, cây hổi, Lạng Sơn, phát triển bền vững
Thể loại: Đời sống
Tác giả: thu ha bt
Nguồn tin: VOV4