Lắng nghe phạm nhân nói
Cập nhật: 27/07/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Theo Giám thị Trại giam Thanh Cẩm, từ phong trào Phạm nhân nói, Hội đồng cán bộ và Ban giám thị Trại giam nắm được tâm tư, nguyên vọng, nhu cầu chính đáng của phạm nhân. Từ đó, tạo cho phạm nhân một tâm thế yên tâm, chấp hành án tại đơn vị.
2/3 phạm nhân là đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng
Đóng quân trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, trại giam Thanh Cẩm (thuộc Cục C10, Bộ Công an) được coi là nơi giam giữ nhiều tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng. Hiện, trại đang quản lý, giam giữ hơn 2000 phạm nhân, trong đó 2/3 là đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và tái phạm nguy hiểm, có nhiều tiền án, tiền sự, mắc nhiều bệnh nặng, bệnh truyền nhiễm…. Đặc biệt, trại tiếp nhận thêm nhiều phạm nhân có dấu hiệu bị rối loạn hành vi như hoang tưởng, ảo giác…
Trước những thách thức, khó khăn đó, Ban Giám thị trại giam một mặt làm tốt công tác quản lý, giam giữ, mặt khác còn tạo ra nhiều mô hình giáo dục, cải tạo phạm nhân có hiệu quả thiết thực. Trong đó, phải kể đến phong trào “Phạm nhân nói” được phát động từ năm 2020.
Theo Đại tá Đàm Minh Phong, Giám thị Trại giam Thanh Cẩm, bên ngoài xã hội có phong trào “lắng nghe ý kiến nhân dân”, bên trong trại giam có phong trào “lắng nghe phạm nhân nói”. Từ phong trào đó, Hội đồng cán bộ và Ban giám thị Trại giam nắm được tâm tư, nguyên vọng, nhu cầu chính đáng của phạm nhân, tạo cho phạm nhân một tâm thế yên tâm chấp hành án tại đơn vị. Từ phía cán bộ, qua góp ý của phạm nhân, họ biết mình cần điều chỉnh gì để phù hợp. Bởi, phạm nhân có yên tâm cải tạo, cán bộ cũng đỡ vất vả trong công tác giáo dục phạm nhân.
Phạm Nhân Đỗ Lê Trọng, SN 1986, thuộc phân trại số 2, chịu mức án Chung thân về tội Giết người, đã chấp hành án tại Trại giam Thanh Cẩm được 12 năm cho biết, nhờ phong trào này, những năm gần đây, cơ sở vật chất, đời sống tinh thần của phạm nhân được cải thiện rõ rệt.
Phạm nhân Đỗ Lê Trọng chia sẻ, công việc tại trại giam của anh hằng ngày là giúp việc bên bộ phận y tế. Trong quá trình giúp việc ở đây, đã nhiều lần phạm nhân này đề xuất đến Ban Giám thị quan tâm hơn đến số phạm nhân ốm đau, cơ sở vật chất của khu vực bệnh xá,….và những lần đề xuất đó đều được đáp ứng. Hiện nay, khu vực bệnh xá của phân trại khang trang hơn rất nhiều so với ngày anh mới vào trại.
Tại khu bệnh xá, thường xuyên có 2 bác sỹ thay nhau túc trực, ngoài trang bị chế phẩm y tế đầy đủ, bệnh xá còn trang bị thêm máy chụp X-quang để xử lý những chấn thương cơ bản ban đầu. Đối với, trường hợp phạm nhân ốm nặng, được chuyển tuyến kịp thời, hoặc cho đi khám bệnh tuyến trên.
Nhiều vướng mắc của phạm nhân được giải quyết kịp thời
Kể lại một trường hợp phạm nhân bị tắc mạch chi dưới cách đây 2 năm, phạm nhân Trọng chia sẻ: “Cách đây khoảng 2 năm, có một phạm nhân người Hà Nội bị tắc mạch chi dưới dẫn đến hoại tử chi một bên. Khi cắt tháo chi, ở bệnh viện huyện Cẩm Thủy ngân hàng máu không đủ nên phát động phong trào hiến máu để cứu phạm nhân này. Tại thời điểm đó, đang trong buổi sinh hoạt “phạm nhân nói” ở giữa sân, có khá nhiều phạm nhân đăng ký. Tuy nhiên, phong trào mới chỉ dừng ở hội đồng cán bộ. Vì tình trạng lúc đó quá cấp bách, nên đã có mấy cán bộ xuống bệnh viện trực tiếp hiến máu. Đến ngày hết án, Ban Giám thị cũng trích quỹ thuê xe đưa phạm nhân này về Hà Nội”.
Theo phạm nhân này, lúc đó, trong suy nghĩ những người phạm nhân như anh, thấy tình người giữa phạm nhân với nhau, giữa cán bộ với phạm nhân rất quý.
Còn Phạm nhân Tô Xuân Chính, SN 1978, chấp hành án phạt 10 năm cải tạo tại trại giam Thanh Cẩm về tội Tàng trữ trái phép vật liệu nổ chia sẻ, thời gian gần đây, phạm nhân phân trại số 2 có ý kiến về bếp ăn tập thể, về chất lượng bữa ăn. Qua các buổi nói chuyện trực tiếp với phạm nhân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân, Ban Giám thị đã bắt tay vào xử lý, chất lượng bữa ăn thay đổi rõ rệt. Cụ thể về vệ sinh an toàn thực phẩm, khác hơn ngày xưa rất nhiều, cách chế biến sạch sẽ hơn rất nhiều. Cơm được nấu bằng nồi hơi, rau tự cung cấp, thức ăn được chia theo suất vào các khay rất vệ sinh.
“Cá nhân tôi đã từng đem tâm tư nguyện vọng của anh em phạm nhân về chất lượng hàng hóa ở căng tin, như mặt hàng nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu đưa đến Hội đồng cán bộ. Đúng người thật việc thật, Ban cán bộ cho khắc phục, giải quyết triệt để. Cụ thể, Ban Giám thị cho xào thêm rau, làm thêm đồ ăn ngon bán cho phạm nhân, giúp thỏa mãn nhu cầu phạm nhân.”- Phạm nhân Chính chia sẻ.
Có cán bộ bị khiển trách từ phong trào Phạm nhân nói
Đại tá Đàm Minh Phong, Giám thị trại giam Thanh Cẩm chia sẻ thêm, qua phong trào “phạm nhân nói”, cá biệt có trường hợp cán bộ bị khiển trách vì những sai phạm trong khi thi hành nhiệm vụ. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức. Theo Đại tá Phong, bản thân ông cũng trưởng thành hơn từ chính những góp ý, đóng góp của phạm nhân.
“Việc phạm nhân góp ý cho mình giúp mình trưởng thành hơn. Chính tôi, tôi cũng là người trưởng thành từ những lời góp ý chân thành của phạm nhân với mình. Đó cũng là nguyên nhân để tôi đạt được kết quả như ngày hôm nay”- Đại tá Phong chia sẻ.
Theo chia sẻ của Giám thị Trại giam Thanh Cẩm, đơn vị thường tổ chức chào cờ vào đầu tháng trong cán bộ chiến sỹ, cũng như phạm nhân. Ở đó, Ban Giám thị sẽ thay nhau dự và có đối thoại với phạm nhân. Việc làm này cũng được thực hiện, hằng quý, 6 tháng, sơ kết, tổng kết hàng năm. Qua đó tạo sự gần gũi, lắng nghe được phạm nhân phản ánh.
Tùy từng trường hợp, cán bộ trại giam sẽ gặp gỡ, tìm hiểu, để làm sao họ bộc bạch ra nguyện vọng của họ. Có những phạm nhân nếu không gặp gỡ, giải quyết kịp thời có thể phạm nhân thực hiện ý đồ xấu.
Đại tá Phong kể, có một phạm nhân khi ở trong này biết vợ ở ngoài có quan hệ ngoài luồng với người khác, tâm lý rất bức xúc vì thiếu thốn tình cảm mà vợ lại như thế. Từ đó, phạm nhân nung nấu ý định bỏ trốn ra ngoài trả thù.
“Do kịp thời phát hiện, động viên, nhất là cán bộ quản lý thấy tư tưởng có thay đổi nên có những tư vấn, khuyên nhủ. Thậm chì mình tính cho người ta một phép tính hơn thiệt, từ đó người ta tự cân nhắc, và từ bỏ ý định tiêu cực đó. Sau đó, chúng tôi tạo điều kiện cho phạm nhân gọi điện về nhà, dần dần người ta cũng chấp nhận cho vợ đi bước nữa vì án của người ta quá dài”- Đại tá Phong kể.
Theo lời kể của Giám thị Phong, phạm nhân này chịu mức án 17 năm. Sau các buổi tư vấn, phạm nhân đó gọi điện, viết thư cho vợ, khuyên vợ đi lấy chồng. Chính vì vợ đi lấy chồng, nên phạm nhân này quyết tâm cải tạo tốt, để sớm trở về gia đình, chăm sóc con thay vợ.
Phong trào nhỏ, nhưng tác dụng lớn. Từ những việc làm nhỏ đó, theo Giám thị Phong, góp phần giúp Trại giam Thanh Cẩm trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu trong lực lượng trên hành trình đánh thức mầm thiện cho những người lầm lỗi./.
Từ khóa: Trại giam Thanh Cẩm, Phong trào Phạm nhân nói, Đại tá Đàm Minh Phong, Giám thị Trại giam Thanh Cẩm
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN