“Làng đỏ” Lam Sơn lưu dấu ấn Bác Hồ

Cập nhật: 20/05/2024

VOV.VN - Căn cứ địa cách mạng Lam Sơn, thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là địa danh gắn với thời gian hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Người trở về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. “Làng đỏ” Lam Sơn trong kháng chiến một lòng theo Đảng, Bác Hồ, giúp đỡ, che giấu và ủng hộ cách mạng.

Dù đã qua hơn 70 năm, ông Hoàng Đức Chiêm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hòa An, hiện sinh sống tại xóm Lam Sơn Thượng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng vẫn nhớ như in những lần được gặp Bác Hồ. Giới thiệu bức ảnh của ông chụp cùng lớp thiếu niên xưởng quân giới Lê Tổ thời kháng chiến chống Pháp ngay tại Lam Sơn năm 1950, ông Chiêm kể lại: “Theo tư liệu Bác Hồ về đây 4 lần nhưng tôi chỉ gặp 2 lần thôi. Một lần Bác đi qua ngay trước sân nhà vì đó là đường đi. Lúc bấy giờ Bác qua đi công tác, mẹ tôi bảo đây là ông Ké, là cụ Hồ đấy, thì bọn tôi chạy theo. Bác đeo túi vải chéo, móc trong túi ra kẹo để phát cho chúng tôi.

Sau đó đến tháng 10/1950 là hội nghị tổng kết chiến dịch biên giới 1950 thì lần này chính thức được gặp Bác và nhiếp ảnh đi cùng Bác Hồ chụp cho chúng tôi bức ảnh này.”

Núi rừng Lam Sơn có địa hình hiểm trở và địa thế vững chắc với những hang đá vôi lớn trong khe núi, xung quanh là rừng cây xanh bao phủ đã được lựa chọn làm khu căn cứ địa cách mạng. Năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lam Sơn làm việc một thời gian trên hành trình rời Pác Bó về Tân Trào.

Từ cuối tháng 3 đến tháng 8/1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ Pác Bó về vùng căn cứ địa cách mạng ở Lam Sơn. Thời gian này, Người thường bí mật qua lại khu vực hang Ngườm Bốc để chỉ đạo và tiếp xúc với quần chúng cách mạng. Tháng 5/1945, tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp với lãnh đạo liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng để bàn về công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám 1945. Tại đây, Bác đã chỉ đạo tiếp tục xuất bản báo Việt Nam độc lập…

Tin tưởng “ông Ké”, tin tưởng Cách mạng, những người dân Hồng Việt cũng như đồng bào Cao Bằng nói chung đều ủng hộ, tham gia mặt trận Việt Minh, hết lòng bảo vệ và nuôi giấu cán bộ. 

Nhân dân ở đây ngày xưa không đông thế này, có hơn 30 hộ thôi nhưng 100% các hộ là hội viên Việt Minh. Trong làng 100% là hội viên. Khi tổ chức kháng chiến năm 1946 thì bà con đem thóc đi cất giấu để nuôi dưỡng cho Cách mạng và dân rất đồng tình tổ chức cất giấu thóc cho cách mạng. Vùng này được Nhà nước tặng thưởng làng có công với cách mạng, gọi là “làng đỏ” nghĩa là sự ủng hộ của dân làng với cách mạng có thể nói là 100%" - ông Hoàng Đức Chiêm nói.

Sau chiến thắng biên giới 1950 tại Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Bác đến dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong chiến đấu. Trong đó, Người nhấn mạnh về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, phối hợp hành động; tinh thần hăng hái, anh dũng của chiến sĩ và khen ngợi sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân.

Với nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng, có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hồng Việt được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Hang Ngườm Bốc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới tháng 10/1950 đã được xếp hạng di tích cấp Quốc và vẫn được người dân trân trọng, giữ gìn.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng cũng như lời dạy của Bác năm xưa, nhân dân xóm Lam Sơn luôn đoàn kết một lòng, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Văn Ngành, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lam Sơn Hạ nói: “Bà con nhân dân, cán bộ đảng viên phát huy, giữ gìn nét tinh hoa Bác Hồ đã từng hoạt động ở đây, phát huy giữ gìn cho mai sau, các bậc tiền nhân và Bác đã hoạt động. Chi bộ đã họp, thống nhất trong chi bộ và nhân dân làm đường làng ngõ xóm, chăn nuôi cho năng suất, sản lượng, thu nhập cao, xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới, tiếp tục làm giàu, xóa đói giảm nghèo. Trên địa bàn có mô hình kinh tế như na, chăn nuôi ao cá, trâu bò"...

Vượt qua khó khăn, kinh tế vùng căn cứ Lam Sơn xưa từng bước phát triển ổn định, người dân chú trọng mở rộng các loại cây trồng hàng hóa như khoai tây, na, cây thuốc lá, cây ăn quả năng suất chất lượng cao. Xã Hồng Việt đã đạt 17/19 tiêu chí Nông thôn mới, trên 90% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được bê tông hóa và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm.

Ông Trần Lã Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Xã luôn tuyên truyền để nhân dân phát huy truyền thống tốt đẹp đó gắn vào công việc hằng ngày nhất là tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Vừa qua huyện ủy có Chỉ thị 16 về phát huy ý chí tự lực tự cường của Hòa An, xây dựng quê hương  ngày càng phồn vinh. Đảng ủy xã đã chỉ đạo nhân dân và các chi bộ mỗi người, mỗi chi bộ gắn với việc làm cụ thể, thiết thực của mình, phát huy ý chí tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, tự mình làm giàu trên quê hương, mảnh đất của mình.

Những dấu tích căn cứ địa năm xưa vẫn được người dân Lam Sơn hôm nay gìn giữ, trân trọng để truyền lại cho thế hệ cháu con sau này. Hơn 3/4 thế kỷ đã qua, những lời dạy của Bác vẫn là ngọn đuốc soi đường để đồng bào các dân tộc đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương bản làng ngày một phát triển, mạnh giàu.

Từ khóa: lam sơn, làng đỏ, lam sơn, quê hương, cao bằng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: ctv la ngà – kim dung/vov-đông bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập