Lan Phương: "Chồng tôi đi khoe khắp nơi khi vợ đóng phim kinh dị"
Cập nhật: 21/11/2023
VOV.VN - “Tết ở làng Địa Ngục” đánh dấu lần đầu tiên nữ diễn viên Lan Phương thử sức ở dòng phim kinh dị. Vừa rời khỏi vai cô con dâu nhí nhảnh của “Gia đình mình vui bất thình lình”, Lan Phương hóa thân vào Thập Nương với nội tâm phức tạp, tâm trí vô cùng mưu mô và tư duy sắc sảo.
Series kinh dị “Tết ở làng Địa Ngục” do K+ đầu tư sản xuất đã phát sóng được hơn nửa chặng đường và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả. Phim vươn lên dẫn đầu danh sách xem nhiều trên các nền tảng trong nước và quốc tế tại khu vực Việt. Đây là điều hiếm hoi đối với một tác phẩm đến từ Việt Nam, trong bối cảnh các bộ phim mới từ nước ngoài xuất hiện đều đặn trên các nền tảng chiếu phim trực tuyến.
“Tết ở làng Địa Ngục” cũng đánh dấu lần đầu tiên nữ diễn viên Lan Phương thử sức ở dòng phim kinh dị. Vừa rời khỏi vai cô con dâu nhí nhảnh của “Gia đình mình vui bất thình lình”, Lan Phương hóa thân vào Thập Nương với nội tâm phức tạp, tâm trí vô cùng mưu mô và tư duy sắc sảo. Đây cũng là vai diễn “nhiều máu me” nhất trong sự nghiệp diễn xuất của nữ diễn viên.
PV: Chị đã đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt về địa hình, thời tiết lạnh giá, thiếu thốn điện, nước... như thế nào trong quá trình quay “Tết ở làng Địa Ngục”?
Lan Phương: Những ngày quay đầu tiên lạnh buốt, run cầm cập, nhất là khi vào lều nằm ở nền đất lạnh. Lúc đó tôi thật sự không muốn di chuyển đi đâu vì quần áo nặng nề cồng kềnh, lại rét run bên ngoài. Nhưng tôi được đoàn phim chăm sóc rất tận tình, có chăn quấn khi ngừng quay, có lửa sưởi ấm. May là trang phục của Thập Nương dày nhất, nhiều lớp nhất nên tôi nghĩ mình được giữ ấm dễ nhất so với các diễn viên khác.
Không ở đoàn liên tục nhiều ngày liên nên tôi chưa phải trải nghiệm cảm giác mất nước khi đang tắm, hay phải tắm nước lạnh như băng. Cũng như ekip đoàn, tôi cố gắng mặc đủ ấm. Khắc nghiệt nhất là việc tôi phải di chuyển đi lại rất nhiều, có hôm đi 10 tiếng lên chỗ quay, quay xong đêm đi 10 tiếng hôm sau về Hà Nội, quay tiếp phim “Gia đình mình vui bất thình lình” ở Hà Nội 2 ngày rồi lại tiếp tục hành trình lên Hà Giang.
Tôi lúc đó bị ngã trật chân chưa kịp lành thì đã phải leo núi liên tục nên luôn bị đau khi đi lại. Lúc nào tôi cũng phải nhờ ekip đỡ tay khi phải leo đồi núi, đất đá để đến chỗ quay. Lúc quay thì tôi phải băng cổ chân lại để tránh thêm tổn thương.
Còn internet thì 99% không dùng được nên tôi không thể giải quyết công việc ở Hà Nội. Nhiều khi con gái gọi mà chỉ nói được vài câu là mất mạng.
PV: Chị có thể mô tả ngắn gọn về nhân vật của mình trong 3 từ? Chị đã có sự chuẩn bị như thế nào để hóa thân vào nhân vật?
Lan Phương: Căm hận, đau đớn, thỏa mãn là 3 từ tôi dùng để mô tả nhân vật của mình.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng giúp tôi rất nhiều để tôi có thể cảm nhận được sự đa chiều phức tạp trong nội tâm nhân vật, để nhân vật không chỉ là một quỷ dị gây nên bao nhiêu cái chết trong làng, mà còn là một người phụ nữ với nỗi đau mất con và mất toàn bộ dòng tộc.
PV: Phim có điểm khác biệt hay đáng nhớ nào so với các dự án trước chị từng thực hiện?
Lan Phương: “Tết ở làng Địa Ngục” có sự đầu tư rất lớn về tiền bạc và nhân lực với việc chấp nhận thử thách về địa hình, về điều kiện sống của nhà sản xuất và đạo diễn để quay được nhưng thước phim lung linh đến từng chi tiết.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi thử sức trong một bộ phim kinh dị - điều mà trước đây tôi không nghĩ mình sẽ làm và sẽ thích.
Các nhân vật sống tại bối cảnh trong điều kiện rất khắc nghiệt nên việc hóa thân vào nhân vật cũng trở nên tự nhiên và chân thật hơn.
PV: Cảnh quay nào khiến chị nhớ mãi?
Lan Phương: Cảnh Thập Nương hồi là một cô gái mang bầu, chạy trốn đám cướp truông nhà Hồ. Thập Nương khi ấy một thân một mình giữa rừng khuya, vừa sợ, vừa đau đớn, vừa căm phẫn, vừa không chịu khuất phục, vừa muốn bảo về con, vừa muốn dùng con để trả thù. Cảnh quay chỉ có 1 mình, không thoại, tự tôi phải cảm nhận và nghĩ ra hành động nên thật sự rất mệt và ekip cũng mất rất nhiều thời gian để set up cảnh, tập với máy quay và quay.
Đó là cảnh khó và tôi cũng kiệt sức. Khi máy quay dừng lại, tôi vẫn còn thổn thức với nỗi đau và sự cô độc của nhân vật.
PV: “Tết ở làng Địa Ngục” được quay tại Hà Giang suốt 2 tháng, chị làm thế nào cân bằng thời gian tham gia dự án này và các hoạt động khác của bản thân?
Lan Phương: Tôi chia thời gian lên Hà Giang đều với thời gian quay phim tại Hà Nội và chăm sóc công việc kinh doanh cũng như dành thời gian cho gia đình của mình. Chính vì vậy, tôi phải đi lại rất nhiều. Nhiều đêm gần như thức trắng. Có những ngày đêm quay xong là tôi lại lên xe đi luôn từ Hà Giang về Hà Nội để có thêm thời gian cho con và cho bản thân.
PV: Được mệnh danh là "tắc kè hoa" của màn ảnh Việt, vai Thập Nương có làm khó chị không?
Lan Phương: Các cảm xúc phức tạp đan xen diễn ra trong từng cảnh quay với cường độ cao, việc kiểm soát việc diễn giữa “người” và “quỷ” trong cùng một cơ thể là những khó khăn tôi phải đối mặt khi đóng vai này.
PV: Chị từng chia sẻ phải giữ lớp hoá trang đặc biệt 28 tiếng cho vai diễn, đó là phân cảnh nào?
Lan Phương: Thật ra tôi phải bắt đầu lớp hóa trang đặc biệt đó từ 4h chiều hôm trước và giữ đến 12h đêm hôm sau, nên tổng số giờ là 32 tiếng, chứ không phải 28 tiếng.
Sau đó, tôi phải mất 1,5 tiếng nữa để tẩy trang. Hôm đó là cảnh quay cuối, mưa lũ tràn về, gần như cuốn phăng tất cả nếu không vững, đoàn chờ đến gần sáng mưa lũ vẫn chưa dứt nên quyết định ngừng quay chuyển qua đêm hôm sau.
Quá trình hóa trang mất 5 tiếng đồng hồ, tẩy trang thì 1,5 tiếng nên tôi quyết đinh giữ luôn để đỡ tốn thời gian của cả đoàn và cho chính mình.
Tôi đi bộ từ rừng qua làng để ra xe về khách sạn với khuôn mặt kinh dị của mình, bà con ở đó ai nhìn cũng phải rén, họ không hiểu vì sao, hoặc nghĩ tôi có vấn đề gì thật. Có lúc tôi lạc đường gọi nhờ người qua đường giúp thì anh ấy rất nhanh bảo có việc rồi và phóng xe chạy thẳng (cười).
Thế là tôi cứ đi đại cho đến khi gặp người của ekip dẫn ra. Về khách sạn đi ăn sáng, xung quanh ai cũng tưởng mặt tôi có vấn đề, họ tế nhị không nhìn thẳng nhưng ánh mặt ái ngại và e sợ lộ rõ.
Đi tắm, hay đi ngủ, tôi phải rất cố gắng để không làm ảnh hưởng tới lớp hóa trang nhiều nhất có thể. Cho đến chiều tối để quay cho xong, may mắn là không có thêm cơn mưa lũ nữa, và cảnh quay đã hoàn thành tốt đẹp.
PV: Lan Phương có phải fan của dòng phim kinh dị? Chồng và bạn bè nhận xét thế nào về vai diễn đầy mới lạ này của chị?
Lan Phương: Tôi chưa bao giờ là fan của phim kinh dị. Tôi rất nhát, rất sợ xem phim có máu me hay bạo lực giết người vì hay tưởng tượng khi nhắm mắt đi ngủ. Tôi rất sợ bị ám ảnh sau khi quay. Nhưng may mắn khi quay phim xong thì tôi lai trở nên dũng cảm hơn bao giờ hết. Tôi đã có thể xem phim kinh dị, mà không phải nhắm mắt liên tục (cười). Đến bây giờ, tôi đi ngủ vẫn không bị ám ảnh với những cảnh quay đã diễn ra.
Tôi nghĩ chắc do mình đủ hiểu quá trình quay phim và tạo hình thế nào nên tôi đã mạnh mẽ dũng cảm hơn. Chồng và gia đình tôi khá bất ngờ với sự máu me trong phim của tôi nhưng mọi người đều rất hào hứng với trải nghiệm mới mẻ này và ai cũng háo hức chờ được xem phim. Nhất là chồng tôi, anh ấy đi khoe khắp nơi về vai diễn kinh dị này của tôi (cười).
PV: Sau khi thử sức ở mảng phim kinh dị, chị có nghĩ bản thân sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án tương tự trong tương lai?
Lan Phương: Tôi sẽ luôn tham gia nếu có dự án và vai diễn phù hợp.
PV: Xin cảm ơn chị!
Từ khóa: lan phương, diễn viên, phim kinh dị, tết ở làng địa ngục, chồng, thập nương, lan phương
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả: hà phương/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN