Lần đầu tiên vịt bản ở Sơn La được gắn tem truy xuất nguồn gốc
Cập nhật: 11/11/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Nắm bắt được xu hướng ưu chuộng các thực phẩm đặc sản của địa phương, thời gian qua xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó có mô hình nuôi vịt bản Chiềng La, phối hợp với đơn vị chuyên môn xây dựng tem truy xuất nguồn gốc.
Qua mã quét, người tiêu dùng sẽ truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ cũng như quy trình nuôi vịt bản của người dân Chiềng La.
Mô hình nuôi vịt bản (hay còn gọi là vịt cổ xanh) tại xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được triển khai từ tháng 3/2024, tham gia mô hình có 5 hộ, với quy mô 700 con. Quá trình nuôi, người dân được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn vịt phát triển khỏe mạnh. Khi vịt trưởng thành nặng khoảng 1,6-1,8 kg, xương nhỏ, thịt chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt. Anh Quàng Văn Mạnh, ở bản Cát Lót cho biết, nuôi vịt cổ xanh bà con thấy không mất nhiều công và chi phí, thời gian nuôi ngắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
“Trước đây gia đình chủ yếu chăn nuôi gà để phục vụ gia đình, được xã tuyên truyền vận động gia đình đã nuôi vịt bản, xuất bán lứa thứ nhất mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay gia đình đang vào lứa để nuôi thêm 200 con, để nhân rộng mô hình vịt bản của xã Chiềng La” - anh Quàng Văn Mạnh chia sẻ.
Vịt cổ xanh tại xã Chiềng La, huyện Thuận Châu là giống vịt bản địa, có khả năng kháng bệnh cao, thích nghi với điều kiện môi trường tự nhiên. Trước đây, các hộ dân trong xã chủ yếu nuôi nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình.
Tuy nhiên sau khi được xã tuyên truyền, đến nay đã có gần 20 hộ dân đăng ký tham gia nuôi theo hướng hàng hoá, tập trung ở các bản: Cát Lót, Chiềng La và bản Song. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi; giám sát chặt chẽ quá trình nuôi; quảng bá giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội như zalo, facebook. Cùng với đó là phối hợp với đơn vị chuyên môn xây dựng tem truy xuất nguồn gốc. Qua mã quét, người tiêu dùng sẽ truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ cũng như quy trình nuôi vịt bản của các hộ dân ở Chiềng La.
“Sau khi được Đảng uỷ, UBND xã hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ thì có nhiều người biết đến vịt bản Chiềng La, bán được giá cao hơn tăng thu nhập cho gia đình” - anh Cà Văn Tương, ở xã Chiềng La nói.
Để hỗ trợ người dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, xã Chiềng La đã thành lập nhóm “Hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản Chiềng La” gồm các thành viên do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên xã phụ trách. Nhóm cũng thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi theo hướng VietGAP, từng bước đưa vịt bản Chiềng La trở thành sản phẩm OCOP.
Đồng thời, định hướng cho các hộ liên kết đầu tư máy ấp trứng để chủ động nguồn giống, tăng quy mô đàn, góp phần bảo tồn và duy trì giống vịt bản địa.
Bà Quàng Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Hiện nay mô hình vịt bản đã vào được lứa thứ 4. Sau khi vịt trưởng thành và chúng tôi xuất bán thì qua đánh giá rất cao về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ giao cho các ngành, đoàn thể để tuyên truyền bà con nhân rộng, chú trọng vào các khâu quảng bá sản phẩm cũng như đăng ký tem truy xuất nguồn gốc để khẳng định sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng”.
Có thể thấy mô hình nuôi vịt bản được gắn tem truy xuất nguồn gốc ở xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Đây sẽ là tiền đề để nhân rộng, quảng bá các sản phẩm thương hiệu của địa phương đến đông đảo người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Từ khóa: vịt bản, vịt bản, vịt cổ xanh, đặc sản, Sơn La, tem truy xuất nguồn gốc
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thanh thủy - đình đức/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN