Lần đầu tiên, TP.HCM tổ chức đối thoại về văn hóa

Cập nhật: 27/06/2020

VOV.VN - Đối thoại Văn hóa là diễn đàn trao đổi những vấn đề về thực trạng các mặt đời sống đang tác động đến môi trường văn hóa của người dân thành phố.

Chiều nay (27/6), Thành uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc UViệt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị Đối thoại văn hoá lần thứ nhất với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố Văn hóa”.

tp. hcm to chuc doi thoai van hoa lan thu nhat hinh 1
Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì đối thoại.J

Tham dự cuộc đối thoại có ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM; đại diện các sở, ngành, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ…


Đối thoại Văn hóa là diễn đàn trao đổi, bàn luận những vấn đề cốt lõi về thực trạng của các mặt đời sống đang tác động đến môi trường văn hóa, đến đời sống của người dân thành phố. Qua đó thông tin những chủ trương, chính sách của thành phố và lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, người dân nhằm làm rõ những nội dung liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi người Việt Nam luôn tự hào vì đã bảo vệ đất nước trước những thế lực mạnh hơn nhiều, chống chọi với thiên tai mà đằng sau đó chính là sức mạnh văn hoá.TP. HCM luôn coi văn hoá là nguồn lực để phát triển thành phố, xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu của cả nước.TP. HCM sẽ tổ chức đối thoại văn hoá định kỳ để người dân, chuyên gia văn hoá, người làm nghệ thuật, người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí người nước ngoài có thể trao đổi về văn hoá.

tp. hcm to chuc doi thoai van hoa lan thu nhat hinh 2
PGS - TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 6 giải pháp phát triển thành phố 5 đến 10 năm tới có giải pháp phát triển văn hoá-xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; trong đó có chương trình đột phá phát triển nhân lực văn hoá TP. HCM. Cụ thể, năm 2020 đã được chọn chủ đề là đẩy mạnh văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Phân tích thêm về tầm quan trọng của nền tảng văn hóa, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá – Nghệ thuật TP. HCM cho rằng, tính cách con người Sài Gòn, mở rộng ra là tính cách của người Nam Bộ và cả dân tộc Việt Nam là nhân văn, thượng võ,…Nhờ đó đã giúp đất nước vượt qua mọi khó khăn, thiên tai, dịch bệnh… và thực tế chống dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng rõ ràng.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam-TP.HCM, trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã thấy rõ tấm lòng của người dân thành phố, hết lòng ủng hộ công tác chống dịch, với số tiền lên đến 200 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay.

tp. hcm to chuc doi thoai van hoa lan thu nhat hinh 3
Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lê Hoài Nam.

Nhiều đại biểu cho rằng, phải lấy con người và văn hoá làm trung tâm để phát triển, bởi nếu văn hoá không theo kịp phát triển kinh tế sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ trong xã hội; nhất là chú trọng đến giáo dục, phát huy các giá trị tốt đẹp của con người ở mọi lứa tuổi.

Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phát huy văn hoá là vì tương lai của dân tộc và đầu tư cho văn hoá là hướng đầu tư có lợi ích lâu dài: “Duy trì văn hoá, phát huy văn hoá là vì tương lai của đất nước và dân tộc. Theo tôi nếu coi văn hoá là nền tảng thì phải dành tỷ lệ cố định cho văn hoá. Nhu cầu lớn lắm nhưng phải có tỷ lệ cố định, còn nếu chưa chắc chắn thì dành ít, sau thấy hiệu quả thì tăng dần lên. Suy cho cùng đầu tư cho văn hoá là đầu tư lâu dài đem lại hiệu quả cao, không ngại không hiệu quả. Điều này tránh được suy thoái của dân tộc về văn hoá”./.

Từ khóa: TP. HCM, đối thoại văn hóa, diễn đàn văn hóa, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập