Lần đầu tiên điều trị viêm gan virus B, C tại bệnh viện tuyến huyện
Cập nhật: 15/11/2024
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Từ hiệu quả điều trị bệnh viêm gan B và viêm gan C ngay tại bệnh viện huyện của tỉnh Thái Bình, tới đây, Bộ Y tế sẽ nhân rộng mô hình này trong cả nước.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất trên thế giới. Từ hiệu quả điều trị bệnh viêm gan B và viêm gan C ngay tại bệnh viện huyện của tỉnh Thái Bình, tới đây, Bộ Y tế sẽ nhân rộng mô hình này trong cả nước. Đó là thông tin được để cập tại Hội thảo quốc tế do Bộ Y tế tổ chức hôm nay với chủ đề “Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị viêm gan B, C tại tuyến y tế cơ sở”.
Từ đầu năm 2024, Chương trình Hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) thuộc Trường Đại học Y Harvard (Mỹ) phối hợp với Sở Y tế Thái Bình bắt đầu triển khai Dự án "Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan tại tuyến y tế cơ sở". Đến nay đã phát hiện 3.000 người ở Thái Bình dương tính với viêm gan B và viêm gan C. Trong đó đã có 200 người được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải và Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Phụ.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoàng, cán bộ quản lý, nghiên cứu, đánh giá của Chương trình Hợp tác phát triển y tế Việt Nam cho biết, chương trình đã làm việc với Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội Thái Bình để đưa danh mục điều trị viêm gan B, C vào bệnh viện tuyến huyện, sau đó sẽ có chương trình đào tạo cho các bác sĩ.
“Vì bệnh viện tuyến huyện không thực hiện được xét nghiệm tải lượng virus viêm gan B, C, nên phải thực hiện phương án hợp đồng với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh, để xét nghiệm và được bảo hiểm y tế chi trả. Mô hình này giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn, điều trị hiệu quả hơn và giảm gánh nặng cho xã hội”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoàng nói.
Việc người dân được điều trị bệnh viêm gan B và viêm gan C thông qua bảo hiểm y tế tại bệnh viện tuyến huyện, không chỉ giúp người bệnh được thuận lợi, còn tăng cường được năng lực cho y tế cơ sở và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.
“Tôi phát hiện bệnh viêm gan C khi đi khám một bệnh khác. Cũng lúc này Dự án được triển khai nên tôi được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải, không phải lên tuyến trên, đỡ phải đi lại vất vả, tốn kém tiền của… Trong quá trình điều trị tôi được bảo hiểm y tế chi trả 80%”, ông Nguyễn Băng Kỳ ở xã Nam Thanh, Tiền Hải, Thái Bình được điều trị viêm gan B ngay tại bệnh viện đa khoa huyện Tiền Hải chia sẻ.
Từ năm 2025, Chương trình Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) thuộc Trường Y Harvard (Mỹ) sẽ triển khai Dự án "Tăng cường sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị viêm gan ở tuyến y tế cơ sở" tại tỉnh Phú Thọ. Từ hiệu quả của Dự án tại Thái Bình, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh thành phố sẽ nhân rộng mô hình này trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đây là việc làm cần thiết để thực hiện mục tiêu thanh toán bệnh viêm gan virus vào năm 2030 tại Việt Nam. Hiện nước ta có hơn 7 triệu người nhiễm virus viêm gan B và có khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C, là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam đứng thứ 5 trong top 10 nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất thế giới.
Từ khóa: viêm gan virus, viêm gan virus,điều trị, tuyến huyện, nhân rộng, y tế
Thể loại: Y tế
Tác giả: văn hải/vov1
Nguồn tin: VOVVN