Lấn chiếm đất lưu không QL3 qua TP Bắc Kạn: Có chấm dứt được không?
Cập nhật: 25/09/2019
Mẹ ném con 3 tháng tuổi xuống mương nước
Xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ đẩy thế giới vào thế chiến III?
VOV.VN - Cả chục năm qua, hàng trăm nghìn m2 đất bị người dân TP Bắc Kạn, lấn chiếm nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp nào xử lý triệt để.
Trong quá trình thi công, nâng cấp QL3, đoạn qua thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn), hàng trăm nghìn m2 đất được dự án thu hồi đã bị người dân lấn chiếm gây khó cho công tác quy hoạch, quản lý đô thị và hiện hữu nguy cơ thất thoát tài sản có giá trị của nhà nước. Tình trạng này đã kéo dài cả chục năm qua nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp nào xử lý triệt để.
Từ năm 1999 đến năm 2005, hai dự án giao thông lớn được triển khai trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, gồm dự án đường Quốc lộ 3 tránh thị xã Bắc Kạn và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn qua nội thị Bắc Kạn. Các tuyến đường này đều có vốn đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải và hiện đang do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý phần đất đã thu hồi để phục vụ các dự án nhưng không sử dụng đến lại đang là vấn đề khó với địa phương trong nhiều năm qua.
Theo báo cáo số 246 (năm 2017) của UBND thành phố Bắc Kạn, tổng diện tích đất thu hồi nhưng không sử dụng đến của cả 2 dự án lên tới hơn 366 nghìn m2, diện tích thực tế đang bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm khoảng 137 nghìn m2.
Tuyến Quốc lộ 3 tránh thành phố Bắc Kạn có khoảng hơn 100 nghìn m2 đất lưu không bị lấn chiếm. |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho biết đây mới chỉ là con số thống kê sơ bộ nên thực tế có thể còn cao hơn.
"Sau khi hoàn chỉnh công trình, chủ đầu tư dự án cũng không bàn giao lại đất không sử dụng cho địa phương quản lý. Do vậy việc giải quyết không được dứt điểm. Một số diện tích đất đang bị các hộ dân lấn chiếm làm nhà và trên cơ sở thực tế rà soát, thành phố đã báo cáo tỉnh để xem xét, báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho chủ trương giải quyết", ông Diệp nói.
Dù các đơn vị quản lý dự án chưa có bất cứ văn bản hay thỏa thuận nào về bàn giao lại phần đất không sử dụng cho địa phương nhưng ngay sau khi các tuyến đường hoàn thành, chính quyền thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn) đã tiến hành giao đất này cho nhiều hộ dân sử dụng, thậm chí một số hộ còn được phép trả lại tiền đền bù để lấy lại phần đất đã bị thu hồi trước đây.
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Tuyết Nga tại tổ 9A, phường Đức Xuân trên đường Kon Tum, thành phố Bắc Kạn.Dù xây dựng từ nhiều năm nhưng đến nay gia đình bà Nga vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong khi những ngôi nhà 2 bên đều đã có "sổ đỏ". |
Việc làm này đã khiến quyền lợi chính đáng của nhiều gia đình không được đảm bảo. Đơn cử như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (tổ 9A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn). Năm 2002, bà Nga mua lại 43 m2 đất của ông Nguyễn Hoàng Sâm ở mặt đường Kon Tum (trên QL3 tuyến tránh thị xã Bắc Kạn). Diện tích đất này đã được UBND thị xã Bắc Kạn đồng ý cho ông Sâm trả lại tiền đền bù nhưng sau nhiều năm làm thủ tục, hiện bà Nga vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
"Ba nhà cùng mua thì hai nhà bên cạnh đã được cấp bìa đỏ, nhà tôi ở giữa. Tôi thắc mắc với chính quyền tại sao người ta cùng mua đất của một chủ thì được cấp mà nhà tôi thì chưa. Gia đình rất bức xúc và mong chính quyền sớm giải quyết phần đất chúng tôi mua. Vì chúng tôi mua có chủ bán và có đầy đủ giấy tờ, không thiếu gì, đất nhà ông Sâm tôi mua là đất lấy lại của nhà nước cũng đã nộp lại tiền và có hóa đơn đầy đủ", bà Nga cho hay.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết dọc tuyến đường Kon Tum, đã có vài chục gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trùng vào phần đất đã được các dự án thu hồi.
Theo lý giải của ông Dương Quế Anh, cán bộ địa chính phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn thì nguyên nhân là hồ sơ giải phóng mặt bằng của các dự án bị thất lạc khá nhiều.
Giấy biên nhận ông Nguyễn Hoàng Sâm đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước để lấy lại phần đất thu hồitrước khi chuyển nhượng lại cho gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nga. |
"Hồ sơ khai thác bây giờ cũng không đầy đủ. Chúng tôi đã báo cáo thành phố nhiều lần, thành phố báo cáo tỉnh nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp để giải quyết. Mấu chốt là phải tìm được hồ sơ thống kê giải phóng mặt bằng trước đây chi tiết từng hộ gia đình, nhưng không tìm thấy được", ông Quế Anh cho biết.
Ông Đặng Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn cho biết, Sở GTVT Bắc Kạn khi đó được giao làm chủ đầu tư tuyến đường Quốc lộ 3 tránh thị xã và cầu Bắc Kạn II. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đều đã bàn giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Ông Hùng khẳng định: "Đối với phần đất của công trình, khi hoàn thiện xong nếu không vào hành lang đường bộ, không sử dụng vào đất giới hạn của hành lang đường bộ thì chủ đầu tư phải rà soát trả lại cho chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh mới giao cho khu này của thành phố hay huyện nào để mà sử dụng đất đó".
Tuyến Quốc lộ 3 đi qua thành phố Bắc Kạn sau khi cải tạo, nâng cấp cũng xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất lưu không. |
Như vậy, rõ ràng cả phía chủ đầu tư, cơ quan quản lý đường bộ cũng chưa có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng phần đất đã thu hồi nhưng không sử dụng đến. Còn phía chính quyền địa phương đã tùy tiện khi tự ý bàn giao phần đất đã thu hồi cho người dân sử dụng. Điều này đã dẫn tới tình trạng hàng trăm nghìn m2 đất lưu không bị lấn chiếm nhưng nhiều năm trời vẫn nhùng nhằng, không thể giải quyết dứt điểm.
Phần diện tích đất đã thu hồi nhưng không sử dụng thuộc các dự án giao thông này hiện đều nằm ở những tuyến phố lợi thế về kinh doanh, buôn bán với giá trị mỗi lô đất (diện tích 100m2) từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Vì vậy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Kạn cùng các bên liên quan cần sớm có phương án xử lý rõ ràng, dứt điểm bởi nó không chỉ gây mất mĩ quan, phá vỡ quy hoạch đô thị mà còn làm thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời gây dư luận không tốt trong nhân dân./.
Từ khóa: đất lưu không, lấn chiếm đất, lấn chiếm hành lang ATGT
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN