Làm thương hiệu thời 4.0: Đỉnh cao dễ tạo, sụp đổ khó lường
Cập nhật: 25/09/2019
Trà Vinh chuẩn bị gần 290 tỷ đồng trữ hàng phục vụ tết Ất Tỵ
Ngân hàng UOB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7% năm 2025
VOV.VN - Nếu doanh nghiệp “ngủ quên trên chiến thắng”, hay chỉ “đứng yên” mà không có ý tưởng mới, không sáng tạo thì coi như đang “tự chết”.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0, để thương hiệu của Việt Nam có thể hội nhập, doanh nghiệp cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thiếu sáng tạo, thương hiệudễ "chết"
CEO Lại Tiến Mạnh - Đối tác chính thức của Brand Finance tại Việt Nam cho rằng, sự thâm nhập của cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực sự khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Để có thể thích nghi với xu hướng mới, sự thay đổi của các doanh nghiệp Việt không phải là điều dễ dàng vì phần lớn doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa có quy mô vốn nhỏ…
“Khó khăn thách thức lớn của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là sự am hiểu kiến thức về quản trị thương hiệu vẫn còn ở mức rất sơ khởi. Sự đồng lòng, sự quyết tâm cũng như nguồn lực bỏ ra cho việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp nhiều khi bị hạn chế bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, nhất là những doanh nghiệp mới thành lập, họ chỉ chú tâm vào các hoạt động maketing bán hàng trước để lấy doanh số mà chưa quan tâm ngay đến việc xây dựng thương hiệu”, CEO của Brand Finance tại Việt Nam chia sẻ.
Ông Samir Dixic, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương |
Ông Samir Dixic, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương lại chỉ rõ những nguy cơ làm mất thương hiệu, khi cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi sự biến động không ngừng đối với các thương hiệu, các sản phẩm của doanh nghiệp.
Đơn cử những hãng điện thoại đã từng “làm mưa làm gió” trên thế giới một thời như Motorola, Simen… đã không còn hiện diện; Hãng máy ảnh Kodak cũng đã bị xóa sổ cách đây 10 năm khi cơn bão công nghệ ập đến. Số phận của những chiếc USB cũng tương tự, thay vào đó là công nghệ điện toán đám mây... ông Samir Dixic cho rằng, nếu doanh nghiệp hay 1 thương hiệu vẫn còn “ngủ quên trên chiến thắng”, hay chỉ “đứng yên” mà không có ý tưởng mới và không sáng tạo thì coi như doanh nghiệp đó đang “tự chết”.
Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương còn đưa ra nhận định tương lai khi cho rằng, trong thời gian tới, thực tế ảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến phát triển thương hiệu. Trong vòng 20 năm nữa, dưới tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần mai một.
“Không một quốc gia nào được có ý nghĩ công nghiệp 4.0 không ảnh hưởng đến mình, chỉ là ít hay nhiều và đang ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp. Công nghệ có thể giúp một thương hiệu thành công nhưng cũng có thể khiến nhiều thương hiệu sụp đổ. Chỉ tính riêng 15 năm qua, nhiều doanh nghiệp đã phá sản nhường chỗ cho thương hiệu mới với những ý tưởng sáng tạo mới”, ông Samir Dixic cho biết.
Thương hiệu cần được định vị ngay từ đầu
Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng hơn với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia.
Do đó, các doanh nghiệp, doanh nhân hiểu được ý nghĩa sống còn của thương hiệu và phát triển thương hiệu. Phải đầu tư bài bản để nâng cao được giá trị hàng hóa. Đồng thời, chủ doanh nghiệp cũng nhìn nhận và có sự đầu tư thích đáng cho việc phát triển thương hiệu của sản phẩm của mình.
CEO Lại Tiến Mạnh cho rằng, điều quan trọng nhất tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp không phải là tiền, chưa hẳn là công nghệ, mà chính là thái độ phục vụ, sự tôn trọng khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng nên thương hiệu cho mình bằng thái độ, lòng hiếu khách, chế độ hậu đãi, chăm sóc khách hàng.
CEO Lại Tiến Mạnh - Đối tác chính thức của Brand Finance tại Việt Nam |
Chính thái độ phục vụ, coi khách hàng là thượng đến mang đến thành công cho nhiều thương hiệu. “Cocacola ngày càng lớn lên trên thị trường vì có tinh thần vui vẻ nhiệt huyết thể hiện qua các hoạt động truyền thông, nghĩ đến Cocacola người ta thường nghĩ đến những hình ảnh quảng cáo vui nhộn, cuốn hút và hấp dẫn. Miss Johnson thì hướng người tiêu dùng đến hình ảnh một chuyên gia dinh dưỡng”, CEO của Brand Finance tại Việt Nam lấy ví dụ.
Do đó, để xây dựng thương hiệu trong thời kỳ công nghệ số, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những ý tưởng sáng tạo nhưng không phải là mới hoàn toàn, khác hẳn với những cốt lõi truyền thống đã xây dựng lâu năm, mà phải dựa trên nền tảng sẵn có, để tạo một thương hiệu đã từng được gây dựng và củng cố lớn lên thêm.
Đặc biệt trong thời đại 4.0, khi doanh nghiệp có thêm rất nhiều kênh thông tin cũng như sự hỗ trợ của công nghệ đông đảo người tiêu dùng thông thái. Trong bối cảnh đó, một thương hiệu sẽ có thêm nhiều cơ hội để dễ dàng tạo ra được những làn sóng ủng hộ mình nếu như biết vận dụng và thực hiện đúng cam kết về thương hiệu mà họ đã nói và làm cùng lúc.
“Đương nhiên doanh nghiệp cũng sẽ có những thách thức lớn, khi chỉ cần một sơ sẩy nhỏ nếu xử lý không khéo sẽ có thể dễ dàng bột phát thành những khủng hoảng lớn làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của mình. Người tiêu dùng sẵn sàng tập hợp thành một lực lượng lớn trên mạng xã hội thành cộng đồng để ủng hộ thương hiệu hoặc bài trừ một thương hiệu nào đó nếu như họ cảm thấy có những biểu hiện không đúng đối với kì vọng của họ”, ông Mạnh chỉ rõ nguy cơ.
Chính vì thế, CEO của Brand Finance tại Việt Nam khuyến nghị, chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp trong thời đại 4.0 cần có sự định vị rõ ràng ngay từ ban đầu. Việc định vị thương hiệu của doanh nghiệp cần phải được gắn với cam kết lâu dài để có thể theo đuổi định vị đó đến cùng. Chỉ khi doanh nghiệp tạo được lòng tin nhất định trong lòng khách hàng mới có thể tạm yên tâm vì chiến lược thương hiệu đó thành công./.
Thương hiệu nào có giá trị cao nhất Việt Nam năm 2019?
Từ khóa: xây dựng thương hiệu, định vị thương hiệu, chiến lược thương hiệu, thương hiệu việt, top 50 thương hiệu việt nam 2019
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN