Làm thế nào để tránh bị “sập bẫy” khi giao dịch bất động sản?
Cập nhật: 25/09/2019
Công an Hòa Bình phá án ma túy lớn
Xác định 29 phóng viên, CTV Tạp chí Môi trường và Đô thị có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản
VOV.VN -Để đảm bảo quyền lợi trong giao dịch bất động sản nhà đầu tư phải tìm hiểu các quy định pháp luật, tính pháp lý của bất động sản đó.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân xảy ra hàng loạt những vụ lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản gần đây xuất phát từ việc người mua thiếu kiến thức về giao dịch bất động sản, không kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, tính pháp lý, thông tin quy hoạch của dự án, không tìm hiểu kỹ thông tin thị trường nên dễ sập bẫy. Có những chủ đầu tư huy động vốn trái phép bằng cách ký hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn với khách hàng để lấy kinh phí làm dự án. Tuy nhiên, khi dự án không được cơ quan chức năng cấp phép các chủ đầu tư này tìm mọi cách để né tránh, thậm chí ôm tiền bỏ chạy.
Một yếu tố nữa khiến các vụ lừa đảo bất động sản có điều kiện thực hiện được, do chủ đầu tư nắm bắt được tâm lý kín đáo của khách hàng muốn giữ kín thông tin. Cho nên, chỉ đến khi biết mình là nạn nhân, họ mới làm đơn tố cáo tới các cơ quan bảo vệ pháp luật thì khi ấy các đối tượng đã cao chạy xa bay với số tiền chiếm đoạt được. Bên cạnh các thủ đoạn đó, nhiều chủ dự án cũng rất tinh vi như sử dụng thủ đoạn lập nhiều công ty, dùng giấy tờ giả để vay tiền đầu tư bất động sản, lập phương án kinh doanh giả, sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân hoặc làm giả sổ tiết kiệm đem thế chấp ngân hàng để vay vốn rồi chiếm đoạt,…
Theo Luật sư Cường, để đảm bảo quyền lợi trong giao dịch bất động sản nhà đầu tư phải tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan. Phải tìm hiểu rõ tính pháp lý của bất động sản đó (thửa đất, nhà ở, căn hộ chung cư) muốn giao dịch. Nếu chưa chắc chắn về độ tin cậy của giấy tờ thì người mua có thể đến kiểm tra thông tin tại các văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng công chứng….
Nếu là các dự án hình thành trong tương lai, theo Luật sư Cường, khách hàng phải xem thật sự có dự án đó không, của chủ đầu tư nào và phải kiểm tra kỹ thông tin liên quan đến chủ đầu tư. Bởi, theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì chủ đầu tư phải công khai những thông tin bắt buộc về dự án trên trang web doanh nghiệp hay sàn giao dịch… Ngoài ra, cũng cần xem xét chủ đầu tư đó có uy tín hay không, thông qua những dự án thực tế mà chủ đầu tư đó đã triển khai, tiến độ thực hiện dự án và các cam kết của chủ đầu tư trong quá trình triển khai, quá trình vận hành và quản lý sau khi bàn giao cho dân cư.
Bên cạnh đó, khách hàng khi có nhu cầu mua căn hộ có thể thỏa thuận với chủ đầu tư và ngân hàng làm hợp đồng bảo lãnh ngân hàng.
“Hợp đồng này thể hiện, khi nào chủ đầu tư xây nhà xong thì ngân hàng sẽ trả hết tiền 01 lần cho chủ đầu tư. Với hợp đồng bảo lãnh này, người mua nhà không cần phải trả tiền theo từng đợt cho chủ đầu tư, mà mang tiền đó gửi tiết kiệm. Điều này giúp người mua nhà không phải mất tiền nếu dự án rơi vào tranh chấp, cũng không phải sốt ruột nếu dự án chậm tiến độ, vì trong khoảng thời gian dự án kéo dài thì số tiền mua nhà vẫn phát sinh lãi từ ngân hàng”- Luật sư Cường nói.
Đặc biệt, khi giao dịch mua bán bất động sản, Luật sư Cường cho rằng, hai bên phải xác lập hợp đồng. Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng được xem là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục giao dịch bất động sản. Phải đảm bảo các thông tin trong hợp đồng là chính xác và đầy đủ, các giấy tờ làm căn cứ pháp lý là có thật… Ngoài ra, người mua cần thỏa thuận cụ thể về thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể, chế tài nếu vi phạm. Đối với tài sản hình thành trong tương lại, nếu chủ đầu tư không hoàn thành, người dân cần yêu cầu thanh lý hợp đồng./.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, các hành vi vi phạm trên đã quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó, người phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể phải đối diện với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.
Từ khóa: bất động sản, sập bẫy khi giao dịch bất động sản, Luật sư Đặng Văn Cường,
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN