Làm sao để vượt qua mặc cảm?
Cập nhật: 26/01/2021
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
[VOV2] - Mang căn bệnh động kinh khiến người con gái trong câu chuyện trở nên mặc cảm, tự ti và thấy tương lai thật mờ mịt.
Viết thư gửi về chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2, cô gái trẻ đang rất buồn, rất chán nản khi nghĩ về căn bệnh, về tương lai của mình. Nội dung câu chuyện của cô như thế này:
Năm nay, em 18 tuổi. Tuổi thơ của em cũng đẹp như bao người khác. Em được sống trong tình yêu thương và đùm bọc của gia đình, được vui chơi, học hành như bao bạn bè cùng trang lứa. Bất hạnh thay, vào 1 ngày, em phát bệnh động kinh, co giật cả người và mất ý thức. Từ ngày đó, em phải bỏ học, rời xa bạn bè và mái trường để chống chọi với bệnh tật.
Bố mẹ rất lo lắng, đưa em đi chạy chữa khắp nơi và mua bao nhiêu thuốc thang cho em uống. Thế nhưng mười mấy năm nay, căn bệnh của em vẫn không thể chữa khỏi. Thỉnh thoảng em lại phát bệnh, nhẹ thì chân em đau nhức và giật. Em luôn cảm thấy khổ sở, mặc cảm vì căn bệnh của mình. Lúc nào em cũng sợ hãi nếu chẳng may phát bệnh trước mặt mọi người thì sao? Lúc đó, mọi người sẽ nhìn em với ánh mắt như thế nào? Họ sẽ khinh ghét, ghê sợ hay thương hại em. Mà dù là đáp án nào, em cũng đều không muốn.
Hiện giờ, em đang ở chung với bà ngoại. Bà em năm nay đã ngoài 80 tuổi. Ông ngoại mất từ khi em còn nhỏ. Bố mẹ để 2 bà cháu ở chung cho vui. Bà em tuổi cao sức yếu, mắt lại kém, còn em bị bệnh động kinh nên cứ mỗi tháng, 2 bà cháu lại nhận được tiền trợ cấp của Nhà nước. Bà bảo với em rằng số phận của mỗi người mỗi khác. Thế nên có người bị bệnh, người thì không. Trời cho thế nào thì chúng ta phải chịu thế ấy, chứ cũng không biết làm sao được. Bà còn bảo bị ốm, bị cúm còn có thuốc chữa nhưng nhiều loại bệnh khác, y học phải bó tay, chứ không phải chỉ mình bệnh động kinh. Em biết rằng bà đang an ủi em rằng trên đời, còn nhiều người bất hạnh nhưng họ vẫn sống vui, sống có ích. Em không nên vì bệnh tật của mình mà tự ti, sống khép mình nhưng em vẫn không thể vứt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, không thể nhìn đời bằng con mắt lạc quan hơn. Lúc nào em cũng lo lắng không biết rồi đây, tương lai của em sẽ ra sao?
Vì căn bệnh động kinh nên em không được học hành đến nơi đến chốn, cũng không có công việc cố định. Có điều, ở thời điểm hiện tại, em đang làm cho 1 công ty gần nhà. Các cô, bác, các chị đồng nghiệp hỏi em đã có người yêu chưa? Em bảo: “18 tuổi rồi mà cháu chưa có nổi mảnh tình vắt vai. Người như cháu có lẽ không tìm nổi tình yêu của đời mình đâu.” Nghe em nói vậy, mọi người khuyên em không nên tự ti về bản thân như thế. Ở đời đâu chỉ mình em bệnh tật, nhiều người còn bệnh nặng hơn em mà vẫn lấy chồng, lấy vợ đấy thôi. Em mới 18 tuổi, không cần phải vội vã lo chuyện yêu đương, cứ yên tâm đi làm, rồi mở lòng, giao lưu với bạn bè. Sau vài năm nữa, rồi em sẽ tìm được 1 nửa của đời mình. Thế nhưng em biết đó chỉ là những lời động viên, khuyên nhủ thôi, còn thực tế em sẽ không được hạnh phúc. Căn bệnh của em chẳng thể chữa khỏi được. Cứ như vậy, chắc chắn sẽ chẳng ai muốn lấy 1 người con gái bệnh tật như em. Dù cho sau này, có người yêu em đi chăng nữa, khi biết bệnh của em, chắc chắn họ sẽ chùn bước. Em biết điều đó khi nhìn thấy ánh mắt của người xung quanh lúc biết về căn bệnh của em. Dù trước mặt, họ nói lời an ủi em đấy nhưng nếu thấy con cái, anh em mình quen 1 người như em, chắc chắn họ cũng sẽ phản đối.
Em rất buồn và mặc cảm vì căn bệnh của mình nhưng lúc nào cũng phải cố tỏ ra vui vẻ, cởi mở trước mặt mọi người. Em không muốn họ nhìn em bằng ánh mắt thương hại. Em cũng không muốn bố mẹ phải buồn, phải lo nghĩ cho em. Thế nhưng chính bản thân em còn không biết được cuộc đời sau này của mình sẽ ra sao? Giờ em còn bà, còn bố mẹ ở bên nhưng ai rồi cũng đến lúc phải ra đi. Khi ấy, chỉ còn mình em trên đời, em biết phải sống ra sao? Em không biết phải làm gì bây giờ, cũng không dám mở lòng với ai…
Các bạn có thể chia sẻ với cô gái trẻ bằng cách để lại lời nhắn dưới bài viết hoặc gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 trong giờ hành chính.
Từ khóa: bệnh tật, mặc cảm, tự ti, mất niềm tin
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2