Lạm phát khu vực đồng Euro tăng cao kỷ lục

Cập nhật: 01/06/2022

VOV.VN - Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu, giá cả tiêu dùng, đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng, tại châu Âu liên tục tăng cao kỷ lục trong 7 tháng qua khiến chỉ số lạm phát trong tháng 5 tại khu vực đồng Euro đã lên tới 8,1%.

Báo cáo trên được đưa ra sau khi một số nền kinh tế lớn của châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha liên tục đưa ra cảnh báo về xu hướng gia tăng trầm trọng giá tiêu dùng trong những ngày gần đây. Tại Đức, chỉ số lạm phát trong tháng 5 tiếp tục tăng mạnh, đạt kỷ lục mới là 8,7%, vượt qua dự đoán của các nhà phân tích là 8% và vượt xa mức lạm phát 7,8% trong tháng 4.‎ Lạm phát của Pháp cũng vượt kỳ vọng trong tháng 5 lên mức kỷ lục 5,8%, tăng từ 5,4% trong tháng. Trong khi đó, giá tiêu dùng của Tây Ban Nha cũng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.‎

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, hai nguyên nhân chính khiến giá tiêu dùng và tình trạng lạm phát liên tục tăng kỷ lục trên toàn khu vực đồng Euro trong 7 tháng qua chủ yếu là do giá cả năng lượng (tăng 39,2%) và giá thực phẩm, rượu và thuốc lá (tăng 7,5%) tiếp tục đà tăng mạnh so với các tháng trước. ‎‎Tuy nhiên, ngay cả khi giá năng lượng và thực phẩm không tăng, lạm phát vẫn sẽ tăng từ 3,5% lên 3,8%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giá tiêu dùng tăng cao đã và đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây. Nguyên nhân chính là do tác động bởi ‎‎cuộc xung đột ở Ukraine, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm và khí đốttại châu Âu.‎ Đầu tuần qua, sau khi các nhà lãnh đạo EU ‎‎nhất trí thông qua nghị quyết giảm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay, ‎‎ giá tiêu dùng tại thị trường châu Âu ngay lập tức tăng đáng kể‎‎. Theo ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, động thái này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 75% lượng dầu nhập khẩu của Nga.‎

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ‎‎Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết,‎ Hội đồng quản trị của ECB sẽ họp vào ngày 9/6 và sau đó vào ngày 21/7 tới nhằm xem xét các biện pháp tăng lãi suất từ cuối quý III/2022. Theo đó, nếu nền kinh tế khu vực đồng euro trở lên “quá nóng” do cú sốc giá tiêu dùng, lãi suất chính sách sẽ được điều chỉnh tăng tuần tự trên tỷ lệ tăng chỉ số tiêu dùng. ‎

‎Theo ông Jari Stehn, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Âu của Tập đoàn Goldman Sachs, ngân hàng Phố Wall dự kiến sẽ tăng 25 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi của ECB tại các cuộc họp sắp tới, nhằm đưa lãi suất từ -0,5% hiện tại lên 1,5% vào tháng 6 năm 2023. Tập đoàn Goldman dự đoán lạm phát khu vực đồng Euro sẽ đạt đỉnh 9% vào tháng 9 năm nay.‎

Ông Stehn nhấn mạnh: “Giá năng lượng và các vấn đề toàn cầu đều có ảnh hưởng sâu sắc tới mức tăng giá tiêu dùng. Dù bỏ qua giá thực phẩm và năng lượng thì tỉ lệ lạm phát hiện nay vẫn đang ở mức khoảng 3,5% và mức tăng trưởng tiền lương cũng chỉ ở mức trên 2%. Vì vậy, áp lực lạm phát cơ bản trong khu vực đồng Euro chắc chắn đã được củng cố, đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng lạm phát tại châu Âu sẽ được bình thường hóa khá nhanh. Tuy nhiên, tỉ lệ lạm phát ở châu Âu không ở cùng một mức mà chúng ta đang thấy ở Mỹ và Anh. Tại đây, lạm phát cơ bản đang duy trì ở mức khoảng 6% và các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED, cũng cần có cách tiếp cận quyết đoán hơn để thắt chặt chính sách so với ECB”.‎/.

Từ khóa: lạm phát, lạm phát khu vực đồng Euro, lạm phát tăng cao kỷ lục

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập