Lâm Đồng xây dựng thương hiệu để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Dù bị ảnh hưởng từ những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng vẫn tăng trưởng 6,1% so với năm 2023. Để có được kết quả này, ngoài mở rộng liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu được tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện.

Năm 2024 là năm đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sản xuất - kinh doanh của anh K’Hoàng, dân tộc K’ho ở thôn Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Khởi nghiệp với 1.000m2 nhà kính vào năm 2017, đến nay anh đã mở rộng quy mô sản xuất lên 7.000m2. Các nông sản anh làm ra đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. K’Hoàng cho biết, ngoài yếu tố năng suất và chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn, việc sản xuất theo đơn đặt hàng, uy tín trong liên kết sản xuất kinh doanh mới là chìa khóa quan trọng để thành công.

"Để tạo ra được giá trị nông sản thì chúng ta phải quản lý được 4 khâu quan trọng nhất, đó là thị trường đầu ra, giá cả cho đơn đặt hàng của mình; có kế hoạch sản xuất; quản lý được khâu đầu vào và quản lý được chi phí sản xuất. Sản xuất theo đơn đặt hàng thì không phải lo lắng về tình trạng được mùa mất giá, sự thay đổi giá cả của thị trường, ở đây chỉ cần chúng ta yên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng để giao sản phẩm cho khách hàng mà thôi”, anh K’Hoàng nói.

Cũng như anh K’Hoàng, hàng trăm nông dân trồng hoa ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cũng đưa sản phẩm hoa tươi của mình được xuất khẩu nhờ liên kết sản xuất với các đơn vị doanh nghiệp lớn.

Theo ông Huỳnh Đình Phước, ở phường 8, thành phố Đà Lạt, bây giờ, giá bán hoa, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian giao hàng, thời gian thanh toán… đã rất minh bạch, không còn tùy ý thương lái định đoạt như trước. Bởi vậy, người trồng hoa có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn, chủ động và chuyên nghiệp hơn trong sản xuất.


Ông Huỳnh Đình Phước nói: “Trước đó tôi làm và bán ra bên ngoài cho thị trường nên thu nhập không ổn định vì giá cả rất bấp bênh. Liên kết sản xuất với các công ty ổn định hơn vì họ đã có sẵn thị trường nên mình chỉ việc giao hàng, phần còn lại là cho mình thu nhập cao hơn so với làm tự bán bên ngoài”.

Theo bà Trương Thị Minh Tuyết, phụ trách hợp tác sản xuất Công ty Dalat Hasfarm, doanh nghiệp có hệ thống trang trại liên kết sản xuất hoa hàng đầu thành phố Đà Lạt, để liên kết với người trồng hoa được bền vững, doanh nghiệp đã thành lập quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Nông dân nào cần vốn sẽ được hỗ trợ từ 100 đến 150 triệu đồng/vụ hoa mà không cần phải trả lãi suất.

“Để sự hợp tác với nông dân được tốt thì về phía công ty cũng đã có một số hoạt động hỗ trợ. Ngoài hỗ trợ vốn, nguồn cây giống do công ty đưa ra cho nông dân sản xuất phải lựa chọn đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu. Công ty cũng đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn chất lượng cho từng nhóm hoa mục để các hộ nông dân tham khảo, qua đó nắm rõ rằng khi trồng thì sẽ phải tuân thủ như thế nào mới đạt tiêu chuẩn đưa vào công ty. Hiện nay, số lượng xuất khẩu của hàng hợp tác đã ngày càng tăng”, bà Tuyết nói.

Ngoài vấn đề liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu và phát huy giá trị thương hiệu là giải pháp quan trọng trong thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng vào năm 2017, với 4 sản phẩm đặc hữu tại TP Đà Lạt và các huyện lân cận, gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Hiện đã có 768 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng thương hiệu, trong đó chủ yếu là sản phẩm hoa chiếm hơn 82%. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng đạt 986 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Hiện Lâm Đồng đang tiếp tục mở rộng thêm đối tượng sử dụng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản khác của địa phương, qua đó tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Phạm S nói: “Tỉnh quyết định mở rộng một số sản phẩm, những sản phẩm này sẽ tham gia sử dụng thương hiệu cùng với 4 sản phẩm chủ lực ban đầu. Có như vậy mới khai thác được giá trị đặc sản của Đà Lạt cũng như nâng cao được vị thế sản xuất, khích lệ được các chủ thể, nhất là người nông dân, chủ trang trại tiếp tục ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn để khai thác giá trị, tiềm năng của TP Đà Lạt và vùng phụ cận”.

Bước sang năm mới 2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” là ngành hàng quan trọng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ khóa: sản xuất, sản xuất, nông sản, thương hiệu,lâm đồng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: quang sáng/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan