Lãi suất của các ngân hàng đã rục rịch tăng từ hồi tháng 10 vừa qua, tuy nhiên, càng về cuối năm, mức tăng này càng cao hơn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến đầu tháng 12, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND ở các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng từ 5,3%-6,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức phổ biến 6,5%-7,3%/năm.
Tuy nhiên, ở nhiều ngân hàng thương mại, mức lãi suất huy động từ 12 tháng trở lên đã cán mốc 8,5%/năm, thậm chí xấp xỉ 9%/năm. Cùng với việc điều chỉnh lãi suất trên biểu lãi suất huy động thông thường, một số ngân hàng áp dụng chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất với mức khá cao.
Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động thông thường kỳ hạn 6 tháng là 7,1%/năm nhưng nếu tham gia sản phẩm tiết kiệm Đắc Lộc Tài cùng kỳ hạn sẽ được lãi suất tới 8,1%/năm.
|
Cuối năm, lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay tăng lên. (Ảnh minh họa: KT) |
Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital), khách hàng gửi tiền từ 12 tháng trở lên lãi suất là 8%/năm. Còn mức lãi suất tiền gửi cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng ở kỳ hạn từ 24 tháng 8,6%/năm.
Mức độ điều chỉnh lãi suất giữa các ngân hàng tương đối khác nhau, dẫn tới chênh lệch
lãi suất huy động trên thị trường giữa các nhà băng khá lớn. Cùng ở các kỳ hạn dài, lãi suất chênh nhau có lúc lên đến 1-1,5%/năm.
Trong báo cáo mới đây, công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay, áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì đến tận cuối Tết âm lịch. Lý do là các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% vào đầu năm 2019 theo Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, nhu cầu tín dụng lớn cuối năm cũng tạo sức ép đẩy lãi suất tăng cao.
Với lãi suất đầu vào tăng, nhiều người lo ngại, điều này sẽ gây nhiều áp lực lên lãi suất cho vay, đặc biệt là các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn theo lãi suất linh hoạt, bởi trung bình 3 tháng, lãi suất sẽ bị điều chỉnh một lần.
Chị Trần Bích Ngọc, chủ một cơ sở sản xuất bánh mứt Tết ở Thụy Khuê, Ba Đình (Hà Nội) cho biết, do là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn vốn hạn chế, 60% số vốn để sản xuất phải vay từ ngân hàng. Hiện lãi suất doanh nghiệp vay khoảng 8-9%/năm cho vốn ngắn hạn.
Trước động thái tăng lãi suất ở mức cao của các ngân hàng, chị Ngọc rất lo lắng. Nếu lãi suất cho vay được điều chỉnh thì sẽ kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Vào thời điểm cuối năm, giá nguyên liệu sản xuất cũng tăng, trong khi giá thành sản phẩm thì không thể tăng để giữ chân khách hàng… Đây là điều mà doanh nghiệp của chị Ngọc nói riêng và nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nói chung đang quan ngại.
Với lãi suất cho vay tiêu dùng dài hạn, mức áp dụng của các ngân hàng từ 17,2% trở lên. Đây cũng là gánh nặng cho người vay bởi lãi suất ngân hàng vẫn có xu hướng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Đầu năm 2018, gia đình anh Đỗ Văn Quân, ở Trung Hòa (Cầu Giấy) vay 500 triệu tại một ngân hàng để mua nhà, với lãi suất khoảng 14,3%/năm, mỗi tháng vợ chồng anh phải trả góp hơn 7 triệu đồng. Đến thời điểm này, mức lãi suất đã tăng lên 17,2%, số tiền trả lãi hàng tháng là gần 9 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng phát sinh thêm khoảng 1,7 triệu đồng nữa, số tiền này là không nhỏ với một gia đình công chức như vợ chồng anh.
Anh Quân lo lắng, cuối năm cũng là thời điểm Tết cận kề, phải chi tiêu nhiều hơn, để có thể cân đối tài chính, gia đình anh buộc phải chi tiêu tiết kiệm hơn và cắt giảm các khoản chi không cần thiết.
Về cuối năm, động thái tăng lãi suất diễn ra ở cả ngân hàng lớn và các ngân hàng nhỏ, theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, có nhiều yếu tố khiến các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng lãi suất đầu vào thời gian qua. Thứ nhất, nhu cầu vay vốn dịp cuối năm tăng cao hơn bình thường buộc ngân hàng thương mại phải thu hút vốn huy động nhiều hơn. Thứ 2, các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn, cả ngắn, trung và dài hạn nhằm đáp ứng quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Theo nhận định của giới chuyên môn, bất cứ khi nào lãi suất huy động tăng cũng sẽ tác động và tạo áp lực khiến lãi suất cho vay tăng. Việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí tài chính, từ đó tăng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có thể bù trừ vào chi phí phát sinh do lãi suất tăng bằng cách phát hành trái phiếu, cắt giảm chi phí lao động hoặc những chi phí không cần thiết./.
Chung Thủy/VOV.VN