Lại hoãn xử vụ Nhà máy thép kiện chính quyền Đà Nẵng
Cập nhật: 25/02/2020
VOV.VN -Dự kiến sáng 25/2, TAND TP.Đà Nẵng mở lại phiên sơ thẩm. Một lần nữa, Toà đã cho 2 bên tiếp tục thảo luận, tìm giải pháp hòa giải.
Theo dự kiến, ngày 25/2, TAND TP.Đà Nẵng mở phiên sơ thẩm xét xử vụ Nhà máy thép Dana Ý kiện UBND TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, Tòa hoãn xử và tiếp tục cho 2 bên tìm giải pháp hòa giải.
Kể từ đầu năm 2018, khi 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc bị chính quyền TP.Đà Nẵng buộc đóng cửa vì cho là gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp điêu đứng, hàng ngàn lao động mất việc.
Công ty Cổ phần Thép Đa Na- Ý sau 1 năm dừng hoạt động. |
Sau nhiều lần hòa giải bất thành, ngày 27/12/2019, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Nhà máy thép ĐaNa- Ý kiện UBND thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, Tòa đã hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính này do phía bị đơn xin hoãn. Tiếp đó, TAND TP.Đà Nẵng hoãn phiên xét xử sơ thẩm hôm 24/1/2020 vì cho rằng cận Tết Nguyên đán (nhằm 27 Tết).
Theo thông báo, dự kiến sáng 25/2, TAND TP.Đà Nẵng mở lại phiên sơ thẩm. Tuy nhiên, Toà đã cho 2 bên tiếp tục thảo luận, tìm giải pháp hòa giải.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Dana Ý cho rằng không doanh nghiệp nào muốn kiện chính quyền, nhất là khi dừng hoạt động một ngày thì nợ nần ngân hàng tăng chóng mặt như hiện nay. Tuy nhiên nếu không có giải pháp khả thi để di dời, đền bù hoặc di dời dân để các nhà máy hoạt động lại thì khó tránh được vụ kiện.
Không chỉ trong nước mà các cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đưa vụ kiện ra Tòa quốc tế.Như vậy, không chỉ khó cho doanh nghiệp mà chính quyền cũng sẽ mất uy tín, khả năng đền bù mức nhiều hơn.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Dana - Ý cho biết, đã nhiều lần bị chính quyền thành phố yêu cầu dừng hoạt động nhà máy. Hiện số tiền nợ xấu các ngân hàng của công ty và thiệt hại khác gần 1.500 tỉ đồng. Công ty này đã nộp đơn khởi kiện UBND thành phố, đòi bồi thường thiệt hại gần 400 tỉ đồng.
Máy móc tại Nhà máy thép Đa Na- Ý trở thành đống phế liệu. |
“Hiện tại, doanh nghiệp đã lỗ số tiền 700 tỷ đồng, thiệt hại từ ngày dừng đến giờ và số tiền di dời cũng phải mất 700 tỷ đồng nữa. Trong khi đó, số tiền lỗ thì có thể thành phố hỗ trợ một phần, còn lại chúng tôi xin chuyển mục đích sử dụng một phần quỹ đất để bán lấy tiền”-ông Huỳnh Văn Tân nói.
Như VOV phản ánh, năm 2006, 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana – Úc được di dời, bố trí tại Khu công nghiệp tập trung Thanh Vinh ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Lúc bây giờ, theo quy hoạch, giai đoạn 2 của khu Công nghiệp Thanh Vinh còn mở rộng thêm hàng chục hecta. Tuy nhiên, do thực tiễn đầu tư công nghiệp chậm phát triển, thiếu doanh nghiệp sản xuất nên từ 2008, Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch, hủy giai đoạn 2, không mở rộng khu Công nghiệp Thanh Vinh. Điều này đồng nghĩa với việc 2 nhà máy thép liền kề với khu dân cư. Cho rằng 2 nhà máy gây ô nhiễm môi trường, người dân Hòa Liên phản ứng, đề nghị chính quyền giải quyết.
Thời điểm này, liền kề với các nhà máy thép có 30 hộ dân, chính quyền đã lập phương án dời dân đến khu tái định cư. Khu ở mới chưa xây xong thì đã xảy ra hiện tượng xây dựng nhà tạm, chia khẩu, tách hộ để "chạy" đền bù... Từ 30 hộ ban đầu, đến năm 2015 đã phát sinh thêm 500 hộ. Việc tách thửa, chia lô, đăng ký thêm khẩu với hơn 1.200 lô đất. Vỡ quỹ đền bù, di dân, chính quyền dừng phương án giải tỏa, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tăng nhân khẩu...
Lúc này, nhà máy vẫn hoạt động, dân vẫn ở và ngày càng đông nên xảy ra xung đột. Từ năm 2016-2018, người dân liên tục bao vây nhà máy. Một số khác tạo áp lực với chính quyền để sớm được đền bù, để "thu hồi vốn" đã "đầu tư" vào việc chạy đền bù giải tỏa. Đây là những lý do Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương đóng cửa 2 nhà máy, buộc di dời./. Xét xử vụ doanh nghiệp kiện UBND và Chủ tịch TP Đà Nẵng ngày 27 Tết
Từ khóa: Công ty Dana Ý, Nhà máy thép kiện chính quyền Đà Nẵng, TAND TP.Đà Nẵng
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN