Lá phổi xanh thế giới “biến dạng” vì lửa - Con người đang kêu cứu
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đang kêu cứu và cuộc sống của con người cũng đang bị đe dọa khi lá phổi xanh của thế giới đang biến dạng vì lửa.
Các cánh rừng Amazon bị tàn phá với những bức ảnh về các loại thú rừng chết cháy hay hệ sinh thái tại Amazon đang bị tàn phá đang ám ảnh người dân thế giới. Cùng chung số phận này là cuộc sống của những bộ lạc đang sinh sống dưới tán rừng Amazon.
Vạt rừng Amazon đang bốc cháy. Ảnh: CNN |
Đối với người thiểu số Myky tại Amazon, họ có thể sống sót qua thời thuộc địa Bồ Đào Nha, những bệnh dịch chết người hàng loạt từ châu Âu hay thậm chí là những mối đe dọa và tàn sát từ những người địa phương khác muốn lấn chiếm đất đai. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đang bị hủy hoại hơn bao giờ hết khi những cánh rừng đang bị thiêu rụi.
Một người dân bộ tộc Myky chia sẻ: “Đối với tôi, rừng, động thực vật ở đây là nguồn sốn của chúng tôi. Nó cho chúng tôi thức ăn, nước uống và sự sống. Do đó chúng tôi sẽ tự bảo vệ cuộc sống của mình”.
Không chỉ là những thổ dân sống trong rừng Amazon, nhiều thành phố lớn của Braxin cũng phải đối mặt với ảnh hưởng sức khỏe do các đám cháy rừng Amazon.Ngày 24/8 vừa qua, phần lớn người dân thành phố Sao Paulo của Braxin phải ở trong nhà cả ngày để tránh bụi,cuộn khói bụi khổng lồ trên bầu trời giống như mây bão khiến cả thành phố rộng lớn tối sầm dù đang giữa ban ngày.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các vụ cháy rừng Amazon có nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
Giám đốc Trung tâm Y tế công cộng, môi trường và các vấn đề xã hội của Tổ chức Y tế thế giới bà Maria Neira cho biết, WHO đã nhận được một số báo cáo của các cơ sở y tế địa phương về việc gia tăng số trẻ em mắc các bệnh đường hô hấp. Các phân tử gây ô nhiễm sẽ vẫn tồn tại "trong một thời gian dài" tại những khu vực xảy ra cháy, gây mối lo ngại đối với sức khỏe của người dân địa phương.
“Chúng ta cần phải nghĩ đến các tác động đối với người dân sinh sống tại Amazon. Ít nhất 1 triệu người bản địa đang sống ở đó. Chúng ta cần phải tính đến cả tác động ngắn hạn và dài hạn đối với các chất độc hay khói sản sinh ra do đám cháy, có thể liên quan đặc biệt đến vấn đề hô hấp. Nó sẽ không khác so với ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe chúng ta, có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng khác bao gồm các vấn đề về hô hấp, tim mạch”, bà Maria Neira nói.
Các tác động của thảm họa cháy rừng Amazon bắt đầu hiện hữu và ở mức độ dài hạn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Braxin cùng sự hỗ trợ của các nước trong khu vực đang tích cực huy động các nguồn lực để đối phó với cháy rừng. Quân đội Brazil ngayf 30/8 cho biết đang thảo luận với các nước như Chile, Israel, Ecuador và Mỹ về các đề xuất hỗ trợ cháy rừng, đồng thời khẳng định Brazil sẽ đề nghị khi thấy cần thiết.
Với quy mô cháy rừng lớn như hiện nay, nỗ lực của riêng Brazil chắc không đủ, mà cần sự chung tay của cả thế giới. Trong thông điệp trên trang mạng xã hội gửi tới toàn thế giới, Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã nhấn mạnh rằng:“Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Rừng Amazon - lá phổi của trái đất sản sinh 20% lượng oxy toàn cầu - đang bốc cháy. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc tế và cần sự hợp tác hành động ở qui mô toàn cầu” ./.
Từ khóa: rừng nhiệt đới, Amazon, cháy rừng Amazon
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN