Lạ lùng chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019
Cập nhật: 25/09/2019
Thu Trang nói gì về diễn xuất của Hoa hậu Thiên Ân trong "Nụ hôn bạc tỷ"?
Luxury cruise ship brings 4,400 international visitors to Hue in early 2025
VOV.VN -Nhìn lại "Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019" để thấy thêm nhiều khuất tất từ những người tổ chức, cũng như sự chưa sát sao của các cơ quan chức năng.
Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 bị dừng tổ chức vào phút chót chiều 13/7. Nhìn lại chương trình lạ lùng này để thấy thêm nhiều khuất tất từ những người tổ chức, cũng như sự chưa sát sao của các cơ quan chức năng.
Cố đấm ăn xôi
Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 hâm nóng dư luận suốt từ khâu tổ chức tới loạt danh hiệu, giải thưởng. Thanh tra Sở VHTT Hà Nội vào cuộc từ 8/7, tiếp tục làm việc ngày 12/7 yêu cầu BTC cung cấp các giấy tờ hợp lệ. Bà Nguyễn Thụy Oanh, Trưởng BTC chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 còn khóc lóc ở cuộc gặp báo chí chiều 10/7, giải thích đẻ ra chương trình này vì quá ít phụ nữ Việt Nam được ghi nhận, tôn vinh.
Sở VHTT Hà Nội có công văn khẩn gửi Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị giám sát chương trình. Tuy nhiên ông Ngô Duy Đông, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc trả lời rằng Vĩnh Phúc không cấp phép cho cả chương trình mà chỉ cấp phép hai ca khúc trong chương trình tối 13/7. Cực chẳng đã chiều 12/7, ông Tô Văn Động tiếp tục báo cáo hỏa tốc lên UBND TP Hà Nội. Trong báo cáo, ông Động nói tuy chưa đủ căn cứ kết luận đây là cuộc thi nhan sắc, nhưng nhận thấy dấu hiệu cuộc tôn vinh, trao giải cho doanh nhân và doanh nghiệp này thuộc thẩm quyền ngành Nội vụ, theo đúng Quyết định 51 của Thủ tướng. Sở đề nghị UBND TP Hà Nội cho các cơ quan liên ngành vào cuộc giám sát, xử lý trong trường hợp làm sai.
Tối 12/7, đơn vị tổ chức vẫn làm Gala Diner tại tầng 2 của Cung, an ninh thắt chặt và gây khó dễ cho báo chí. Dư luận đồn đoán rằng dễ BTC trao luôn danh hiệu tại tiệc tối này. Đoàn thanh tra, Ban giám đốc Cung túc trực để giám sát chương trình. Trước đó bà Nguyễn Thụy Oanh cam kết không có chuyện trao giải. Bị giám sát chặt chẽ nên một số phần chưa thông báo tới cơ quan chức năng cũng không diễn ra.
BTC tổng duyệt sáng 13/7, bên cạnh hai ca khúc vẫn có các màn giới thiệu thành tích hội viên, trao tặng thành tích. Sau khi Cung yêu cầu bỏ chữ “Tôn vinh” trên banner, poster ở sảnh Cung, BTC cũng đổi không gọi “Nữ hoàng” trong các màn công bố, thay vào đó lách bằng cách gọi “gương mặt tiêu biểu và điển hình”. Trong thời gian tổng duyệt, BTC công bố 14 gương mặt tiêu biểu, điển hình như: Gương mặt tiêu biểu ngành làm đẹp, ngành spa, ngành nghề mỹ phẩm thảo dược, Cô đồng tiêu biểu.
Chiều 13/7 BTC làm việc với các cơ quan chức năng, vẫn không có ý định ngừng. Tuy nhiên chiều 13/7, Giám đốc Cung Văn hóa Hữu nghị ký văn bản yêu cầu dừng, do BTC “không cung cấp được các giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc tổ chức chương trình”. Văn bản tạm dừng vào 17h thì khoảng 18h, bà Thụy Oanh ký thông báo dừng tổ chức “vì lí do đặc biệt”.
Nhiều kẽ hở
BTC đưa đề án Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam không rõ ràng, nhập nhèm giữa thi nhan sắc và tôn vinh danh hiệu. Bà Thụy Oanh cho rằng đây không phải cuộc thi nhan sắc thế nhưng trong qui chế tham dự có điều kiện “có vẻ đẹp ưa nhìn”. Lí giải rằng đây là hình thức tôn vinh doanh nhân, BTC dường như không đủ chức năng để thực hiện theo Quyết định 51 của Thủ tướng. Không những thế, qui định “hồ sơ đủ điều kiện” phải nộp 10 triệu đồng là vi phạm quy định tôn vinh.
Quyết định 51 năm 2010 của Thủ tướng ban hành kèm Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Điều 5 quy định phạm vi tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao thưởng toàn quốc, với tần suất 3-5 năm một lần. Điều 6 của Quy chế này quy định Thẩm quyền quyết định Phạm vi tổ chức toàn quốc do Thủ tướng xem xét, phê duyệt theo đề nghị của Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Trong các cuộc làm việc với cơ quan chức năng Hà Nội, BTC không trình được các giấy tờ hợp lệ, thậm chí đề án tổ chức không được phê duyệt.
Dư luận phản ứng với cung cách tôn vinh bát nháo từ phía BTC, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi tạo cơ hội cho những người làm ăn thiếu nghiêm túc có cơ hội đánh lận con đen.
Cụ thể Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép chương trình biểu diễn nghệ thuật trình diễn thời trang. Khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở lại giải thích chỉ cấp phép cho hai ca khúc, không phải cho nội dung về tôn vinh. Chương trình nghệ thuật kéo dài hơn hai tiếng mà chỉ hai ca khúc liệu đủ hợp lý? Trong công văn ngày 11/7 Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc phúc đáp công văn của Sở Hà Nội, lãnh đạo Sở Vĩnh Phúc cho rằng Sở mình không đủ thẩm quyền cấp phép các nội dung về tôn vinh. Đơn vị này cũng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát buổi tổng duyệt được cấp phép, tất cả nội dung giám sát đều do Sở VHTT Hà Nội, thanh tra và Ban Giám đốc Cung thực hiện.
Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 phải dừng tổ chức vào phút chót. Ảnh: TRẦN HIỆP |
Đơn vị tổ chức xin cấp phép từ Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ cần thông báo tới Sở VHTT Hà Nội khi đăng ký tổ chức ở Cung Văn hóa Hữu nghị theo đúng quy định của Nghị định 79. Đúng theo lí giải của Giám đốc Sở VHTT Hà Nội rằng Sở này không có thẩm quyền rút giấy phép tổ chức biểu diễn, tuy thế, Sở Hà Nội cũng có phần buông lỏng trách nhiệm: tiếp nhận giấy thông báo nhưng không xem xét kỹ nội dung chương trình tôn vinh này, bởi Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc chỉ cấp phép hai ca khúc, không hề nhắc tới nội dung tôn vinh./.
Từ khóa: Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019, khuất tất Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019, cuộc thi Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019, sai phạm Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019, khuất tất Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN