Là dược liệu quý, nhưng phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum vẫn gặp khó

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Với giá trị kinh tế cao và là dược liệu quý nhưng để phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum luôn là một thách thức đối với các nhà đầu tư.

Với giá trị dược liệu đặc biệt riêng có, cây sâm Ngọc Linh được tỉnh Kon Tum xác định là cây trồng chủ lực và đang tạo ra làn sóng mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư.

Với giá bán tới trên 100 triệu đồng 1 kg củ tươi như hiện nay, cây sâm Ngọc Linh hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế lớn, đồng thời giúp địa phương hình thành được ngành công nghiệp chế biến dược liệu.Tuy nhiên đi cùng cơ hội luôn là những thách thức và việc phát triển cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum cũng không ngoại lệ.

thach thuc trong phat trien cay sam ngoc linh o kon tum hinh 1
Môi trường dưới tán rừng tự nhiên bị tác động khiến cây sâm Ngọc Linh khó phát triển và phát sinh dịch bệnh.

Từ sau Hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác được tỉnh Kon Tum tổ chức vào tháng 9/2018, đang có một làn sóng mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư vào địa phương. Đến nay, đã có 10 doanh nghiệp được tỉnh giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu với tổng diện tích trên 7.600 ha tại hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.

Trong đó, hầu hết diện tích là rừng tự nhiên. Cùng với tín hiệu đáng mừng trong việc thu hút doanh nghiệp phát triển dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh thì cũng có những lo ngại đối với công tác quản lý tài nguyên rừng.

Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết:“Khi cho thuê rừng thì chưa thống kê phụ lục bao nhiêu gỗ, chủng loại, các loại gỗ như thế nào. Doanh nghiệp nếu làm ăn tốt thì không sao, nhưng làm không tốt cho thuê doanh nghiệp sẽ rào chắn lại rất khó quản lý. Nửa đêm họ chở gỗ ra thì sao có thể quản lý được...”.

Cùng với lo ngại trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, việc trồng cây sâm Ngọc Linh như hiện nay cũng chưa thực sự bảo đảm tính bền vững. Mặc dù cây sâm Ngọc Linh chỉ sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên, song khi doanh nghiệp triển khai trồng loại cây này cũng đã tác động rất lớn tới môi trường rừng tự nhiên.

Cụ thể là việc phát dọn thực bì, làm đường đi, chia lô, đánh luống để trồng sâm… Sự can thiệp quá mạnh vào tự nhiên khiến môi trường gốc không nguyên vẹn, đất trồng sâm bị rửa trôi cộng với tình trạng biến đổi khí hậu khiến cây sâm Ngọc Linh có dấu hiệu sinh trưởng phát triển kém. Cùng với đó việc trồng sâm mật độ dày, quy mô công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh nảy sinh.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô, doanh nghiệp Nhà nước được tỉnh Kon Tum giao thực hiện nhiệm vụ bảo tồn phát triển giống sâm Ngọc Linh từ hàng chục năm nay cho biết, từ năm 2017 đến nay đơn vị ghi nhận trên cây sâm Ngọc Linh đã xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm.

thach thuc trong phat trien cay sam ngoc linh o kon tum hinh 2
Một cây sâm Ngọc Linh (góc phải ảnh) bị bệnh thán thư.

Ông Chung cho rằng: “Có hai bệnh chính rất nguy hiểm, bệnh nhũn thân rồi thối củ. Bệnh này nếu không phát hiện, không chữa trị kịp thời tốc độ lây lan rất nhanh chỉ trong vòng khoảng 10 ngày thì có thể cả vườn ươm bị thiêu hủy luôn. Bệnh thứ hai nữa là bệnh nấm thán thư, bệnh này xuất hiện ở những vườn sâm giống cho hoa, cho trái. Bị vàng lá, thối lá rồi rụng lá, rụng luôn cả thân. Bệnh này cũng phát tán rất nhanh. Nếu như không phát hiện, không xử lý kịp thời thì cũng trong vòng 1 tháng là cả vườn hỏng”.

Trong những năm gần đây để xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã đầu tư nguồn lực, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và có những bước đi bài bản nhằm “nâng tầm thương hiệu”.

Sự kiện Triển lãm “Di sản Văn hóa- Sâm Ngọc Linh Kon Tum báu vật đại ngàn” diễn ra đầu năm 2019 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Thủ đô Hà Nội là một cách giới thiệu, quảng bá độc đáo và sáng tạo của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên các yếu tố cơ bản để định vị thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh còn đang ở mức rất khiêm tốn.

Ví dụ cụ thể là sự đơn điệu của sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh. Người tiêu dùng nếu không mua sâm ở dạng nguyên củ thì cũng chỉ có một vài sản phẩm để lựa chọn, như rượu sâm, trà sâm, dịch chất sâm… Bên cạnh đó, bản sắc riêng và hàm lượng văn hóa trong sản phẩm còn khá mờ nhạt.

Đến nay tổng diện tích sâm Ngọc Linh mà tỉnh Kon Tum phát triển được cũng mới vào khoảng 600ha, chưa đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Gắn bó với tỉnh Kon Tum và rất quan tâm đến việc phát triển, chế biến dược liệu, ông Lee Han Su, một doanh nhân Hàn Quốc cho rằng, địa phương còn nhiều việc phải làm để xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.

Ông Lee Han Su cho biết: “Muốn đa dạng hóa sản phẩm thì mình phải làm tăng sản lượng. Muốn tăng sản lượng thì phải nghiên cứu về kỹ thuật trồng cây sâm Ngọc Linh như thế nào để cho phát triển. Khi mà kỹ thuật trồng áp dụng được rồi, tăng sản lượng được rồi khi đó mình mới đa dạng hóa sản phẩm được. Khi mà đa dạng hóa được sản phẩm thì khi đó bắt đầu hình ảnh thương hiệu của mình mới nhiều lên. Đó là kiến thức mà Hàn Quốc đã từng trải qua”.

Trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh hiện nay ở tỉnh Kon Tum, việc được sở hữu chỉ dẫn địa lý loại dược liệu quý này đang vừa là lợi thế của địa phương, doanh nghiệp song cũng là sức ì đối với nỗ lực tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho việc trồng sâm.

Hiện tại các doanh nghiệp và người dân địa phương chủ yếu trồng sâm Ngọc Linh theo phương pháp truyền thống dưới tán rừng tự nhiên ở độ cao từ 1.800 - 2.500m trên vùng núi Ngọc Linh. Trong khi đó theo Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, chỉ áp dụng khoa học công nghệ mới có thể nhanh chóng tạo được đột phá trong việc trồng sâm.

“Đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển trồng cây sâm nhưng cho đến nay chủ yếu là bằng phương pháp truyền thống trồng dưới tán rừng tự nhiên ở vùng bản địa Ngọc Linh. Tuy nhiên, nếu phát triển hướng này thì sản lượng tăng rất chậm không đủ cung cấp cho thị trường làm cho giá cả ngày càng tăng lên và đồng thời chất lượng cũng rất đáng báo động.

Vì vậy việc trồng sâm theo công nghệ mới trồng dưới đất phẳng và dưới mái che nhân tạo như là công nghệ trồng ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản mở ra một hướng rất là đột phá để phát triển cây sâm trong thời gian tới” - GS.TS. Nguyễn Minh Đức góp ý.

Cùng với những thách thức phải vượt qua trong công tác quản lý tài nguyên rừng, hình thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu…. việc phát triển cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum hiện còn đang đứng trước một thách thức nữa, đó là đã có nhiều tỉnh trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh và bước đầu có mô hình thành công.

Điển hình là việc áp dụng khoa học công nghệ vào trồng sâm Ngọc Linh dưới mái che ở tỉnh Lâm Đồng. Kết quả sau 5 năm trồng thử nghiệm cho thấy cây sâm Ngọc Linh cho năng suất, chất lượng cao với giá hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định sẽ nhanh chóng chuẩn hóa quy trình canh tác theo hướng công nghệ cao và từng bước chuyển giao để phát triển sản xuất quy mô lớn.

Nếu không muốn là địa phương giữ nhiều lợi thế nhưng có thể về sau trong phát triển thương mại cây sâm Ngọc Linh, chính quyền và người trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum song song với việc phát huy tối đa lợi thế riêng có cũng cần phải nhanh chóng tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình phát triển loại dược liệu quý này./.

Từ khóa: sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, trồng sâm ngọc linh, sâm ngọc linh, sâm quý việt nam

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập