“Lá chắn thép” Patriot có siêu việt như quảng cáo?
Cập nhật: 25/09/2019
Bản du lịch Sin Suối Hồ và dấu ấn của tình quân - dân
Các tàu Vùng 3 Hải quân rời bến làm nhiệm vụ trực biển trong dịp Tết Nguyên đán
VOV.VN - Patriot là một trong những hệ thống phòng không phổ biến nhất thế giới, đã nhiều lần tham gia thực chiến và được mệnh danh “Lá chắn thép”.
Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được tập đoàn Raytheon Mỹ phát triển để thay thế hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao Nike Hercules, và hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung MIM -23 Hawk. PATRIOT là viết tắt của “Phased Array Tracking Radar to Intercept on Target” - Radar theo dõi mảng theo pha để đánh chặn mục tiêu - có chức năng chống lại các mối đe dọa trên không - hệ thống tích hợp phòng thủ tên lửa và phòng không, được mệnh danh “Lá chắn thép”.
Hệ thống Patriot PAC-2; Nguồn: military-today.com. |
Được đưa vào trang bị cho Quân đội Mỹ giữa những năm 1980, hệ thống Patriot được trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động tích hợp AN/MPQ-53/65 để tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực, có thể phát đi 5.000 chùm tia mỗi giây; hệ thống nhận dạng “bạn-thù” IFF; hệ thống theo dõi qua tên lửa (TVM); cùng hệ thống hạn chế ảnh hưởng của các biện pháp gây nhiễu radar. AN/MPQ-53/65 là một radar độc đáo được thiết kế theo công nghệ "detection-to-kill" (phát hiện-tiêu diệt), có thể cùng lúc theo dõi 100 mục tiêu trong phạm vi 170km và kiểm soát 9 tên lửa.
Thông số về mục tiêu được bám sát bởi một radar duy nhất thông qua hệ thống chỉ huy AN/MSQ-104 nên độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, loại radar này đòi hỏi bộ vi xử lý số hóa mạnh để có thể đảm đương nhiều công việc cùng lúc; nếu radar bị trúng hỏa lực, hệ thống sẽ mất khả năng chiến đấu bởi không có radar phụ trợ. Tên lửa Patriot có cơ chế dẫn hướng khá tinh vi, giai đoạn đầu - bằng quán tính, giai đoạn giữa - theo cơ chế bám theo đạn, giai đoạn cuối - sử dụng radar chủ động để khóa mục tiêu.
Patriot có nhiều biến thể: MIM-104A, MIM-104B (PAC-1), MIM-104C (PAC-2), MIM-104D (PAC-2-GEM), MILM-104F (PAC-3), với phạm vi tác chiến từ 30-170km tùy biến thể. Các tên lửa được vận chuyển và phóng từ trạm phóng M901, có thể mang tới bốn tên lửa PAC-2 hoặc tối đa mười sáu tên lửa PAC-3, mỗi bệ phóng có bốn tên lửa. Container phóng dài 6,1m, rộng 1,09m, cao 0,99m, trọng lượng rỗng 794kg và có tải là 1.696kg. Các ưu điểm của hệ thống này là thời gian phản ứng ngắn, có khả năng theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu, cơ động tốt và chống nhiễu điện tử cao.
PAC-3 có bộ tìm sóng Ka dải milimet do hãng Boeing phát triển, hệ thống dẫn đường tên lửa cho phép phá hủy mục tiêu thông qua động năng được giải phóng bằng cách đánh trực diện vào mục tiêu - công nghệ “body-to-body” (hiệu ứng va chạm) - tên lửa không sử dụng đầu đạn mà dựa vào động năng của vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu, cho phép giảm khối lượng tên lửa để đầu đạn có thể được tích hợp nhiều hơn các thiết bị điện tử truy tìm và tiêu diệt mục tiêu. Đây là phương thức tấn công đạt hiệu quả cao đối với các mục tiêu nhỏ, có sơ tốc cao như tên lửa đạn đạo của đối phương. Ngoài ra, kết cấu động cơ đẩy nhiên liệu rắn hai tầng cho phép tăng gấp đôi tầm bắn hiệu dụng của tên lửa đánh chặn. Hiện tại, chỉ có Mỹ phát triển thành công công nghệ độc đáo này.
Cuối năm 2018, Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn PAC-3MSE (Missile Segment Enhancement) do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển, được xem là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến và đáng tin cậy nhất trên thế giới, với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật và các mục tiêu trên không. Tên lửa đánh chặn mới nhỏ gọn hơn, cho phép tăng số lượng tên lửa đánh chặn trên các bệ từ 4 lên 16. PAC-3MSE có khả năng bảo vệ được 360 độ, trong khi vẫn duy trì được khả năng cơ động, cũng như giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng xuống còn 50%.
Cho đến nay, Patriot là một trong những hệ thống phòng không phổ biến rộng rãi nhất thế giới (sau S-300 của Nga) với 16 quốc gia đang sử dụng. Khác với S300 của Nga chưa một lần thực chiến, Patriot đã nhiều lần tham chiến và từng ghi nhận bắn hạ các máy bay và tên lửa của đối phương. Hệ thống này được đánh giá là có tính năng vượt trội so với S-300, vốn vẫn dùng đầu đạn nổ phá.
Hệ thống Patriot PAC-3 khai hỏa; Nguồn: defensenews.com. |
Patriot "có vấn đề"?
Hôm 14/9, hai nhà máy dầu của Saudi Arabia bị tấn công bằng 18 máy bay không người lái (UAV) và 7 tên lửa hành trình, được cho là từ phía bắc. Lực lượng Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn thừa nhận thực hiện vụ tấn công, tuy nhiên, Arab Saudi cho rằng cuộc tấn công không thể đến từ Yemen và lực lượng Houthi đang bao che cho Iran. Mỹ cũng bày tỏ nghi ngờ Iran đứng sau vụ tấn công, trong khi Tehran phủ nhận mọi cáo buộc.
Hiện tại, có 88 bệ phóng tên lửa Patriot, 52 trong số đó là phiên bản PAC-3 tối tân nhất, đang bảo vệ biên giới phía bắc Arab Saudi. Ba tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường được trang bị 100 tên lửa 100 SM-2 đang hoạt động ở vùng Vịnh Persian, ngoài khơi bờ biển nước này. Ngoài ra, nhà máy lọc dầu Aramco còn được bảo vệ bởi 3 trận địa pháo Oerlikon Skyguard GDF cỡ 35 mm do Thụy Sĩ sản xuất, được xem là một trong những mẫu pháo phòng không tối tân nhất thế giới hiện nay.
Theo giới chuyên gia, một mạng lưới phòng không “khủng” như vậy thất bại trong việc ngăn chặn cuộc tấn công trên có nghĩa là các thông số kỹ thuật của hệ thống Aegis và Patriot không phản ảnh được hiệu quả thực sự của chúng, chúng dường như bất lực trong việc đối phó máy bay nhỏ và tên lửa dẫn đường, cũng như không có khả năng đẩy lùi các đợt không kích với số lượng lớn UAV và tên lửa.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, hệ thống PAC-3 không thể đối phó được đòn tấn công của UAV. Khác với PAC-2 được thiết kế để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo lẫn máy bay có độ cơ động lớn với tầm bắn xa 160km thì PAC-3 chỉ được tối ưu hóa cho nhiệm vụ diệt tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối - khi nó chuẩn bị tiếp cận mục tiêu ở cự ly rất ngắn, không có khả năng tiêu diệt mục tiêu cơ động như máy bay.
Thuật toán đánh chặn của PAC-3 phụ thuộc rất nhiều vào radar mặt đất, do đặc thù của việc chống tên lửa và độ cơ động kém của đạn phòng không, chỉ cần tính toán sai một tích tắc sẽ dẫn tới độ lệch hàng ngàn mét, bỏ lọt đối tượng cần tiêu diệt, vì vậy, không thể dùng để bắn máy bay. Tuy nhiên, cách giải thích này được cho là không hợp lý bởi trong cuộc tấn công bằng cả UAV và tên lửa hành trình nói trên, toàn bộ hệ thống Patriot PAC-3 đã không có bất kỳ phản ứng nào.
Hiện giới chức quân sự chóp bu Mỹ đang cân nhắc điều động hàng trăm binh lính cùng các hệ thống tên lửa phòng không THAAD, có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo đến Trung Đông, 3 hệ thống Patriot PAC-3 phiên bản cực mạnh đến Saudi Arabia giúp nước này vá lỗ hổng phòng thủ sau vụ nhà máy dầu bị tấn công. Trong khi các chuyên gia quân sự đang mổ xẻ, phân tích để tìm ra nguyên nhân thực sự vụ việc, nhiều học giả cho rằng, bằng cách thúc đẩy tình hình theo hướng này, giới chức chính trị, ngoại giao và quân sự Washington muốn Saudi Arabia mua thêm vũ khí Mỹ để bổ sung sức mạnh cho những vũ khí hiện có của quốc gia này./.
Nhật đưa tên lửa Patriot PAC-3 vào trung tâm Tokyo vì ngại Triều Tiên
Mỹ lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa Patriot tới Baltic
Nhật Bản nâng cấp tên lửa phòng không Patriot PAC-3
Từ khóa: Lá chắn thép, hệ thống Patriot, hệ thống phòng không, tên lửa, tấn công
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN