Kỳ vọng NQ 57 tạo cơ hội mới cho Đà Nẵng phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo
Cập nhật: 15 giờ trước
VOV.VN - Với việc Bộ Chính trị ban hành NQ 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho thành phố đột phá mới về kinh số và đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng xác định công nghiệp công nghệ cao là 1 trong 3 trụ cột chính được tập trung phát triển, mục tiêu đến năm 2030 đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, thành phố này xác định "chuyển đổi số" là một trong các lĩnh vực tạo "động lực" cho phát triển thành phố. Với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho Đà Nẵng tạo bước đột phá mới về kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Khu vực III khẳng định, việc Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do đích thân Tổng Bí thư đứng đầu phản ánh được nhận thức và quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước ta. Xác định đột phá về lĩnh vực này là phản ánh được xu thế phát triển của thời đại. Theo ông Hồ Tấn Sáng, khoa học công nghệ ở quốc gia nào cũng cần phải ưu tiên, tạo đột phá được trong lĩnh vực này thì mới có thể phát triển nhanh và bền vững được. Việc ra đời Nghị quyết 57 là rất đúng đắn và cần thiết.
“Chúng ta đang nói nhiều cho đến sự quyết liệt quyết tâm và có trách nhiệm của bộ phận đứng đầu. Đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư đã tạo ra động lực, áp lực để buộc tất cả hệ thống chính trị, cả xã hội nhập cuộc. Mà khi nhập cuộc nó sẽ tạo ra động lực. Và có lẽ cũng là niềm cảm hứng cho những người mà từ trước tới nay quan tâm nhiều và họ có thể làm được nhiều, nếu như truyền được cảm hứng mang lại lực đẩy rất lớn”, PGS.TS Hồ Tấn Sáng khẳng định.
Điểm nổi bật được quan tâm là các chủ trương đẩy mạnh hợp tác công tư để thúc đẩy công nghệ chiến lược và bố trí nguồn lực tạo đà cho khoa học công nghệ phát triển. Tiến sĩ Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã xác định các mục tiêu, giải pháp rất cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu.
“Trước đây, các Nghị quyết chuyên đề về khoa học, công nghệ và một số lĩnh vực khác cũng đã nói về vấn đề này rồi. Nhưng mà thực hiện của nước ta chưa đạt được như vậy. Cho nên, có gì đó nhiều người thiếu niềm tin về việc đó. Lần này, tôi thấy Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết, rồi thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết do Tổng Bí thư đứng đầu. Cho nên, người ta sẽ tin hơn”, ông Võ Công Trí nói.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nêu rõ về việc tạo cơ chế rủi ro trong nghiên cứu khoa học như: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan”.
Về điểm này, ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch Tập đoàn BIN Corporation, doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị có tính đột phá cao.
Bởi theo ông Lê Hùng Anh, trong lĩnh vực mới luôn có rủi ro, nếu có cơ chế miễn trừ cho người sai phạm vì nguyên nhân khách quan sẽ giúp nhà đầu tư, nhà khoa học mạnh dạn làm:
“Đối với một số ngành nghề mới mà chưa có kinh nghiệm thực tiễn thì Chính phủ nên có cơ chế mở như vậy để cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và người ta thử nghiệm trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Nếu nhỡ có sai phạm do vô tình, không cố ý thì giải quyết trong khuôn khổ giống như sandbox license, có nghĩa là cho phép thử nghiệm một vài công nghệ mới, rồi những nền tảng khoa học công nghệ mới. Nhỡ có sai sót xảy ra thì đó chỉ là giai đoạn thử nghiệm thôi. Cho nên doanh nghiệp rất cần chính sách như vậy”.
Tại thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin là 2 trong 5 mũi nhọn phát triển kinh tế thành phố.
Cụ thể hóa Nghị quyết 43 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, năm 2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành “Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư, giai đoạn 2026 - 2030 thu hút 4 tỷ USD; đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường hướng đến công nghệ cao tăng 50% so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng đang đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư các khu công nghiệp mới gồm các Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Cầm - giai đoạn 2. Trong đó, Quý I/2025 đã lựa chọn nhà đầu tư Khu Công nghiệp Hòa Ninh; Thực hiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư Khu Công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2; Khu Công nghiệp Hòa Nhơn đang điều chỉnh quy hoạch và xây dựng mô hình khu đô thị thông minh tại Khu công nghệ cao.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các Khu Công nghiệp Đà Nẵng cho rằng: Với sự tham gia trực tiếp của Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ có sức ảnh hưởng lớn hơn trong việc ban hành và phê duyệt các chủ trương, chính sách liên quan kinh tế số, sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này đảm bảo rằng các chính sách sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn, giúp các bộ, ngành và địa phương phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng là 1 trong 3 Khu công nghệ cao của cả nước, có sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, nhân lực. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng kỳ vọng: “Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng hy vọng rằng Nghị quyết này sẽ mang lại nguồn lực và hỗ trợ cần thiết để phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này bao gồm việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, cũng như hợp tác với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất”.
Theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành phố Đà Nẵng đã xác định cách tiếp cận chuyển đổi dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: Hạ tầng - Dữ liệu - Ứng dụng thông minh. Trong đó, Hạ tầng, Dữ liệu là cơ sở, nền tảng; Ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả. Thành phố xác định chuyển đổi số là “động lực”, là “chìa khóa” quan trọng để giải quyết các điểm nghẽn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đến nay, thành phố Đà Nẵng có 3 khu Công nghệ thông tin tập trung, bao gồm Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng và Khu Công nghệ thông tin tập trung FPT Complex.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số và phát triển Khoa học Công nghệ rất cụ thể rõ ràng. Đó là tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, năm 2024, tổng doanh thu toàn ngành đạt 39.888 tỷ đồng, tăng 9,07% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 165 triệu USD, tăng 11,6% so với năm 2023.
Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng thông tin: kinh tế số đóng góp 20,69% GRDP thành phố, hoàn thành chỉ tiêu trước 2 năm so với Nghị quyết về Chuyển đổi số của thành phố.
Ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ do Tổng Bí thư đứng đầu là một trong những điều kiện tiên quyết tạo đột phá trong thời gian tới: “Nâng cao nhận thức chuyển đối số là vai trò của cộng đồng, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức, đóng vai trò quan trọng quyết định. Chuyển đối số xuất phát từ cơ sở, phải lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm”.
Nhiều người kỳ vọng, Nghị quyết 57 không chỉ là kim chỉ nam cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà còn là động lực mạnh mẽ, mở ra cơ hội mới cho thành phố Đà Nẵng nói riêng; các ngành, địa phương khác nói chung tăng tốc phát triển nhanh, bền vững.
Từ khóa: Đà Nẵng, Đà Nẵng, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, Kinh tế số Đà Nẵng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thanh hà/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN