Kỳ vọng chỉ đạo của Tổng Bí thư về tinh gọn bộ máy sẽ tạo đột phá

Cập nhật: 07/11/2024

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, còn trùng lắp, chồng chéo; đồng thời kỳ vọng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo ra đột phá thúc đẩy phát triển của địa phương và đất nước.

Tổng bí thư Tô Lâm vừa có bài viết về khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo các đại biểu Quốc hội đây cũng chính là tâm tư nguyện vọng của cử tri, kỳ vọng chủ trương của Đảng và sự quyết liệt của người đứng đầu trong thực hiện sẽ là giải pháp khắc phục những chồng chéo, lãng phí, tiêu cực hiện nay, để bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các đại biểu Quốc hội phân tích chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18, nhưng sau 7 năm thực hiện nghị quyết, đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, còn trùng lắp, chồng chéo, gây cản trở sự phát triển. Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng kỳ vọng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo ra những đột phá thúc đẩy phát triển của địa phương và đất nước.

“Như Tổng Bí thư nói, phải tinh gọn bộ máy. Tôi cho rằng đây là cuộc cách mạng và mong rằng chỉ đạo của Tổng Bí thư trở thành hiệu triệu cho đất nước: nói đi đôi với hành động. Chúng ta mong chờ thời gian tới sự chuyển biến, sự thấm nhuần những nghị quyết của Trung ương về cải cách thủ tục hành chính, về tinh gọn bộ máy. Việc con người, nhân sự gắn với bộ máy đó như thế nào, có toàn tâm toàn ý với dân không, đó là một vấn đề. Từ thể chế, cơ chế chính sách tới bộ máy, tới con người đảm nhận vị trí, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, toàn tâm toàn ý vì nhân dân, vì đất nước phục vụ" - Đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ.

Khẳng định bộ máy hành chính hiện đang còn cồng kềnh trong các cấp, các ngành, dẫn tới chi thường xuyên ngân sách lớn, đại biểu Hồ Thị Minh, đoàn Quảng Trị nhất trí cần thiết phải khẩn trương tinh gọn lại bộ máy. Trên cơ sở rà soát, đánh giá để đảm bảo việc tinh gọn thực hiện nghiêm túc trong cả hệ thống chính trị, với phương châm tinh gọn hướng tới chất lượng, trí tuệ của bộ máy thay vì tinh giảm cơ học như đang thực hiện:

Đại biểu Hồ Thị Minh thấy ý tưởng trong bài viết của Tổng bí thư, tất cả các đơn vị, bộ, ngành và các khâu trung gian trong công tác tham mưu, phải siết gọn lại và hướng về cơ sở. Bộ máy cấp trên và cơ sở phải có sự thống nhất trong công tác điều hành, còn bộ phận trung gian tham mưu mà nếu chức năng trùng lắp, không cần thiết thì có thể tinh gọn lại.

"Để làm thế nào trong thời gian tới khi chúng ta siết, ngạch bậc lương theo vị trí việc làm thì thật sự đem lại hiệu quả và đảm bảo được đời sống cho cán bộ", nữ đại biểu chia sẻ.

Nêu rõ hiện nay nhiều bộ máy, cơ cấu tổ chức chưa minh bạch chức năng, nhiệm vụ, thậm chí còn chồng chéo, vừa tạo ra tình trạng lãng phí về con người, và vừa không thể triển khai được chức trách nhiệm vụ nhanh, thậm chí không quy trách nhiêm được, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả là cần thiết.

Cũng theo đại biểu, tinh giảm biên chế phải đi liền với tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy. Trong một cơ quan đơn vị xác định được số lượng nhân lực phù hợp sẽ xác định chức trách nhiệm vụ của từng vị trí, khắc phục được tình trạng không phân định rõ chức năng, nhiệm vụ từng người dẫn tới còn kìm hãm quá trình thực hiện công vụ, cản trở hiệu suất hoạt động. Do vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tinh giản biên chế là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức.

"Không thể áp dụng máy móc là tinh giản bao nhiêu phần trăm, việc đó sẽ không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức và khối lượng các công việc của mỗi một ngành, mỗi một lĩnh vực phải có. Phải rà soát lại cơ cấu tổ chức, xây dựng hệ thống vị trí việc làm, từ đó xác định cơ cấu tổ chức cần bao nhiêu, vị trí việc làm bao nhiêu và chúng ta sẽ giữ lại bao nhiêu trong bộ máy”, ông Hoàng Văn Cường phân tích.

Trong bài viết, Tổng Bí thư nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thời gian tới. Trong đó xác định tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Cùng với đó gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất...

Tuy nhiên, để tinh gọn bộ máy thực sự chuyển biến, thúc đẩy phát triển của đất nước, thời gian tới cần sự triển khai đồng bộ quyết liệt từ trung ương đến địa phương và mỗi cơ quan đơn vị.

Từ khóa: bộ máy, bộ máy, tinh gọn, bài viết Tổng Bí thư, hệ thống chính trị

Thể loại: Nội chính

Tác giả: nguyên nhung/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập