Ký ức của người lính về cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc

Cập nhật: 11/02/2023

(VOV5) -“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” là tổng hợp những ký ức của tác giả và đồng đội tác giả về cuộc chiến tbảo vệ biên cương phía Bắc trong mười năm 1979-1989.

"Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" của tác giả Nguyễn Thái Long đã tái hiện chân thực và sinh động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc qua hai giai đoạn chính vào năm 1979 ở Khau Chỉa (Cao Bằng) và năm 1985 ở Vị Xuyên (Hà Giang).

Ký ức của người lính về cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc - ảnh 1
"Tiếng vọng đèo Khau Chỉa" do Nhã Nam và NXB Phụ nữ ấn hành.

Với tâm huyết của một người lính đã đi qua cuộc chiến, Nguyễn Thái Long đã đưa vào trong sách tất cả những tư liệu ông đã dày công sưu tầm từ các đồng đội, tất cả hiểu biết về cuộc chiến tranh và tất cả cảm xúc tha thiết của mình với hy vọng truyền tải đến thế hệ hôm nay không bao giờ quên những Khau chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567.

Đèo Khau Chỉa nằm cách cửa khẩu Tà Lùng trên biên giới Việt- Trung khoảng hơn mười cây số. Án ngữ trên quốc lộ 3 dẫn từ biên giới với Trung Quốc về trung tâm tỉnh Cao Bằng, rồi từ đó tiến sâu vào nội địa Việt Nam, đèo Khau Chỉa trở thành một tuyến phòng ngự quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979. Đèo Khau Chỉa vì thế là chứng tích không phai ghi dấu những chiến công cùng sự hy sinh oanh liệt của những người lính và nhân dân tỉnh Cao Bằng mùa xuân hơn 40 năm trước.

Là một người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận Khau Chỉa, Cao Bằng, đồng thời miệt mài thu thập, lưu trữ được nhiều thông tin, tư liệu quý giá từ các đồng đội, tác giả Nguyễn Thái Long đã tái hiện cuộc chiến tranh biên giới năm xưa qua những câu chuyện chân thực và sinh động, làm sống dậy những trang sử vẻ vang bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Biên cương trong lửa đạn

Rạng sáng ngày 17-2, tiếng súng bùng lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến đấu chống quân xâm lược oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía đông tỉnh Cao Bằng. Ký ức về những trận đánh ở cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man,… được tác giả Nguyễn Thái Long, khi đó là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 (Trung đoàn Phục Hòa-Khau Chỉa) kể lại. Những trận mai phục tài tình khiến địch hoảng hồn khiếp vía, những chiến thuật đánh trả mưu trí gây thiệt hại lớn cho địch, và cả những cuộc hành hình, sát hại tàn bạo mà kẻ địch gây ra với bộ đội và nhân dân ta, tất cả đều được khắc họa một cách rõ nét và sống động.

Sau những ngày khói lửa ở Khau Chỉa, Trung đoàn 567 tiếp tục hành quân và chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang), nơi được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ”. Suốt tám tháng trời trong năm 1985, cuộc chiến diễn ra dưới trận mưa đạn pháo dữ dội của địch khiến núi đá nơi đây bị cày xới, xay vụn thành một “lò vôi” nham nhở, khốc liệt. Những trận giành giật ác liệt ở đồi A6b, đồi Đài, đồi Cô Ích, dãy Đá Pháp,… Hình ảnh người đại đội trưởng Phạm Xuân Giao hết đường tiếp tế phải tự uống nước tiểu cho đỡ cảm giác cháy xé trên đôi môi khô khốc phồng rộp rồi hy sinh ngay trong hầm chiến đấu là một biểu tượng cho “lời thề trên đá” của những người lính ở Vị Xuyên.

Điểm độc đáo làm cho câu chuyện trở nên chân thực ở những chi tiết cụ thể, đồng thời lại bao quát tương đối rộng lớn và phong phú toàn cảnh chiến trường, là nhờ sự kết hợp giữa quan sát của cá nhân tác giả với lời kể của đông đảo chiến sĩ – những đồng đội của tác giả từng tham gia chiến đấu. Trong nhiều năm sau chiến tranh, tác giả Nguyễn Thái Long đã dành nhiều công sức để gặp gỡ, lắng nghe và ghi chép nhiều thông tin, tư liệu từ đồng đội mình. Họ chính là những nhân chứng sống về cuộc chiến tranh. Qua những trang viết của mình, Nguyễn Thái Long đã gắn kết các câu chuyện thành những thước phim liên hoàn mà ở đó độc giả liên tục được dẫn dắt tới những địa danh, sự kiện trong cuộc chiến.

Mùa xuân Khau Chỉa hơn 40 năm về trước, sắc đỏ bầm của hoa gạo rụng lả tả mỗi độ tháng 2 hòa với sắc máu đỏ của bộ đội và nhân dân Cao Bằng đổ xuống để bảo vệ biên giới Tổ quốc. Cách viết, cách kể của tác giả chẳng gọt giũa cầu kỳ, đôi khi vẫn để nguyên những câu chửi tục của người lính trong lúc sinh tử, nhưng chính sự chân thực và giàu xúc cảm trong từng chi tiết đã tự nó làm nên vẻ đẹp riêng trong những trang văn của Nguyễn Thái Long.

Biên cương những mùa xưa

Ký ức về cuộc chiến tranh hơn 40 năm về trước trong tâm trí tác giả Nguyễn Thái Long không chỉ chát chúa tiếng súng đạn mà còn đầy vẻ bình yên và thơ mộng của non nước vùng biên. Rải rác trong toàn bộ cuốn sách là những hình ảnh mềm mại, những trang văn thiết tha cảm xúc trữ tình. Thậm chí ngay giữa cái ớn lạnh trong cuộc phá vây vượt đường số 4 luôn luôn rình rập bị địch phục kích, tác giả vẫn kịp mềm lòng “khi nhìn thấy những cánh hoa đào nở muộn bên suối lung linh trong ánh nắng sớm mai”.

Viết về một cuộc chiến tranh, tác giả Nguyễn Thái Long không đơn thuần là người ghi lại các thông tin, sự kiện khô cứng theo cách thức của một người viết sử. Nguyễn Thái Long muốn kể câu chuyện của mình, câu chuyện của những đồng đội mình, qua đó tái hiện lịch sử trong tâm thế của một người trong cuộc dạt dào cảm xúc: nỗi nhớ thương đồng đội, nỗi căm phẫn quân thù, niềm đau đáu của người ở lại,… Nhìn tức góc độ này, cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa có khả năng chạm đến cảm xúc của người đọc một cách trực diện, và vì thế có một ý nghĩa đặc biệt với thế hệ trẻ hôm nay.

Biên cương nhớ người muôn năm cũ

Xuất hiện dày đặc trong cuốn sách là những tên người, tên địa danh gắn liền với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Đó phần lớn là những đồng chí, đồng đội của tác giả, những người từng trực tiếp cầm súng chiến đấu trong cuộc chiến tranh. Đó là anh hùng Nguyễn Chí Cương hy sinh vì vướng phải bãi mìn, là cậu lính trẻ Mai Xuân Quang một mình chiến đấu giữa vòng vây trùng điệp của quân thù,… Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là người lính già Nguyễn Văn Hoan – bố Hoan yêu quý và đáng kính của Tiểu đoàn 1.

Trong số họ, người đã mất, người còn sống. Nhưng điều quan trọng là tác giả nhắc đến họ không đơn giản vì có liên quan đến các sự kiện lịch sử, mà hơn thế, tác giả muốn nhìn thấy ở họ một biểu tượng bất khuất của tinh thần yêu nước.

Buổi trò chuyện về “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của tác giả Nguyễn Thái Long sẽ diễn ra lúc 9h30 - 11h30, ngày 12/02/2023 tại 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, cuộc chiến tbảo vệ biên cương phía Bắc, Khau Chỉa, Cao Bằng, Vị Xuyên, Hà Giang

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập