Kỷ niệm 70 năm giải phóng địa phương đầu tiên ở Sơn La trong chiến dịch Tây Bắc

Cập nhật: 18/10/2022

VOV.VN - Cách đây tròn 70 năm, khi tiếng súng của chiến dịch Tây Bắc vang lên, cũng là lúc quân và dân huyện Phù Yên (Sơn La) nhất tề nổi dậy chiến đấu, trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh giải phóng khỏi ách cai trị của thực dân Pháp, mở màn cho thắng lợi của phong trào cách mạng ở địa phương.

Với mỗi người dân Phù Yên – địa phương có cánh đồng Mường Tấc, một trong bốn vựa lúa lớn  nhất miền Tây Bắc, ngày 18/10/ 1952 là một ngày trọng đại, đánh dấu mốc lịch sử chói lọi, đầy tự hào khi quân và dân nơi đây đã cùng bộ đội chủ lực anh dũng đứng lên tấn công đồn Mo - đầu não của thực dân Pháp đóng tại châu Phù Yên, dành quyền làm chủ, giải phóng quê hương.

Tại lễ Kỷ niệm 70 năm giải phóng diễn ra vào tối 17/10, Đảng bộ, chính quyền và người dân Phù Yên đã cùng ôn lại truyền thống vẻ vang trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Phù Yên đã đóng góp nhiều sức người, vật chất cùng cả nước dành những thắng lợi vĩ đại, giải phóng đất nước. Nổi bật, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Phù Yên đã huy động 17 đợt dân công, với trên 8.500 lượt người tham gia. Nhiều địa bàn trong huyện đã trở thành trạm tiền phương, tập kết bộ đội và kho vũ khí, lương thực, thực phẩm của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, như Mường Thải, khu rừng đèo Nhọt... Từ những thành tích đạt được, quân và dân Phù Yên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 3 tập thể, 5 cá nhân; 35 bà mẹ được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng...

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phù Yên đã đoàn kết một lòng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Trong hành trình ấy, có công cuộc di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình theo chủ trương của Trung ương “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” vào năm 1979, với 11 xã bị ảnh hưởng và trên 2.000 người dân phải di chuyển, tái định cư.

70 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, từ một huyện nghèo với khó khăn chồng chất, năm 2018, huyện Phù Yên đã được công nhận thoát nghèo; nhiều năm liên tiếp sau đó đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Huyện đã khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế của 4 tiểu vùng kinh tế; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên lòng hồ sông Đà...quyết tâm xây dựng Phù Yên thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Bí thư huyện ủy Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: “Để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định 3 khâu đột phá: Thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tình hình mới; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với nông nghiệp hữu cơ; Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng 9 đề án và cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hàng năm”.

Tại lễ Kỷ niệm, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên vinh dự được nhận cờ thi đua của  Chính phủ là địa phương dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021 của tỉnh Sơn La; UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm giải phóng, ngày 18/10, tại trung tâm huyện Phù Yên sẽ diễn ra Ngày hội văn hoá, thể thao các dân tộc và ngày hội nông sản huyện Phù Yên năm 2022, với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn./.

Từ khóa: kỷ niệm 70 năm, giải phóng địa phương đầu tiên, chiến dịch Tây Bắc, Sơn La

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập